Năm 1844, bác sĩ Francis Rynd người Ireland đã sáng tạo ra ống tiêm, một dụng cụ y tế mang tính cách mạng đã cứu sống vô số người trên toàn thế giới.

Rynd sinh ra tại Dublin (Ireland) vào năm 1801. Ông theo học y khoa tại Đại học Trinity Dublin. Nhưng cuộc đời Rynd đã thay đổi khi ông bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Meath ở Dublin kể từ năm 1836, nơi ông nhận được sự hỗ trợ tận tình của bác sĩ phẫu thuật và nhà giải phẫu lỗi lạc Philip Crampton – người đã nhận ra khả năng của Rynd.

Francis Rynd (1801–1861). Ảnh: Wikipedia
Francis Rynd (1801–1861). Ảnh: Wikipedia

Tháng 5/1844, Rynd tuyên bố với thế giới rằng ông đã sử dụng một cây kim rỗng để tiêm thuốc giảm đau vào tĩnh mạch cho một bệnh nhân, mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y học.

Ngày nay, ống tiêm dưới da của Rynd đã được tinh chỉnh và sử dụng hàng tỷ lần trên khắp thế giới mỗi ngày để cứu sống bệnh nhân hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang phải chiến đấu với bệnh tật theo cách mà vị bác sĩ này khó có thể hình dung vào thời đại của mình.

Khái niệm “tiêm” (injection) đã tồn tại từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại khi họ dùng vũ khí sắc nhọn có tẩm thuốc độc để tấn công kẻ thù. Dụng cụ giống như ống tiêm đầu tiên được sử dụng trong lĩnh vực y khoa xuất hiện vào khoảng năm 900 sau Công nguyên, khi bác sĩ phẫu thuật người Ai Cập Ammar ibn Ali al-Mawsili chế tạo ra một ống thủy tinh rỗng, mỏng, có khả năng hút để loại bỏ phần đục thủy tinh thể ra khỏi mắt bệnh nhân. Tuy nhiên, dụng cụ này chỉ có chức năng loại bỏ các vật thể hoặc chất lỏng ra khỏi cơ thể con người, thay vì tiêm thuốc vào bên trong cơ thể bệnh nhân.

Năm 1650, nhà vật lý người Pháp Blaise Pascal đã phát triển khái niệm mà ngày nay chúng ta gọi là định luật Pascal. Theo đó, khi bạn nén một chất lỏng trong một không gian kín, áp suất sẽ lan tỏa đều khắp chất lỏng và không bị suy giảm dù ở bất kỳ hướng nào. Đây chính là nguyên lý cơ bản để ống tiêm hoạt động.

Thiết kế ống tiêm của Francis Rynd. Ảnh: Newstalk
Thiết kế ống tiêm của Francis Rynd. Ảnh: Newstalk

Thí nghiệm tiêm tĩnh mạch đầu tiên do nhà vật lý và kiến trúc sư người Anh Christopher Wren thực hiện vào năm 1656. Wren tò mò muốn biết liệu phương pháp tiêm tĩnh mạch có hiệu quả bằng đường uống hay không, vì vậy ông dùng lông ngỗng làm kim tiêm và bàng quang động vật làm ống tiêm để truyền thuốc giảm đau cho những con chó.

Gần 100 năm sau, chiếc kim tiêm bằng kim loại rỗng do Rynd sáng tạo ra đã cách mạng hóa phương pháp tiêm vì cho đến lúc đó, người ta không thể tiêm mà không cần rạch da.

Bác sĩ Rynd khi đó đang điều trị cho một phụ nữ bị đau ở vùng mặt trong nhiều năm. Mặc dù cô đã uống thuốc morphine dạng viên nén nhưng không thấy các triệu chứng thuyên giảm. Để giải quyết vấn đề này, Rynd nghĩ ra cách tiêm morphine trực tiếp xuống dưới da, gần chỗ dây thần kinh của bệnh nhân để giảm đau.

Ông đã sáng chế ra một dụng cụ kim loại có đầu nhọn, dùng để đâm xuyên qua da gọi là trocar kết hợp với một ống rỗng hẹp. Sau khi tạo lỗ nhỏ trên da bằng trocar, morphine bắt đầu chảy qua ống và di chuyển xuống bên dưới da nhờ trọng lực, thay vì lực đẩy của pít-tông giống như ống tiêm mà chúng ta thấy ngày nay.

