Những tiến bộ khoa học mà Thomas Midgley Jr. nghiên cứu đã đem lại nguồn lợi khổng lồ cho ngành công nghiệp, nhưng người ta cũng cần cả thế kỷ để khắc phục những di chứng mà nó để lại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
Phát minh lý tưởng?
Trước giới báo chí, nhà phát minh Thomas Midgley Jr. đã đổ phụ gia chì lên tay rồi hít nó trong khoảng 1 phút. Ông không bối rối tuyên bố: “Tôi có thể làm việc này hàng ngày mà không gặp bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào.”
Ngay sau đó, Midgley cần được điều trị y tế. Không chỉ mình ông, xăng pha chì sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng cho cả nhân loại.
Khi đó là năm 1924, người kỹ sư hoá học của General Motors mạo hiểm quảng bá phát minh mới nhất của mình: tetraethyl chì. Xăng pha chì đã giải quyết được một trong các vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt vào thời điểm đó: tiếng ồn của động cơ và các cháy nổ nhỏ bên trong động cơ do xăng kém chất lượng gây ra tiếng ồn và làm hư hại động cơ. Nhưng ngược lại, với sinh vật sống như con người, chì là chất có độc tính cao, đặc biệt với trẻ em.
Không chỉ một lần, Midgley tiếp tục để lại dấu ấn với một phát minh mang tính khác. Đứng trước nhu cầu cấp bách cần thay thế các chất khí làm lạnh độc hại và dễ cháy trong tủ lạnh và điều hoà không khí, ông đã tìm ra Chloro-Fluoro-Carbon (CFC) dường như là chất làm lạnh lý tưởng vì vô hại với sức khỏe con người. Nhưng hoá ra, CFC vẫn gián tiếp gây ra các vấn đề sức khoẻ như ung thư da, do nó huỷ hoại tầng ozone, khiến tia bức xạ cực tím có hại xuyên qua khí quyển, cũng như gây hại cho các loài thực vật và động vật khác.
Đã tròn 100 năm kể từ khi Midgley ca ngợi phát minh vĩ đại đầu tiên của mình trên mặt báo, xăng pha chì vẫn còn được bán ở nhiều nơi trên thế giới cho đến tận năm 2021, và nhiều người vẫn chịu di chứng lâu dài do ngộ độc chì. Tầng ozone cần thêm bốn thập kỷ nữa mới có thể được chữa lành hoàn toàn.
Câu chuyện về người hùng quá khứ Midgley sẽ được kể lại qua góc nhìn đương đại trong một bộ phim được lên kế hoạch vào năm 2024 của nhà biên kịch Terence Winter (từng là đồng biên kịch của phim Sói già phố Wall), dự kiến sẽ có sự góp mặt của tài tử DiCaprio.
Sinh năm 1899 tại Beaver Falls, Pennsylvania, từ nhỏ Midgley đã có thiên hướng tìm tòi ứng dụng của các chất liệu sẵn có. Tại trường trung học, ông đã đẽo gọt vỏ cây du đỏ để gậy bóng chày có thể tạo ra quỹ đạo cong hơn, điều mà thường chỉ có các cầu thủ chuyên nghiệp mới thực hiện được.
Ông luôn mang bên mình một bản tuần hoàn các nguyên tố hoá học như phương tiện nghiên cứu cơ bản. Sau này, nhiệm vụ giải quyết tiếng ồn động cơ được giao cho Midgley khi ông làm việc tại General Motors (GM) vào năm 1916. Theo giáo sư lịch sử Gerald Markowitz tại Đại học Thành phố New York (CUNY), “đó là buổi bình minh của kỷ nguyên ô tô tại Mỹ, với mẫu Ford Model T vốn không mạnh mẽ lắm”. General Motors đã hợp tác với hãng nhiên liệu Standard Oil và hãng hoá chất DuPont để cố gắng phát triển động cơ mạnh hơn với loại xăng thông dụng khi đó.
Dưới sự chỉ đạo của Charles Kettering, nhà phát minh đứng đầu bộ phận nghiên cứu của GM, Midgley đã nghiên cứu hàng nghìn chất, bao gồm asen, lưu huỳnh, silicon, để thêm vào xăng. Cuối cùng, Tetraethyl chì, một dẫn xuất của chì được bán dưới tên thương mại ‘Ethyl’, được chọn. Xăng pha chì lần đầu được bán tại Dayton, Ohio vào năm 1923 rồi lan ra khắp thế giới.
