Trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới còn thiếu nguyên liệu sản xuất bền vững, hai công ty Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất sợi vải dứa trên quy mô công nghiệp, hứa hẹn tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường.

Nhân công địa phương tách xuất xơ dứa thô. Nguồn: Ecofa
Nhân công địa phương tách xuất xơ dứa thô. Nguồn: Ecofa

Xu hướng “xanh hóa thời trang”

Chúng ta đều biết ngành thời trang nhanh gây tác hại lớn đến môi trường. Ngành này chiếm tới 10% lượng phát thải CO2 toàn cầu, nhiều hơn tất cả các chuyến bay và vận chuyển hàng hải quốc tế cộng lại. Hơn nữa, ngành công nghiệp này tiêu tốn rất nhiều hóa chất, nguyên liệu, nước sạch, và đóng góp hàng triệu tấn rác mỗi năm do mọi người vứt bỏ quần áo đi.

Hầu hết quần áo trên thế giới được làm bằng polyester, loại sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Sợi polyester đã thay thế bông trở thành loại sợi phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, một số chuyên gia về môi trường gọi sự tồn tại của polyester là "thảm họa" khi quá trình sản xuất nguyên liệu này phát thải gấp 3 lần so với bông.

Ngay cả bông cũng không phải là một nguyên liệu tiết kiệm, vì mặc dù ít phát thải hơn nhưng quá trình canh tác và sản xuất ra chúng cần rất nhiều nước: Để tạo ra 1 kg bông cần tiêu tốn tới 20.000 lít nước. Lượng nước này đủ cho một người uống trong vòng 30 năm.

Sự gia tăng nhận thức về tác hại của các loại sợi vải với môi trường đã thúc đẩy sự phát triển của những loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, cụ thể là các loại sợi dệt cải tiến từ phế phẩm nông nghiệp. Hãy nghĩ đến bã mía, lá dứa, vỏ ngô, tơ chuối, xơ dừa, vỏ cà phê.v.v Những phế phẩm này có thể tái tạo hàng năm và là nguồn cung cấp sợi cellulose tự nhiên giá rẻ, bền vững.

Với lợi thế là quốc gia nông nghiệp và công xưởng may mặc của toàn thế giới, Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để khám phá những tiềm năng thay thế sợi cho ngành dệt may. Và thực sự, đã có những người nắm bắt cơ hội đó.

Đầu tháng trước, công ty khởi nghiệp Ecofa Việt Nam và nhà cung cấp vải sợi bền vững Bảo Lân Textiles cho biết họ đã thành công trong việc sản xuất sợi vải dứa trên quy mô công nghiệp với một quy trình hoàn thiện có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Đây cũng là lần đầu Việt Nam sản xuất tơ dứa trên quy mô lớn. Cả hai đã cho ra mắt dòng sản phẩm vải Ananas (có nghĩa là ‘dứa’ trong tiếng Pháp) cùng các giải pháp R&D sản phẩm, có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các hãng dệt may và thương hiệu thời trang trong và ngoài nước.

Hành trình khởi nghiệp

Câu chuyện bắt đầu với anh Đậu Văn Nam, nhà sáng lập Ecofa, khi anh từ bỏ công việc ổn định của mình để rẽ sang một con đường mới: Tự mở công ty và chế tạo các loại máy móc để tách sợi từ lá dứa. “Nói chung, việc tách sợi từ lá dứa không mới nhưng trước đây chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Các phương thức kéo sợi bằng xơ dài thủ công khó có thể tạo ra sản lượng tơ đủ tiêu chuẩn đưa vào nhà máy sợi, dệt”, anh cho biết.

Lá dứa dài và có lớp phủ sáp trên bề mặt. Do vậy, người ta cần rửa sạch và tách vỏ bằng cách cạo bỏ lớp ngoài của lá và các thành phần lignin, hemicellulose, chỉ giữ lại phần cellulose. Phần xơ lộ ra sẽ dính và cần trải qua bước tiếp theo là rửa sạch bằng nước. Sau đó, các sợi đã chiết xuất được sẽ qua sấy khô tạo thành sợi thô. Toàn bộ quá trình này được Ecofa xử lý bằng máy cơ khí tự động do anh Đậu Văn Nam thiết kế và đặt tại các hợp tác xã thu hoạch dứa.