Rynd đã trình bày chi tiết về thử nghiệm tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân tên là Margaret Cox trên tờ Dublin Medical Press vào ngày 12/3/1845 với nội dung như sau:

“Bệnh nhân Margaret Cox, 59 tuổi, là người có thân hình gầy gò, ốm yếu, nhập viện vào ngày 18/5/1844. Cô xuất hiện cơn đau dữ dội trên toàn bộ phía bên trái của khuôn mặt, đặc biệt là vùng phía trên hốc mắt, dọc theo các nhánh của dây thần kinh ở má, dọc theo nướu của cả hàm trên và hàm dưới. Cơn đau tăng lên nhiều lần khi cô ấy ngậm miệng và nghiến chặt răng, thỉnh thoảng lan sang vùng đỉnh đầu và phía sau đầu”.

“Vào ngày 3/6/1844, tôi đã tiêm một dung dịch bao gồm hợp chất morphine acetate và creosote vào vùng mặt của bệnh nhân, gần dây thần kinh phía trên hốc mắt, dọc theo đường đi của các dây thần kinh thái dương, dây thần kinh gò má, và dây thần kinh miệng, thông qua bốn mũi tiêm nhỏ của một dụng cụ chuyên dụng do tôi sáng chế ra. Chỉ trong một phút, tất cả cơn đau (ngoại trừ cơn đau nhẹ do mũi tiêm) đã biến mất, và đêm đó cô ấy đã ngủ rất ngon”.

“Sau một tuần, cô ấy bị đau nhẹ trở lại ở nướu của cả hàm trên và hàm dưới. Tôi tiếp tục tiêm thuốc cho bệnh nhân và cơn đau nhanh chóng biến mất. Sau đó, cơn đau không còn tái phát và cô ấy được giữ lại trong bệnh viện vài tuần để tiện theo dõi. Trong thời gian này, sức khỏe của cô ấy đã cải thiện, ngủ ngon giấc và cô ấy trở nên vui vẻ hơn. Cô ấy rời bệnh viện vào ngày 1/8/1844 với tinh thần phấn chấn và hứa sẽ quay lại nếu cô ấy cảm thấy bất kỳ cơn đau nhẹ nào xuất hiện trở lại. Tôi cho rằng cô ấy vẫn khỏe mạnh vì tôi không nghe tin gì từ cô ấy kể từ đó đến nay”.

Sáu năm sau, vào năm 1851, bác sĩ Alexander Wood từ Scotland đã bổ sung thêm một pít-tông và phát triển ống tiêm làm hoàn toàn bằng thủy tinh, cho phép người dùng ước tính liều lượng của thuốc dựa trên mức chất lỏng quan sát được qua thành thủy tinh.

Một người khác đã cải tiến thiết kế ống tiêm của Rynd là bác sĩ phẫu thuật người Pháp Charles Gabriel Pravaz. Ông đã chế tạo một ống tiêm làm bằng bạc có chiều dài 3cm và đường kính 5mm. Các bác sĩ sẽ dùng tay vặn ốc vít trên ống tiêm thay vì dùng pít-tông để kiểm soát lượng thuốc tiêm vào cơ thể bệnh nhân.

Kỹ thuật tiêm thuốc trực tiếp dưới da do Rynd khởi xướng ngày càng trở nên phổ biến và được các chuyên gia y tế ca ngợi là “lợi ích lớn nhất cho y học kể từ khi phát hiện ra chloroform”.

Cũng kể từ đó, các công ty trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, bắt đầu sản xuất nhiều loại kim tiêm thế hệ mới.

Năm 1897, các doanh nhân người Mỹ bao gồm Maxwell W Becton và Fairleigh S Dickinson thành lập một công ty nhập khẩu thiết bị y tế tên là BD. Năm 1906, BD bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất ống tiêm đầu tiên ở Mỹ. Cột mốc quan trọng tiếp theo diễn ra vào năm 1925, khi BD giới thiệu loại ống tiêm mang tên Yale Luer-Lok, có khả năng gắn kim vào và lấy kim ra khỏi ống tiêm một cách dễ dàng.

Năm 1954, công ty BD đã cung cấp các ống tiêm dùng một lần làm bằng thủy tinh cho chương trình tiêm chủng vaccine bại liệt của Jonas Salk cho một triệu trẻ em Mỹ.

Năm 1956, dược sĩ và bác sĩ thú y người New Zealand Colin Albert Murdoch đã phát triển thiết kế ống tiêm nhựa dùng một lần, và thiết kế này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.


Theo Medical Independent