Theo UNICEF, chì là chất có độc tính cao, không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn, gây suy giảm sự phát triển về thể chất, trí tuệ và hành vi của trẻ. Theo WHO, ước tính 1 triệu người chết vì ngộ độc chì mỗi năm. Độc tính của chì được biết đến rộng rãi khi Midgley thêm vào nhiên liệu, nhưng vẫn không thể ngăn cản sự thành công về thương mại của ‘Ethyl’.
Đã có những cảnh báo vì chì được coi là chất độc từ rất lâu. Nhưng lợi nhuận của ngành công nghiệp đã thắng thế những cảnh báo về di chứng của chì lên sức khỏe con người. Lúc đó, “quan điểm của ngành công nghiệp là không có bằng chứng cho thấy chì từ ống xả ô tô gây ra thương tích cho con người. Bằng chứng không rõ ràng cuối cùng đã khiến các chuyên gia y tế quyết định không đưa ra khuyến cáo về vấn đề này tại Hội nghị y tế công cộng năm 1925”, Markowitz cho biết. Tuy nhiên, các công nhân sản xuất ‘Ethyl’ đã nhanh chóng gặp phải nhiều triệu chứng tồi tệ.
“Thực tế đã xảy ra một cuộc khủng hoảng khi những người làm việc tại phòng thí nghiệm sản xuất Tetraethyl chì bị bệnh”. Midgley đã không ngại bị nhiễm độc mà trực tiếp đổ ‘Ethyl’ lên tay và hít nó trong một cuộc họp báo năm 1924 nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi của công chúng.
Bản thân Midgley cũng viết trong một lá thư vào tháng 01/1923 rằng mình đã nhiễm độc chì và phải chịu di chứng trong suốt quãng đời còn lại, theo sử gia và giáo sư về truyền thông Bill Kovarik tại Đại học Radford, Virginia. Vì khi chì vào cơ thể, chì không hề bị đào thải dần mà cứ ở đó và gây ra tổn hại lâu dài.
Di chứng của những phát minh
Nhà phát minh ‘Ethyl’, một lần nữa được ngành công nghiệp thúc đẩy, đã chuyển hướng sang việc phát triển một chất làm lạnh. Thời bấy giờ, một chất độc và dễ cháy là amoniac được sử dụng trong các thiết bị gia dụng và máy điều hoà không khí, đã thường xuyên gây chết người. Sau một loạt các vụ tai nạn những năm 1920, ông đã công bố Freon – một dẫn xuất của metan với các nguyên tử chlor và fluor, là giải pháp thay thế. Đó là hợp chất CFC đầu tiên được ứng dụng. Vẫn với phong cách quảng bá tương tự, Midgley hít vào khí Freon và thổi tắt một ngọn nến, để chứng minh cho sự an toàn của sản phẩm mới.
Freon và các dẫn xuất CFC thế hệ tiếp theo đã đạt thành công về mặt thương mại, khiến việc sử dụng điều hoà không khí trở nên thông dụng tại Mỹ. Sau chiến tranh thế giới II, các nhà sản xuất bắt đầu ứng dụng CFC vào một loạt các sản phẩm như thuốc trừ sâu và keo xịt tóc, vì tính an toàn của nó với sức khoẻ.
Phải đến giữa những năm 1970, ba thập niên sau khi Midgley qua đời, sức tàn phá từ hai phát minh của ông mới được biết đến rộng rãi. CFC đã đục thủng tầng ozone ngay phía trên Nam Cực. Nếu không được kiểm soát, lỗ thủng sẽ mở rộng ra đến mức đe doạ mọi sự sống trên trái đất.
Do áp lực của giới công nghiệp, hơn bảy thập niên sau nước Mỹ mới chỉ chấp nhận loại bỏ xăng pha chì vào năm 1996, và các nước khác dần tiếp bước. Algeria là quốc gia cuối cùng dừng bán loại xăng này cho người dân vào năm 2021, trong khi chất phụ gia chì vẫn tiếp tục được sử dụng trong nhiên liệu hàng không. Một nghiên cứu năm 2022 ước tính một nửa dân số Mỹ tiếp xúc với chì ở mức độ nguy hại từ khi còn nhỏ. Tác hại của xăng pha chì đối với sức khoẻ toàn cầu rất khó ước tính.
