Ngay cả sau khi giảm cân đáng kể, tế bào mỡ trong cơ thể vẫn giữ "trí nhớ" về tình trạng béo phì. Điều này có thể lý giải vì sao khó duy trì cân nặng sau khi giảm cân.


Hình minh họa. Nguồn: Steve Gschmeissner/SPL

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã biết rằng cơ thể có xu hướng trở lại tình trạng béo phì sau giảm cân, nhưng cơ chế và nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là “hộp đen”.

Để hiểu vì sao cân nặng dễ dàng tăng lại sau khi giảm, nhóm nghiên cứu ở ETH Zurich, Thụy Sĩ, đã phân tích mô mỡ từ một nhóm người bị béo phì nghiêm trọng và nhóm đối chứng chưa từng bị béo phì. Họ phát hiện một số gen trong tế bào mỡ của nhóm béo phì hoạt động mạnh hơn, trong khi các gen khác hoạt động yếu hơn so với nhóm đối chứng.

Ngay cả phẫu thuật giảm cân cũng không làm thay đổi mô hình đó. Hai năm sau khi những người tham gia được phẫu thuật giảm cân và đã giảm được rất nhiều cân, hoạt động di truyền của các tế bào mỡ vẫn biểu hiện mô hình liên quan đến béo phì. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở chuột đã giảm cân đáng kể.

Trong các tế bào mỡ của cả người và chuột, các gen tăng cường hoạt động trong quá trình béo phì có liên quan đến việc thúc đẩy tình trạng viêm và xơ hóa, hay tình trạng hình thành mô cứng giống như sẹo. Trong khi đó, các gen bị giảm hoạt động lại là các gen giúp tế bào mỡ thực hiện chức năng bình thường.Ở chuột, các thay đổi trong hoạt động của gen được truy ngược đến các biến đổi trong epigenome, một tập hợp các thẻ hóa học có thể được thêm vào hoặc loại bỏ khỏi DNA và protein của tế bào, dẫn đến tăng hoặc giảm hoạt động của gen.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra độ bền vững của những trong epigenome bằng cách đưa chuột béo phì vào chế độ ăn kiêng. Vài tháng sau khi chuột đã gầy trở lại, các thay đổi trong epigenome vẫn tiếp diễn, như thể các tế bào “nhớ” rằng chúng từng ở trong cơ thể béo phì.

Hiện chưa rõ các tế bào mỡ sẽ nhớ tình trạng béo phì trong bao lâu, theo Ferdinand von Meyenn - đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia về epigenome tại ETH Zurich. “Có thể có một khoảng thời gian mà trí nhớ này sẽ mất đi, nhưng chúng tôi chưa biết rõ,” ông nói.

Để hiểu rõ hơn tác động của trí nhớ về tình trạng béo phì của các tế bào mỡ, các nhà khoa học đã nghiên cứu tế bào mỡ từ chuột gầy đi sau béo phì. Những tế bào này hấp thụ đường và chất béo nhiều hơn tế bào mỡ từ chuột đối chứng chưa từng béo phì. Chuột từng béo phì cũng tăng cân nhanh hơn khi được cho ăn chế độ giàu chất béo, so với chuột đối chứng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không tham gia nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu chưa chứng minh được các thay đổi trong epigenome gây ra những thay đổi vật lý ở chuột. Evan Rosen - nhà sinh học tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess, Hoa Kỳ, cho rằng danh sách các thay đổi epigenome trong tế bào mỡ mà nghiên cứu phát hiện rất giá trị, nhưng không dễ để xác định những thay đổi nào trong số đó thúc đẩy trí nhớ còn sót lại của các tế bào mỡ.

“Đây chưa phải là một liên kết nhân quả,” von Meyenn đồng tình. “Đây chỉ là mối tương quan. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu.”

Laura Hinte - đồng tác giả nghiên cứu mới và nhà sinh học tại ETH Zurich, Thụy Sĩ, cho biết nghiên cứu này gợi ý rằng những người giảm cân có thể cần hỗ trợ lâu dài để tránh tăng cân trở lại. “Điều này có nghĩa là bạn cần được giúp đỡ nhiều hơn, và đó không phải lỗi của bạn,” bà nói.


Nguồn: