Khả năng đi sâu vào tế bào, không hàng rào nào cản được nhờ kích thước siêu nhỏ (1 nanomet = 10 mũ trừ 9 mét) là sự ưu việt của vật liệu nano nhưng cũng có thể khiến nó trở nên nguy hiểm, trong khi Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn cho dạng sản phẩm này.
Vừa đủ mới phát huy tác dụng
Năm 2016, Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam giới thiệu sản phẩm khẩu trang nano bạc DK có tác dụng kháng khuẩn. TS Trần Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường - cho biết: “Loại khẩu trang này có một lớp lọc làm từ than hoạt tính và nano bạc, giúp hấp phụ một phần khói độc và diệt khuẩn. Vi khuẩn được giữ lại trong lớp lọc sẽ bị tiêu diệt bởi nano bạc. Cái khó nhất là kỹ thuật tẩm lớp lọc để nano bạc không bị tách khỏi tấm màng và phát huy hết tác dụng. Lượng nano đưa vào sản phẩm cũng cần được tính kỹ sao cho vừa đủ để phát huy tác dụng, bởi nếu ít hay nhiều quá đều không tốt”.
Một sản phẩm nano curcumin sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: NV
Tuy nhiên, người tiêu dùng không dễ tìm được sản phẩm đảm bảo chất lượng như vậy dù khẩu trang nano được bán rất nhiều trên thị trường, nguồn gốc đa dạng. PGS-TS Nguyễn Hoàng Nam - khoa Vật lý, Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - nói: “Những loại khẩu trang được quảng cáo là dùng than hoạt tính và nano bạc nhưng giá chỉ 2.000 đồng/chiếc thì không nên mua. Bởi lẽ, nếu sản xuất đơn chiếc, riêng vật liệu để làm lõi cho khẩu trang đã lên tới vài chục nghìn đồng. Nếu sản xuất hàng loạt, giá thành sản phẩm thường dao động từ 35.000-40.000 đồng/chiếc”. Khẩu trang của Viện Công nghệ môi trường có giá niêm yết là 56.000 đồng/chiếc.
Lý giải nguyên nhân khẩu trang nano có giá cao hơn sản phẩm thường, PGS Trương Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng: “Khi đặt nano bạc trong màng lọc để diệt khuẩn, nhà sản xuất phải đảm bảo nano không bị giải phóng ra ngoài và đi vào cơ thể người. Điều này đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ tiêu chuẩn. Nếu là hàng không đảm bảo chất lượng, nano tẩm không đúng kỹ thuật sẽ dễ dàng bong ra khỏi màng và đi vào cơ thể người sử dụng, gây các tác động tiêu cực”.
Thử sản phầm que thử phát hiện nhanh virus rota gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp
Với sản phẩm nước rửa tay, rửa rau củ có bổ sung nano, PGS-TS Trương Quốc Phong cũng lưu ý cần thận trọng: “Khi sử dụng loại sản phẩm này, dù nước đã rửa trôi nhưng một phần nano bạc vẫn đi vào cơ thể chúng ta. Nano với kích thước rất nhỏ có thể đi vào từng tế bào. Nó sẽ tác động thế nào đến cơ thể, hàm lượng nào gây ảnh hưởng tiêu cực... vẫn là điều mà các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu”.
Cần xây dựng quy chuẩn về an toàn nano
TS Lê Thị Hiên - Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ nano sinh học - khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, ĐH Công nghệ - nêu vấn đề: “Trên các phương tiện thông tin đại chúng nhan nhản quảng cáo về sản phẩm nano như nano canxi, nano kẽm, nano bạc. Cái tôi thắc mắc là chúng ta không có một cơ quan nào kiểm định để xác nhận sự hiện diện của nano trong sản phẩm và hàm lượng của nó”.
Theo PGS Trương Quốc Phong, cách đây không lâu, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa có ý tưởng dùng nano bạc để bảo quản nông sản, hạn chế tình trạng thối hỏng. Tuy nhiên khi tìm hiểu, viện mới biết chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng sử dụng nano với hoa quả nên dự án này đã không được tiến hành. PGS-TS Trần Hồng Côn - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia HN, tác giả máy lọc nước nano Skynano - cho biết với sản phẩm này, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia chỉ kiểm nghiệm chất lượng nước đầu ra và đầu vào chứ không có yêu cầu kiểm định nào với máy.
Một loại máy lọc nước nano khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Bình
Giải thích điều này, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - nói: Thông thường công nghệ luôn mới, là sự sáng tạo và đi trước tiêu chuẩn một bước nên việc còn thiếu những tiêu chuẩn cho công nghệ mới cũng là dễ hiểu. Công nghệ nano rất mới và đặc thù trong khi nguồn lực lại có hạn. Cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào nhu cầu xã hội để tập trung nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn.
Ví dụ, hiện tiêu chuẩn cho khẩu trang nano hay nano curcumin đã được xây dựng và ban hành; còn với những sản phẩm quá mới liên quan đến công nghệ nano, chúng tôi sẽ có lộ trình xây dựng tiêu chuẩn cho những sản phẩm thuộc về thẩm quyền của Bộ KH&CN.
Các ứng dụng của công nghệ nano
Theo TS Hiên, hiện chưa quốc gia nào có quy chuẩn về ngưỡng an toàn cho nano. Ở Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng quy chuẩn an toàn cho nano, nhưng mới chỉ quy định sản phẩm có nano không, hàm lượng bao nhiêu chứ chưa có quy chuẩn an toàn. Thái Lan đang kêu gọi các nước cùng tham gia xây dựng bộ tiêu chuẩn thế nào là độc và không độc, quy trình kiểm định chất lượng có tên là Nano-Q (nano quality- chất lượng nano).
Theo bà Hiên, để xây dựng chuẩn an toàn của nano, cần sự tham gia của ít nhất 3 bộ là KH&CN, Y tế, Tài nguyên và Môi trường. Còn GS-TS Nguyễn Quang Liêm - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho rằng: “Bất cứ chất nào dù tốt hay độc cũng đều phải xác định ngưỡng sử dụng. Chất không độc mà dùng quá nhiều cũng không tốt. Các chất ở kích thước nano thẩm thấu nhanh. Do đó, nếu chất độc bình thường có ngưỡng cho phép thấp thì chất độc kích cỡ nano phải xác định ngưỡng này thấp hơn rất nhiều”.