Sau đó, sợi thô sẽ được vận chuyển về một nhà máy tập trung của Ecofa, nơi họ dùng các máy móc khác để bông hóa (cottonized) thành các sợi đồng đều về màu sắc, độ ẩm, độ dài, tiết diện. Sản phẩm tạo ra không khác gì bông y tế. Chính những sợi tơ dứa sau khi được đánh bông này mới có thể gửi tới các nhà máy sợi trên khắp đất nước để kéo sợi và dệt vải.

Tách sợi từ lá dứa tại hợp tác xã thu hoạch. Ảnh: Ecofa
Tách sợi từ lá dứa tại hợp tác xã thu hoạch. Ảnh: Ecofa

So với sợi bông, quy trình sản xuất sợi dứa cực kỳ thân thiện với môi trường. Ecofa đã tối ưu hóa quy trình để không phải sử dụng tới bất kỳ loại hóa chất nào. “Sợi dứa khá trắng nên không cần dùng đến các chất tẩy màu như sợi bông. Các lớp lignin, hemicellulose cũng có thể được loại bỏ bằng nước áp suất cao thay vì kiềm. Nói chung, chúng tôi chỉ sử dụng nước và máy móc cơ học. Chính vì thế, để tạo ra 1 kg sợi dứa trung bình chỉ cần dùng khoảng 25 lít nước, bằng 1/800 so với sợi bông”, đại diện Ecofa chia sẻ.

Anh Đậu Văn Nam hồi tưởng lại những ngày đầu làm sợi dứa hồi năm 2019. Ban đầu, họ chỉ tính đến làm các sợi dứa thô. Vì sợi dứa thô rất dài và nhiều rối ren, nhiều nút thắt nên khi gửi mẫu đi cho hàng trăm đối tác, họ đều nhận lại những cái lắc đầu.

“Thời kỳ đó thật kinh khủng, có những tháng chúng tôi gửi tới 150 mẫu ra nước ngoài. Những bên nhận được đều nói họ thấy ý tưởng về sợi dứa rất thú vị, mẫu sợi dứa rất thơm và bền, họ thực sự rất quan tâm nhưng lại không thể dùng được”, anh Nam chia sẻ. “Tôi hỏi lại họ bây giờ phải làm sao để họ có thể dùng? Họ trả lời rằng nếu có thể làm ra bông từ sợi dứa đó thì họ mới có thể kéo sợi. Và thế là chúng tôi quyết định phải làm quy trình bông hóa nhằm biến đổi các sợi dài thành sợi ngắn hơn để ngành công nghiệp có thể dùng được.”

Cận cảnh máy tách sợi cellulose thô từ lá dứa. Ảnh: Ecofa
Cận cảnh máy tách sợi cellulose từ lá dứa ở hợp tác xã thu hoạch. Ảnh: Ecofa

Ecofa đã vấp phải lối tư duy tuyến tính khi nghĩ rằng các khách hàng quan tâm sẽ tìm cách nghiên cứu để làm ra sợi dệt. Nhưng hóa ra không phải, mọi người đều muốn một sản phẩm dùng được luôn trên hệ thống của họ. Chính vì thế, startup này đã phải dấn thân sâu hơn vào con đường R&D để tìm cách bông hóa. Giờ đây, công ty đã sở hữu những công nghệ máy móc và bí quyết độc quyền để sản xuất sợi tơ dứa bông hóa.

Tất cả đều làm trên hệ thống máy móc tự động mà doanh nghiệp tận dụng hoặc thiết kế. Nhờ vậy, Ecofa có thể kiểm soát mọi quy trình để đảm bảo chất lượng đồng đều từ đầu đến cuối. Chẳng hạn, các loại sợi tự nhiên thường có độ ẩm lý tưởng nhất là khoảng 10%. Do đó, tất cả các khâu từ tách xơ, sấy, bông và điều chỉnh nhiệt độ đều được kiểm soát chặt chẽ.

