Chúng ta đã chứng kiến máy tính chiến thắng con người trong những trò chơi như cờ tướng, xoay rubik, … Vậy còn việc dạy chúng biết hợp tác và thỏa hiệp như người thì sao?
Jacob Crandall và Micheal Goordrich, hai chuyên gia khoa học máy tính, đã cùng các đồng nghiệp tại MIT và trên khắp thế giới, phát triển một thuật toán mới. Theo đó, trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence hay AI) không chỉ biết, mà còn có khả năng cộng tác và đàm phán hiệu quả hơn cả giữa con người với nhau.
Theo Crandall, mục đích sau cùng của nghiên cứu nhằm giúp con người hiểu được cơ chế đằng sau sự hợp tác và những yếu tố nào khiến AI có nhu cầu phát triển các kĩ năng xã hội. Ông cũng cho rằng, AI cần phải trả lời được những câu hỏi do con người nêu ra và xâu chuỗi lại những gì đã thực hiện được. Nói chung, AI cần có khả năng tương tác với con người.
Các nhà nghiên cứu đã cài đặt một thuật toán gọi là S# lên máy tính và cho chạy các trò chơi bao gồm có hai người chơi, nhằm thử nghiệm khả năng hợp tác của AI. Các trường hợp thử nghiệm bao gồm tương tác giữa máy với máy, người với máy và giữa người với người. Trong hầu hết các trường hợp, máy tính cài đặt sẵn S# có thể giúp tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho đôi bên tốt hơn cả người.
“Nếu hai người trung thành và thẳng thắn với nhau, họ có thể xử lý vấn đề tốt như hai cỗ máy tính” - Crandall cho biết. “Theo như kết quả này, con người vẫn hay lừa dối nhau, trên những khía cạnh nào đó. Vậy nên, thuật toán trên cho thấy, phẩm chất đạo đức tốt giúp mang tới những giải pháp tốt. Các máy tính được lập trình để không nói dối mà vẫn duy trì sự hợp tác”.
Nhóm nghiên cứu còn tìm cách tăng cường khả năng hợp tác của máy tính bằng cách lập trình chúng với những câu nói hay được dùng trong thực tế. Trong các thử nghiệm, máy tính có thể nói với người tham gia cộng tác như: “Tuyệt lắm, chúng ta sắp giàu rồi!”, hoặc “Tôi chấp nhận lời đề nghị của bạn”. Nếu người tương tác có ý định nuốt lời hay phản bội, máy tính sẽ phản hồi với những câu nói, đại loại như “Bạn thật đáng nguyền rủa!”, “Bạn sẽ phải trả giá”, hay thậm chí còn có thể tỏ thái độ thô lỗ. Khi trí tuệ nhân tạo sử dụng những câu nói như vậy, người tham gia thử nghiệm rất khó để xác định họ đang làm viêc với máy tính hay với con người.
Kết quả của nghiên cứu trên được kỳ vọng sẽ mang lại những ảnh hưởng lâu dài tới quan hệ giữa người với người. Các tác giả tin tưởng rằng, máy tính có thể dạy chúng ta biết thỏa hiệp và hợp tác với nhau tốt hơn.
Thế Hải (Theo TechXplore)