Một thực tế đáng buồn là chúng ta không thể biết cụ thể số lượng trẻ em bị ảnh hưởng sức khoẻ bởi chì, có thể là hàng chục triệu, hay hàng trăm triệu? Bởi vì không có ngưỡng phơi nhiễm nào là an toàn đối với trẻ em.
Năm 1987, nghị định thư Montreal đã được ký kết để loại bỏ CFC từ năm 1989 đến 2010, và bị cấm hoàn toàn sau thời hạn này. Tuy nhiên, lượng khí CFC gần đây đã tăng trở lại, là dấu hiệu của các hoạt động sản xuất bất hợp pháp. Lỗ hổng của tầng ozone đang được thu hẹp và có khả năng sẽ hồi phục hoàn toàn trong nửa thế kỷ tới, như một thành công bảo vệ môi trường hiếm hoi của nhân loại.
Cuộc đời bi kịch
Cuộc đời Midgley kết thúc trong bi kịch. Ông mắc bệnh bại liệt vào năm 1940 nên bị tàn tật nặng. Ông phát minh ra thiết bị phục vụ cho bản thân: một chiếc máy tự động nâng cơ thể khỏi giường và đặt vào xe lăn thông qua dây và trục ròng rọc. Nhưng vào ngày 02/11/1944, ông bị vướng vào chiếc máy và bị dây siết cổ tới chết.
Trong một thời gian dài, người ta coi đó là sự trớ trêu tột độ của nhà phát minh, mặc dù nguyên nhân chính thức của cái chết là ‘tự sát’. Nhưng sự thật còn đen tối hơn, Kovarik nói.
Có lẽ ông đã trải qua cảm giác tội lỗi khủng khiếp. Ngành công nghiệp tôn vinh ông như anh hùng, nhưng với các sản phẩm gây hại lâu dài cho xã hội. Nhiễm độc chì có thể góp phần khiến bản thân ông bị rối loạn tâm thần.
Cuối đời, Midgley đã nhận được một số giải thưởng cao quý. Ông đã được trao tặng huân chương Perkin của Hiệp hội Công nghiệp Hoá chất vào năm 1937, và huân chương Priestley của Hiệp hội Hoá học Mỹ vào năm 1941. Ông cũng được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội Hoá Học Mỹ vào năm ông qua đời.
Trong cuốn tiểu sử về Midgley do Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia xuất bản, được viết bởi người cố vấn lâu năm Kettering, không có gì khác ngoài những lời ca ngợi. “Cuộc đời bận rộn, đa dạng và sáng tạo của Midgley đã để lại một di sản vĩ đại cho thế giới.”
Lịch sử đã có những ví dụ khác về những phát minh vô tình gây hại cho mạng sống con người. TNT ban đầu được phát triển để làm thuốc nhuộm màu vàng và chỉ bị sử dụng làm thuốc nổ sau đó nhiều thập kỷ. Thuốc trừ sâu DTT từng được coi là phát minh quan trọng cho nông nghiệp, thậm chí còn tham gia vào các chiến dịch y tế công cộng trong cuộc chiến chống chấy rận và sốt rét, được dùng để xịt trực tiếp lên người. Midgley là người duy nhất phát minh ra hai thứ như vậy, nhưng phê phán ông như một nhân vật phản diện với môi trường thực sự hơi quá đà. Các chuyên gia cho rằng ông chỉ là một bánh răng của cỗ máy lớn chuyển động.
“Ông ấy chỉ là một nhân viên tận lực vì công việc”, Kovarik nhận xét. Markowitz đồng ý như vậy. “Đây là những dự án nghiên cứu được công ty tài trợ. Nếu không phải Midgley, sẽ có người khác đưa ra giải pháp tương tự.” Markowitz cho rằng nỗ lực tăng trưởng và đổi mới bằng mọi giá là động lực chính cho sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong nửa đầu thế kỷ XX. Có những phát minh ban đầu tưởng là tiến bộ quan trọn nhưng trong thập niên 1950, hầu như không nghi ngờ nào về những “tiến bộ” ấy, mà chỉ quan tâm đến hiệu quả của các sản phẩm ấy cho các ngành công nghiệp. Chỉ khi phong trào bảo vệ môi trường khởi đầu vào thập niên 1960-1970, chúng ta mới xem xét đến những hậu quả của một số “tiến bộ khoa học” do cuộc cách mạng khoa học đem lại.
Nguồn:CNN