Tại buổi gặp mặt, TS. Nguyễn Bá Hải, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã trình bày về 3 sáng kiến: máy pha cà-phê, chế tạo rô-bốt có thể dạy tiếng Anh, đặc biệt là dự án nghiên cứu sản xuất kính “mắt thần” đem lại ánh sáng cho người khiếm thị. Việc này đã trở thành sự kiện "nóng" trong buổi gặp mặt.
“Từ mô hình robot hoạt động trên mặt trăng, tôi nghĩ tại sao không thể chế tạo mắt thần giúp người khiếm thị.Tôi đã gom hết tiền để chế tạo sản phẩm đầu tiên, hình thức giống như một chiếc nón, nặng tới 20kg và thành công. Những phiên bản sau, chiếc mắt thần này chỉ còn 200g, rất nhẹ và tiện dụng, giá thành chỉ 2 triệu đồng/chiếc. Trong phòng thí nghiệm, phiên bản mắt thần không dây, có thể nghe nói đã được thử nghiêm thành công và sắp tới tôi sẽ công bố”- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết.
Hiện, cả nước có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó 300.000 người mù hoàn toàn. Những năm qua Hải đã sản xuất hàng ngàn sản phẩm với mục đích phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn, người mù bán vé số…
Sau khi nghe TS. Hải báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cần hỗ trợ để nhóm nghiên cứu mở rộng dự án có ý nghĩa xã hội này. Thủ tướng đã trực tiếp đặt hàng 300.000 chiếc "mắt thần" để hỗ trợ người khiếm thị trên toàn quốc. Đồng thời, giao giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bí thư Trung ương Đoàn khẩn trương thẩm định tính khả thi của dự án cung cấp thiết bị hỗ trợ người mù do chính người Việt Nam sản xuất. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho dự án này.
Trình bày đề xuất, kiến nghị của mình, TS.Hải nói, trong khoa học, tất cả những rào cản đều giải quyết được nếu lựa chọn đúng con người từ trung ương đến địa phương, cá nhân, tổ chức làm khoa học bên dưới – điều cốt lõi vẫn là chọn đúng người. Sau con người cần có một chiến lược tổng thể lấy hiệu quả làm đầu, kết nối sức mạnh toàn dân, xã hội hoá, doanh nghiệp hoá KH&CN. Mục tiêu, cách tiếp cận, mô hình nhỏ tác động lớn, quy trình, tiêu chí khách quan, hiệu quả nhưng đơn giản về phân bổ ngân sách, phê duyệt, đánh giá đề tài, dự án.