Các nhà khoa học phát hiện một trữ lượng lớn thủy ngân đang bị mắc kẹt trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.
Paul Schuster, nhà khoa học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), và các cộng sự phát hiện tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực là nơi tích trữ thủy ngân lớn nhất thế giới, theo UPI. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 5/2.
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu các lõi khoan tại những tầng đất bị đóng băng ở phía bắc Alaska, Mỹ. Họ đo được 793 gigagram thủy ngân trong các mẫu đất đông lạnh. Theo ước tính, tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang tích trữ 1.656 gigagram thủy ngân, gấp hai lần lượng thủy ngân có trong tất cả các hệ thống đại dương, trầm tích và khí quyển của hành tinh cộng lại.
"Chúng tôi đã định lượng một bể chứa thủy ngân chưa từng được biết đến trước đây. Kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa sâu sắc, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về chu kỳ thủy ngân toàn cầu" - Schuster cho biết.
Khám phá trên có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức các hệ thống đại dương, địa chất và khí quyển Trái Đất lưu trữ thủy ngân. Thủy ngân hầu hết được tìm thấy trong khí quyển, nhưng nó có thể liên kết với các hạt trong đất và nước.
Khi các tầng đất đóng băng ở Bắc Cực tan chảy với tốc độ nhanh chóng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, thủy ngân sẽ giải phóng vào môi trường sống nhiều hơn.
"Hậu quả của việc thủy ngân bị phóng thích vào môi trường là rất lớn, bởi vì thủy ngân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của sinh vật, đồng thời xâm nhập vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên" - Steve Sebestyen, một nhà thủy văn học tại Cục Kiểm lâm Mỹ, cho biết.
Quốc Hùng