Biến đổi khí hậu khiến tốc độ gió của bão ở Đại Tây Dương tăng trung bình gần 30 km/h, theo một phân tích về các cơn bão trong khu vực.


Hình minh họa. Nguồn: AFP/Getty

Daniel Gilford - tác giả chính của nghiên cứu và nhà khoa học khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, Princeton, New Jersey, nói: “Chúng ta, với tư cách con người, đã để lại dấu ấn của mình trên những cơn bão này. Khi chúng ta làm tăng nhiệt độ bề mặt biển, chúng ta cũng làm tăng tốc độ quay của bão.”

Mùa bão Đại Tây Dương năm nay đặc biệt tàn khốc. Ví dụ, bão Helene đã càn quét miền đông nam Hoa Kỳ vào tháng Tám, gây ra lượng mưa gần 800 mm ở một số nơi. Cơn bão đã lấy đi sinh mạng của hơn 200 người và gây thiệt hại lên đến 250 tỷ USD, vượt cả bão Katrina năm 2005 để trở thành cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Asheville - thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất ở Bắc Carolina, chứng kiến các khu vực gần sông French Broad "hoàn toàn bị phá hủy và cuốn trôi", theo Carl Schreck - nhà khí tượng học tại Đại học Bang Bắc Carolina. Schreck cho biết: "Khu vực này bị thiệt hại do gió nhiều hơn so với dự đoán đối với một cơn bão hình thành xa đất liền như vậy." Gió mạnh đã làm đổ cây và đường dây điện, cắt đứt liên lạc của thành phố trong vài ngày.

Theo báo cáo của Climate Central, tốc độ gió của bão Helene đạt đỉnh 225 km/h, cao hơn khoảng 26 km/h so với trường hợp không có tác động của biến đổi khí hậu.

Bão lấy năng lượng từ nước biển ấm. Theo lý thuyết, nước càng ấm, bão càng mạnh với tốc độ gió cao hơn. Biến đổi khí hậu, chủ yếu do con người gây ra,đã cung cấp nhiều "nhiên liệu" cho bão, với nhiệt độ bề mặt biển ở Bắc Đại Tây Dương đã tăng khoảng 1°C từ năm 1900.

Để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên các cơn bão gần đây, Gilford và nhóm nghiên cứu đã mô phỏng 49 cơn bão xảy ra ở Bắc Đại Tây Dương từ năm 2019–2024 trong kịch bản không có biến đổi khí hậu. Sau đó, họ so sánh tốc độ gió của các cơn bão mô phỏng với cơn bão thực tế. Theo đó, tốc độ gió của các cơn bão đã tăng trung bình gần 30 km/h, đủ để nâng cấp độ của 30 cơn bão lên một mức (trên thang đo cường độ bão Saffir-Simpson). Năm cơn bão, gồm Lorenzo (2019), Ian (2022), Lee (2023), Milton (2024) và Beryl (2024), đã đạt cấp 5 - cấp cao nhất gây "thiệt hại thảm khốc" theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Hoa Kỳ NOAA.

Một báo cáo đi kèm, sử dụng cùng phương pháp, cho biết, biến đổi khí hậu đã làm tăng cường độ của cả 11 cơn bão xảy ra ở Bắc Đại Tây Dương trong năm nay.

Ryan Truchelut - đồng sáng lập công ty dự báo thời tiết Weather Tiger, đánh giá cao nghiên cứu đã định lượng được sự thay đổi do biến đổi khí hậu. Ông cho rằng nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu tốt nhất và phương pháp thống kê phù hợp.

Tuy nhiên, Schreck cho rằng việc đưa ra một con số duy nhất - tốc độ gió tăng - cho mỗi cơn bão, là "quá đơn giản hóa". Ông cũng lưu ý rằng mô hình không tính đến hết các yếu tố phức tạp của đại dương và hành vi của bão.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Research: Climate.


Nguồn: