Để quản lý về chất lượng, đo lường trong kinh doanh xăng dầu, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN với nhiều quy định mới...
Để quản lý về chất lượng, đo lường trong kinh doanh xăng dầu, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN với nhiều quy định mới, siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, từ ngày 1/7/2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng, thiết bị in chứng từ bán hàng phải bảo đảm các yêu cầu sau: Bảo đảm tình trạng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất và hoạt động tốt; chỉ in được chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng; các thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm: Tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán; không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi thông tin in trên chứng từ bán hàng, thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu.
Đáng chú ý, kể từ ngày 1/4/2016, sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn sai số cho phép của phương tiện đo hoặc của hệ thống đo. Phương tiện đo được sử dụng để xác định lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm các yêu cầu: các bộ phận, chi tiết của phương tiện đo phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt theo quy định; các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định; có phạm vi đo phù hợp với lượng xăng dầu cần đo; đã được kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định phải còn thời hạn giá trị.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như: lấy mẫu, niêm phong mẫu, lưu mẫu và thử nghiệm mẫu khi vận chuyển hoặc giao nhận xăng dầu; quản lý chất lượng xăng dầu nhập khẩu; quản lý chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước; quản lý chất lượng xăng dầu tại thương nhân phân phối, tổng đại lý; quản lý chất lượng xăng dầu tại đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ và cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quản lý chất lượng xăng dầu trong kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu...
Trách nhiệm đối với chất lượng xăng dầu khi có khiếu nại, tranh chấp được xác định dựa trên các mẫu lưu tại từng khâu trong quá trình sản xuất, pha chế, nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông phân phối xăng dầu.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2016.
Theo Sức khỏe - Đời sống