Một viên nang phóng xạ có kích thước 8mm x 6mm bị thất lạc khi được vận chuyển từ khu mỏ Rio Tinto, thị trấn Newman, Úc, đến thành phố Perth cách đó khoảng 1.200km.

Theo các nhà chức trách Tây Úc, viên nang phóng xạ được đóng gói và đưa lên xe tải vào ngày 10/1, vận chuyển ra khỏi thị trấn Newman vào ngày 12/1 và theo lịch trình sẽ đến thành phố Perth vào ngày 16/1. Công ty khai thác mỏ Rio Tinto đưa viên nang cùng các thiết bị liên quan đến Perth để sửa chữa. Nhưng vào ngày 25/1, viên nang bị phát hiện đã mất tích khi gói hàng được mở ra để kiểm tra ở Perth.

Sau khi kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện trên đường đi, viên nang rơi khỏi vị trí lưu trữ và rơi xuống đường cao tốc qua lỗ hổng trên sàn xe. Các nhà chức trách Úc đã phải tìm kiếm viên phóng xạ nhỏ này dọc theo đoạn đường dài 1.400 km của đường cao tốc sa mạc Tây Úc. Ngày 1/2, họ cho biết đã tìm lại được viên phóng xạ, cách Newman khoảng 50km về phía nam.

Quãng đường từ Newman đến Perth dài hàng nghìn cây số, do đó khó tìm lại viên nang phóng xạ rơi trên đường.

Viên nang phóng xạ dùng để làm gì?

Viên nang có vỏ ngoài là thép, bên trong chứa Caesium-137, kim loại phóng xạ có chu kỳ bán rã 30,05 năm, nghĩa là trong ba thập kỷ, bức xạ beta và gamma mà nó phát ra sẽ còn một nửa so với ban đầu.

Những viên nang như thế này thường được sử dụng trong công nghiệp - chủ yếu trong các ngành công nghiệp khai thác mỏ và dầu khí - để làm thiết bị đo mật độ và dòng chảy của vật liệu.

“Chúng giúp theo dõi tốc độ dòng chảy của vật liệu hoặc mực nước trong một đường ống”, Tổng giám đốc của Dịch vụ phóng xạ Tây Úc Lauren Steen giải thích. Các tia gamma do Caesium-137 phát ra xuyên qua đường ống và được thu lại bởi một máy dò, từ đó tiết lộ vật chất trong ống. Steen cho biết các nguồn phóng xạ như viên nang này thường được thiết kế để đặt nguyên một chỗ trong vòng đời khoảng 15 năm, và có các đợt kiểm tra theo quy định hằng năm.

Viên nang phóng xạ có kích thước nhỏ, dùng trong công nghiệp mỏ và dầu khí.

Theo Dale Bailey, nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, nguồn này sẽ tiếp tục phát xạ ở trên mức bức xạ nền tự nhiên trong môi trường trong khoảng 300 năm. Trong y tế, trước đây Caesium-137 đã được sử dụng trong xạ trị. “Một trong những ứng dụng của nó ở bệnh viện là chiếu xạ máu, khử trùng máu bằng các photon gamma từ Coban-60 hoặc Ceasium trước khi truyền máu", Bailey nói.

Viên nang nguy hiểm như thế nào?

Theo Bailey, mối nguy chính là ô nhiễm phóng xạ, xảy ra khi chất phóng xạ tiếp xúc với vật thể khác, chẳng hạn như cơ thể người, đất hoặc đường xá.

Ở cách viên nang một mét trong một giờ tương đương với việc nhận 10 lần chụp X-quang. Ước tính liều bức xạ của viên nang là khoảng 1,665 millisievert một giờ. Lượng bức xạ nền bình thường mà một người ở Úc tiếp xúc trong một năm là khoảng 1,5 millisievert.

Vỏ thép của viên nang ngăn không cho chất phóng xạ thoát ra ngoài, nhưng nếu vỏ bị vỡ, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nữa. Các hạt beta khi không còn bị cản lại bởi hàng rào bảo vệ có thể gây tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến đỏ da, loét hoặc chết mô.

Khi nhiễm lên người, Caesium sẽ đi đến xương, sau đó nạn nhân liên tục chịu bức xạ hạt beta và tia gamma mà không cách gì loại bỏ, Bailey cảnh báo.

Theo Dịch vụ Phóng xạ Tây Úc, có hàng ngàn nguồn phóng xạ như vậy ở bang này, được sử dụng và vận chuyển hằng ngày. “Các cơ quan chức năng ở Úc hoặc trên toàn thế giới đều biết từng nguồn và có cơ sở dữ liệu cũng như quy trình nhập khẩu", Steen nói. "Có các biện pháp kiểm tra, nhưng có lẽ đây là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả các bên về tính chất nghiêm trọng của phóng xạ".

Nguồn: