Trong suốt vòng đời - từ khai thác, sản xuất, đến đổ vào bãi rác và đại dương, nhựa góp phần gây ra nhiều tác động đối với sức khỏe, bao gồm ung thư, bệnh phổi và dị tật bẩm sinh.

Đó là kết luận từ nghiên cứu mới do Trung tâm Quan sát sức khỏe hành tinh thuộc Đại học Boston chủ trì, với sự hợp tác của Quỹ Minderoo (Úc) và Trung tâm Khoa học Monaco.

Kết quả cho thấy "các mẫu hình sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa hiện tại không bền vững, có những tác hại đáng kể đối với sức khỏe con người, và gây ra những bất bình đẳng trong xã hội". Các tác hại này ngày càng trầm trọng do tỷ lệ thu hồi và tái chế thấp.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra, công nhân khai thác các nguyên liệu thô - gồm than, dầu mỏ, khí - và công nhân trực tiếp sản xuất nhựa là những nhóm bị tổn hại nghiêm trọng nhất. Những công nhân khai thác “phải chịu tỷ lệ tử vong do chấn thương, bệnh bụi phổi silic, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi tăng lên”, theo nghiên cứu được công bố trêntạp chí y khoa Annals of Global Health. "Công nhân trực tiếp sản xuất nhựa có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư não, ung thư vú, ung thư trung biểu mô và giảm khả năng sinh sản. Công nhân tái chế nhựa thì bị gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, ngộ độc kim loại độc hại, bệnh thần kinh và ung thư phổi".

Ngoài ra, cư dân trong các cộng đồng gần các địa điểm sản xuất và xử lý chất thải nhựa có nguy cơ sinh non, nhẹ cân, hen suyễn, bệnh bạch cầu ở trẻ em, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi gia tăng. Nghiên cứu đề cập bằng chứng cho thấy ở các cộng đồng này, trẻ sơ sinh trong bụng mẹ và trẻ nhỏ là nhóm chịu nguy cơ đặc biệt cao.

"Nhựa ngang bằng với biến đổi khí hậu về tác hại trên toàn cầu," theo Frank Seebacher - giáo sư sinh học tại Trường Khoa học sự sống và môi trường thuộc Đại học Sydney. "Lời kêu gọi quản lý nhựa hiệu quả hơn là một điệp khúc lặp đi lặp lại trong các tài liệu, đặc biệt bởi hầu hết việc sử dụng nhựa là không cần thiết, ví dụ như nhựa và bao bì sử dụng một lần có thể dễ dàng thay thế. Bài báo mới này rất có giá trị nhờ cách tổng hợp các tài liệu hiện có thành một tập hợp các khuyến nghị".

Giáo sư Andreas Suhrbier, nhà sinh học tại viện QIMR Berghofer, cho biết, hiện nay gần như ai cũng tiêu thụ “một lượng nhựa tương đối” và cần phải dành nhiều kinh phí nghiên cứu hơn để kiểm tra tác động của nó. "Số nhựa mỗi người tiêu thụ mỗi tuần ước tính bằng một thẻ tín dụng, thường ở dạng vi nhựa", Suhrbier nói.

"Đáng buồn là số lượng nghiên cứu y học tốt trong lĩnh vực này rất hạn chế. Những tác động bất lợi trực tiếp đối với sức khỏe con người của việc tiêu thụ nhựa là gì? Những bệnh nào trở nên trầm trọng hơn do tiêu thụ nhựa? Ai trong dân số của chúng ta sẽ dễ bị tổn thương nhất?"

Suhrbier cho biết các câu hỏi liên quan đến tác động sức khỏe của việc tiêu thụ vi nhựa rất khó trả lời nếu không có nguồn tài trợ nghiên cứu.

Nguồn: