Trong dụ ngôn "Gã điên", triết gia Nietzsche đã loan tin "Chúa chết hẳn rồi" và cảnh báo, một khi con người giết Chúa, họ sẽ lấy ai để lấp chỗ Ngài hay tất cả chỉ còn lại sự trống rỗng, vô nghĩa trong tâm hồn.

Còn trong “Homo Deus” - "tập 2" của cuốn Homo Sapiens đình đám, nhà sử học Yuval Noah Harari lại dự báo về một đám tang vĩ đại khác: cái chết của chủ nghĩa nhân văn, kèm theo đó là sự lên ngôi của Dữ liệu giáo (Dataism).

Cái chết của chủ nghĩa nhân văn

Giả sử, vào năm 1300, một thiếu nữ ở Anh muốn bỏ trốn cùng anh chàng hàng xóm mà cô ta đem lòng yêu bấy lâu. Cô sẽ dằn vặt mình với nhhững câu hỏi: "Liệu yêu anh ấy là đúng hay sai?", "Ngủ với anh ta trước khi kết hôn có là trái đạo đức?" Để có câu trả lời, cô không có cách nào khác ngoài đi hỏi các mục sư.

Không phải bởi vì các vị chăn chiên có nhiều trải nghiệm hơn, mà bởi vì họ là những người đã nghiên cứu kỹ nhất các lời dạy của Chúa. Sau khi tham khảo cẩn thận Kinh thánh, các mục sư có thể quả quyết rằng cô gái đã phạm tội nghiêm trọng, và nếu không biết sám hối, cô chỉ có đường xuống địa ngục.

Yaval Noah Hariri, tác giải hai cuốn sách "Homo Sapiens" (Người Khôn ngoan) và "Homo Deus" (Người Thần thánh). Ảnh: thetimes.co.uk

Giả sử, vào năm 1950, "khi một phụ nữ hiện đại muốn hiểu hơn về chuyện tình của mình, khả năng cao là cô sẽ không mù quáng chấp nhận những phán xét của một mục sư hay một cuốn sách cổ xưa. Thay vào đó, cô sẽ cẩn thận khám phá cảm xúc của mình. Nếu cảm xúc vẫn chưa được rõ ràng, cô sẽ gọi một người bạn gặp một buổi cà phê, và thổ lộ hết trái tim mình.

Nếu vẫn còn quá mơ hồ, cô sẽ đi gặp một nhà trị liệu tâm lý, và tâm sự với anh ta... Theo lý thuyết, thì vị bác sỹ kia cũng đóng vai trò giống hệt vị mục sư trung cổ. Nhưng trái với các vị chăn chiên, có đường dây nóng kết nối trực tiếp với Chúa và phân biệt giúp ta đâu là thiện, ác, các nhà trị liệu hiện đại chỉ đơn thuần là giúp chúng ta hiểu hơn về chính những cảm xúc bên trong của mình." [1] Nhưng bắt đầu từ thế kỉ 19 trở đi, Chúa đã dần hấp hối khi đức tin của con người không còn đặt vào Ngài.

Hóa ra, câu nói vu vơ "Mình thích thì mình làm thôi" phổ biến trên mạng lại thể hiện đúng bản chất cuộc chuyển giao quyền lực từ các vị thần sang bản thân con người dưới những "đức tin" của chủ nghĩa nhân văn. "Sống trong hiện tại, thay vì tin vào thiên đường hay địa nghĩa", "Hãy yêu mình, tin mình, dựa vào mình", "Mưu cầu hạnh phúc vì mình, chứ không phải vì đẹp lòng Chúa".

Nhưng như Yuval Harari lập luận trong cuốn "Homo Deus", thời đại mà người ta đặt niềm tin vào con người cũng sắp kết thúc để nhường chỗ cho một thứ tôn giáo mới: Dữ liệu giáo.


Sự lên ngôi của Dữ liệu giáo

GS Yuval Harari giải thích: “Dữ liệu giáo là một hệ thống đạo đức mới cho rằng, đúng, con người vô cùng đặc biệt và quan trọng bởi vì từ xưa đến nay họ vẫn là hệ thống xử lý thông tin phức tạp nhất trong vũ trụ, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Điểm bùng phát xảy ra khi bạn có một thuật toán bên ngoài hiểu bạn - những tình cảm, cảm xúc, lựa chọn, ham muốn của bạn - tốt hơn cả chính bạn hiểu mình.” [2]

Lại quay về câu chuyện tình yêu, nếu như ông bà bạn đi xin lời khuyên từ các vị thần, bố mẹ bạn tin vào trái tim của chính mình thì nhiều khả năng con của bạn trong tương lai sẽ đi hỏi Google mỗi khi có thắc mắc về tình yêu. "Nghe này, Google, cả John và Paul đang tán tỉnh tớ. Tớ thích cả hai anh chàng, mỗi người mỗi vẻ vì vậy thật khó mà hạ quyết định. Với kiến thức của Google, bạn khuyên tớ nên làm gì"?

Và Google sẽ trả lời: "Tớ biết cậu từ ngày cậu chào đời. Tớ đã đọc tất cả email của cậu, ghi lại tất cả các cuộc điện thoại của cậu, biết phim ưa thích nhất của cậu là gì, DNA của cậu ra sao và toàn bộ lịch sử sinh trắc về trái tim của cậu. Tớ có dữ liệu chính xác về mỗi cuộc hẹn hò mà cậu tham gia, và tớ có thể cho cậu thấy biểu đồ từng giây về nhịp đập tim, huyết áp, mức độ đường của cậu bất cứ khi nào cậu hẹn hò với John hay Paul. Và quả thật tớ cũng hiểu họ nhiều như hiểu cậu.

Niềm tin vào con người sắp kết thúc để nhường chỗ cho một thứ tôn giáo mới: Dữ liệu giáo?. Ảnh: CCO Public Domain

Dựa trên tất cả những thông tin này, những thuật toán siêu đẳng của tớ và hàng thập kỉ thống kê của hàng triệu mối quan hệ, tớ khuyên cậu nên chọn John, với 87% khả năng cậu sẽ hạnh phúc với cậu ta về lâu về dài. "Thực sự, tớ hiểu cậu tới mức còn biết cậu không thích lựa chọn đó. Paul đẹp trai hơn John và bởi vì cậu coi trọng bề ngoài quá, nên cậu thầm mong tớ sẽ nói "chọn Paul đi".

Tất nhiên, trai đẹp có giá của nó nhưng không nhiều như cậu nghĩ đâu. Các thuật toán sinh hóa của cậu - thứ đã tiến hóa hàng nghìn năm về trước ở đồng cỏ châu Phi - cho ngoại hình 35% giá trị khi đánh giá bạn tình tiềm năng. Những thuật toán của tớ - dựa trên những nghiên cứu và thống kê mới nhất - nói rằng bề ngoài chỉ có 14% tác động lên sự thành công của một mối quan hệ lãng mạn lâu dài. Vì vậy, dù biết cậu coi trọng vẻ đẹp trai của Paul, tớ vẫn phải nói rằng cậu sẽ hạnh phúc hơn với John." [3]

Câu chuyện "thầy bói Google" phải cần vài chục năm nữa mới thành hiện thực, nhưng hiện tại thì hàng triệu trái tim cô đơn đã tìm thấy hạnh phúc nhờ những "bà mối" online như Tinder, Match.com hay Okcupid nhờ vào những thuật toán ghép đôi vô cùng tinh vi. Các bác tài xế ngày nay cũng chuyển sang dùng "Google Maps" thay vì chọn tin vào trí nhớ của mình.

Còn Amazon từ lâu đã tin vào các thuật toán và dữ liệu lớn hơn các nhà biên tập sành sỏi trong việc gợi ý sách cho độc giả. "Hãy tin vào mình" của chủ nghĩa nhân văn giờ đang được chuyển thành "Hãy tin vào các thuật toán". Con người đang bị các nhà khoa học giải mã và một khi họ hiểu các cảm xúc được kích hoạt và hoạt động như nào, bí ẩn của "ý thức" nằm ở đâu thì bạn sẽ mất đi một trong những phẩm chất làm người cốt lõi nhất của mình: ý chí tự do.

Một ví dụ gần đây về quá trình 'chuyển giao quyền lực' là trường hợp của nữ diễn viên Angelina Jolie. Năm 2013, cô được phát hiện đang mang trong mình một biến thể nguy hiểm của gene BRCA1. Theo dữ liệu thống kê, những người có đột biến này có 87% khả năng phát triển ung thư vú. Mặc dù vào thời điểm đó, Jolie chưa có dấu hiệu mắc ung thư nhưng cô vẫn quyết định phẫu thuật cắt bỏ vú để phòng xa. [4]

Ngày nay chúng ta lướt Facebook, xem Youtube, dùng Iphone nhiều hơn nói chuyện, đọc sách hay thảo luận chính trị. Người nắm giữ sự chú tâm thực sự của chúng ta thuộc về các ông chủ công nghệ như Tim Cook, Mark Zuckerberg, Larry Page...chứ không phải các nhà truyền đạo, nhà thơ hay chính trị gia. Tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai sẽ không đến từ vùng đất thánh Jerusalem mà đến từ thung lũng Silicon. Một trật tự thế giới mới đang mở ra. Vị thánh sáng suốt nhất không phải là Chúa, cũng không phải là bạn, mà có lẽ sẽ là các thuật toán.

Nguồn trích dẫn:
[1] Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, Yuval Noah Harari,
[2] Sorry, Y'All-Humanity's Nearing an Upgrade to Irrelevance, Wired
[3], [4] Yuval Noah Harari On Big Data, Google And The End Of Free Will, Financial Times