Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy đại dịch có thể góp phần làm tăng số người mắc bệnh tiểu đường.

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng nhiễm SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, có thể do virus làm hỏng các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Tuy nhiên, những nghiên cứu này tương đối nhỏ hoặc chỉ giới hạn ở các nhóm cụ thể, chẳng hạn như cựu quân nhân Mỹ, chủ yếu là nam giới da trắng lớn tuổi, không đại diện cho dân số nói chung.

Để tìm hiểu sâu hơn, Giáo sư Naveed Janjua tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada và các đồng nghiệp đã phân tích nhóm thuần tập COVID-19 British Columbia, một bộ dữ liệu tổng hợp bao gồm tình trạng nhiễm trùng và tiêm chủng COVID-19, dữ liệu y tế, dữ liệu nhân khẩu học.

Nhóm Janjua kiểm tra hồ sơ của gần 700.000 người đã làm xét nghiệm PCR và nhận thấy những người có kết quả xét nghiệm dương tính có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 hơn về sau. 3-5% số ca bệnh tiểu đường mới có thể liên quan đến COVID-19. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open.

“Nói cách khác, trong 100 người mới mắc bệnh tiểu đường, 3-5% có liên quan đến nhiễm trùng SARS-CoV-2", Janjua cho biết.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Những người phải nhập viện vì COVID-19 dường như có nguy cơ cao nhất. Ngoài nhóm này, trong dân số nói chung, mối liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện ở nam giới, có thể do phản ứng miễn dịch đặc hiệu theo giới tính đối với virus.

Với con số người bị nhiễm COVID-19 rất lớn, số trường hợp mắc bệnh tiểu đường tăng thêm có thể gây căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải, Janjuar nói.

“Đây là dữ liệu mới và có giá trị lâu dài đối với quy hoạch và phân bổ nguồn lực y tế", Tiến sĩ Caroline Ponmani - chuyên gia tư vấn về cấp cứu nhi khoa tại bệnh viện Queen ở Romford, Essex, người đã nghiên cứu mối liên hệ giữa COVID-19 và sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em, nhận xét.

Mặc dù các cá nhân trong nghiên cứu mới chủ yếu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh phổ biến hơn ở người lớn, nhưng nghiên cứu của Ponmani đã cho thấy nhiễm trùng COVID-19 có nhiều khả năng liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em.

Trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, Ponmani đã xác định số ca mắc bệnh tiểu đường mới khởi phát ở trẻ em trên khắp Vương quốc Anh và Ireland tăng 17%.

Dữ liệu mới nhất từ cuộc Kiểm tra Bệnh tiểu đường Nhi khoa Quốc gia ở Anh và xứ Wales cũng báo cáo rằng năm 2021 và 2022 là những năm có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 mới khởi phát cao ở trẻ em, Ponmani cho biết.

Mặc dù vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận virus là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường ở người. Và nếu virus là thủ phạm trực tiếp, thì cơ chế gây bệnh vẫn cần được khám phá.

“Một số nghiên cứu cho rằng Sars-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, dẫn đến thay đổi chức năng của chúng, trong khi các nghiên cứu khác không đưa ra kết luận về lý thuyết này,” Janjua cho biết.

Nguồn: