Các nhà xuất bản của hàng nghìn tạp chí khoa học đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng chatbot AI trong việc viết báo, bởi mối lo ngại rằng AI có thể tạo ra các nghiên cứu thiếu sót hoặc bịa đặt.
ChatGPT, chatbot AI được phát triển bởi OpenAI ở California, đã gây ấn tượng khi viết ra những bài thơ, truyện ngắn, bài tiểu luận và thậm chí cả lời khuyên cá nhân kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022. Thậm chí chatbot này có thể viết ra những bản tóm tắt nghiên cứu khoa học giả mạo đủ thuyết phục để đánh lừa các chuyên gia.
Việc sử dụng ChatGPT trong việc soạn thảo một số phần trong các bài báo khoa học đã dẫn đến việc AI này được ghi nhận là đồng tác giả trên một số bài.
Và mới đây, Holden Thorp, Tổng biên tập của tạp chí Science, đã công bố chính sách mới của tạp chí khoa học hàng đầu này, cấm sử dụng văn bản từ ChatGPT và nói rõ rằng AI này không thể được liệt kê là đồng tác giả bài báo.
"Chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng Science sẽ không cho phép ChatGPT trở thành đồng tác giả và không cho phép sử dụng văn bản do ChatGPT tạo ra trong các bài báo", Thorp nói.
Thorp cho biết ChatGPT mắc nhiều lỗi, có thể làm suy giảm chất lượng nghiên cứu nếu các nhà khoa học dùng AI này để tổng hợp tài liệu liên quan hoặc tóm tắt nghiên cứu.
Các nhà xuất bản khác đã thực hiện những thay đổi tương tự. Springer-Nature, nhà xuất bản của gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật hướng dẫn, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhưng nhà xuất bản này không cấm hoàn toàn ChatGPT. Công cụ AI này, và những công cụ tương tự, vẫn có thể được sử dụng trong việc chuẩn bị các bài báo, miễn là điều này được công khai minh bạch trong bản thảo.
Magdalena Skipper, tổng biên tập của Nature, cho biết với các biện pháp bảo vệ phù hợp, ChatGPT và các công cụ AI tương tự có thể mang lại lợi ích cho khoa học, đặc biệt là trong việc tạo sân chơi bình đẳng cho những người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Nhóm này có thể sử dụng các chương trình AI để làm cho tiếng Anh trong bài báo của họ trôi chảy hơn.
Elsevier, xuất bản khoảng 2.800 tạp chí, bao gồm Cell và Lancet, cũng có lập trường tương tự như Springer-Nature. Hướng dẫn của nhà xuất bản này cho phép sử dụng các công cụ AI “để cải thiện ngôn ngữ của bài báo nghiên cứu, nhưng không thay thế các nhiệm vụ chính mà tác giả nên thực hiện, chẳng hạn như giải thích dữ liệu hoặc rút ra kết luận khoa học”. Elsevier cho biết thêm rằng các tác giả phải công khai nếu họ đã sử dụng các công cụ AI và sử dụng như thế nào.
Michael Eisen, tổng biên tập của eLife, cho biết ChatGPT không thể là tác giả, nhưng ông thấy việc áp dụng AI là điều tất yếu. “Tôi nghĩ câu hỏi không phải là có nên cho phép hay không, mà là làm thế nào để quản lý việc sử dụng AI”, ông nói. “Điều quan trọng nhất, ít nhất hiện nay, là các tác giả phải thẳng thắn về việc sử dụng AI và mô tả cách sử dụng, cũng như chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra của AI”.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2023/jan/26/science-journals-ban-listing-of-chatgpt-as-co-author-on-papers