Với kích thước siêu nhỏ và hoạt tính mạnh, các hạt nano - được sử dụng ngày càng nhiều trong công nghiệp thực phẩm - bị nghi ngờ sẽ có thể xâm nhập vào mạch máu, não, gan, thận… và ảnh hưởng đến cấp độ tế bào.
Tuy vật liệu nano được sử dụng ngày càng nhiều trong bao bì thực phẩm và các chế phẩm ăn kiêng, tăng cường dinh dưỡng…, đến nay vẫn chưa có phương pháp chuẩn đánh giá độ an toàn của nó trong thức ăn.
Đưa nano vào thực phẩm để làm gì?
Theo Andrew Maynard - Giám đốc Phòng thí nghiệm đánh giá rủi ro nghiên cứu, Đại học Arizona, Mỹ, từ thời tiền sử, con người đã ăn các vật liệu nano tự nhiên như hạt mixen casein trong sữa. Hiện tượng cháy rừng, núi lửa phun… cũng giải phóng các hạt kim loại, carbon… kích cỡ nano vào khí quyển và chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, việc ăn vật liệu nano hằng ngày như chúng ta hiện nay chưa bao giờ xảy ra.
Trong 2 thập kỷ qua, các hạt nano kích thước từ 1 đến 100 phần tỷ mét đã có mặt trong quần áo, hàng điện tử, mỹ phẩm... Đối với ngành thực phẩm, đến nay mới chỉ vài thành phần nano được đưa trực tiếp vào thức ăn và bao bì, phổ biến nhất là TiO2, SiO2 và ZnO. Ở kích thước lớn hơn, các chất này từ lâu đã được dùng trong thức ăn và dược phẩm, được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xếp vào nhóm “được thừa nhận rộng rãi là an toàn”.
Titan dioxide (TiO2) là một trong những chất phổ biến nhất được sử dụng ở kích cỡ nano, là phụ gia cho nhựa, sơn, mỹ phẩm. Trong thực phẩm, nó đóng vai trò làm trắng hoặc làm sáng thức ăn.
Theo tiến sĩ Westerhoff thuộc Đại học bang Arizona, rất nhiều thực phẩm chế biến đã được bổ sung nano TiO2, nhiều nhất là kẹo, bánh, bánh rán và kem… Chất này còn được tìm thấy trong bơ, ngũ cốc và sữa chua dẻo.
Ngoài TiO2, nhiều vật liệu nano khác được sử dụng để cải thiện màu sắc, hương vị và độ tươi thực phẩm. Nhiều dưỡng chất kích cỡ nano đã được dùng nhằm chống béo phì, suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác.
Song song với các tác dụng đó, không ít người lo ngại về rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng vật liệu nano. Kích cỡ siêu nhỏ và hoạt tính bề mặt của các hạt nano có thể làm tăng khả năng thấm hoặc làm hư hại quá trình thấm của tế bào. Theo các nghiên cứu gần đây, một số hạt nano - bao gồm cả những vật liệu được FDA coi là an toàn - có thể tương tác với tế bào theo những cách không mong đợi hoặc chưa được biết đến.
“Cần có giải pháp kiểm soát tốt hơn nguy cơ của việc sử dụng một lượng nhỏ vật liệu nano mỗi ngày” - James Waldman - chuyên gia bệnh học tại Đại học bang Ohio, Mỹ nói.
Vật liệu nano xâm nhập cơ thể như thế nào?
Phần lớn phương pháp đánh giá tính an toàn của phụ gia thực phẩm được phát triển từ nhiều thập niên trước, không phù hợp với vật liệu nano.
Chuyên gia Gretchen Mahler tại Đại học Binghamton, Mỹ đã xác định các tác động tinh vi của hạt nano lên đường ruột ở liều lượng mà người bình thường có thể hấp thụ hằng ngày, đồng thời phân tích sự biến đổi chức năng của tế bào khi tiếp xúc với vật liệu nano.
Kết quả cho thấy, một liều lượng nhỏ hạt nano polystyrene cũng gây biến đổi các sợi lông phủ niêm mạc ruột. Theo thời gian tiếp xúc với vật liệu nano, lông niêm mạc trở nên lớn hơn cho phép sắt hấp thụ tốt hơn vào mạch máu.
Nghiên cứu của tiến sĩ James Waldman, trên tạp chí Internationa cho thấy, hạt nano có thể xâm nhập gan, thận, phổi, não và lách sau khi được cho ăn cưỡng bức trên chuột. Trong các nghiên cứu trước, hạt nano cũng được phát hiện tại các cơ quan nội tạng sau khi chúng hấp thụ vật liệu nano.
Nhóm của tiến sĩ Waldman đang lên kế hoạch tích hợp hạt nano chứa huỳnh quang trong thức ăn hằng ngày của chuột.
Thí nghiệm sẽ được lặp lại vài tuần một lần để đánh giá khả năng tích tụ vật liệu trong cơ thể chuột và phân tích các mô, đánh giá đáp ứng viêm nhiễm và các tổn thương liên quan đến vật liệu nano.
Các nhà khoa học cũng sử dụng chuột mới thụ thai để xác định tác động của các hạt nano. Theo Waldman, các nghiên cứu cần thực hiện trên cả nhóm chịu rủi ro cao gồm người bị bệnh đường ruột và phụ nữ có thai. Những người mắc các bệnh viêm nhiễm đường ruột cũng đứng trước nguy cơ hạt nano xâm nhập mạch máu, đi vào cơ thể.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đồng ý rằng thức ăn chứa hạt nano đang bán trên thị trường là an toàn nếu được dùng ở lượng bình thường. Waldman khẳng định ông không từ chối sử dụng thực phẩm chứa các hạt nano.
Trong khi đó, tiến sĩ Westerhoff cho rằng công nghệ nano khiến cho thực phẩm có chất lượng hơn. Mặc dù vậy, những người tiêu dùng cẩn trọng vẫn muốn đảm bảo rằng các phụ gia nano là an toàn. Giống như với mọi công nghệ mới khác, trước khi sử dụng chúng ta cần cẩn trọng và hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.