Thử nghiệm sản xuất “bông” tơ dứa bắt đầu vào giữa năm 2021. Đến đầu năm nay, Ecofa đã có thể cung cấp 18 tấn tơ dứa từ hơn một triệu tấn lá dứa thu hoạch mỗi tháng. Công ty dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn mỗi tháng vào cuối năm 2025.

So với quy mô thị trường dệt may Việt Nam, con số này cực kì khiêm tốn, bởi ngành dệt may Việt Nam tiêu thụ khoảng 75-95 nghìn tấn sợi mỗi tháng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có tới 50.000 ha vùng trồng dứa và những công ty nhỏ như Ecofa mới chỉ khai thác được 1% trong số đó.

Bà con ở các hợp tác xã thu hoạch lá dứa. Ảnh: Ecofa
Bà con ở các hợp tác xã thu hoạch lá dứa. Ảnh: Ecofa

“Các công ty lớn ở Việt Nam không quan tâm đến việc phát triển vùng nguyên liệu và họ chỉ nhập khẩu các loại sợi, vải hoặc mua thành phẩm mà bên khác tạo ra, như xơ bông. Đó là cơ hội cho những startup trẻ như Ecofa phát triển.” anh Nam nói.

“Chúng tôi thu hoạch lá dứa sau khi cây đã ra quả. Dứa lại là loại cây đặc biệt, không kén đất, kén nước, và bà con nông dân có thể điều chỉnh nó để ra hoa và kết quả theo thời gian theo ý muốn. Do vậy, có thể khai thác sợi dứa quanh năm.”, anh nói thêm.

Thâm nhập thị trường

Hành trình của Ecofa chưa dừng lại và phải đến khi gặp Bảo Lân Textiles, viễn cảnh mới trở nên sáng sủa hơn. Xơ bông dứa cần chuyển thành sợi vải, và Bảo Lân đã giúp họ R&D các loại sợi vải thích hợp mà thị trường có thể chấp nhận.

Bảo Lân Textiles là “con nhà nòi” trong ngành vải. Dave Quách, người sáng lập ra công ty, xuất thân trong một gia đình có truyền thống 30 năm buôn bán vải ở chợ Sài Gòn. Anh từng tiếp xúc rất nhiều loại vải khác nhau và am hiểu về vải. Trong suốt một thập kỷ, công ty này đã xây dựng được mối quan hệ rộng rãi với các khách hàng cũng như công ty kéo sợi, công ty dệt và công ty nhuộm.

Không đơn thuần là thương mại, Bảo Lân tập trung thế mạnh của mình vào việc R&D (nghiên cứu, phát triển, cải tiến) các dòng sợi vải eco made-in-Vietnam chất lượng với giá cả phù hợp. Họ đã cho ra mắt các dòng vải bền vững như vải cà phê, vải sợi tre Bamboo có khả năng chống tia UV, vải kháng côn trùng, kháng mùi, chống thấm, làm mát, chống bụi mịn, vải tái chế BCI CVC Recycle. Vải dứa ‘Ananas’ hợp tác với Ecofa là thành quả gần đây nhất của công ty.

Trả lời cho hành trình “đo, cắt, may, thử” để tạo ra các loại sợi vải mới lắm truân chuyên và không kém thú vị này, Dave Quách nói với Tạp chí Nông thôn Việt rằng đó là một trải nghiệm thách thức sự sáng tạo và mất nhiều năm trời. “Chúng tôi là đơn vị duy nhất trong ngành tại Việt Nam và hiếm hoi trên thế giới hoạt động với mô hình kết hợp thương mại và nghiên cứu phát triển. Nghiên cứu để ra sản phẩm có thể thương mại hóa và thương mại để có tài chính nuôi công tác nghiên cứu tốn kém, dài hơi”, Dave Quách nói.

Anh Đậu Văn Nam bên cạnh các mẫu sợi vải từ lá dứa. Ảnh: Ecofa.
Anh Đậu Văn Nam bên cạnh các mẫu tơ sợi từ lá dứa. Ảnh: Ecofa.

R&D ra một loại sợi mới đòi hỏi phải có một sự pha trộn tỷ lệ nhất định để phát huy được thế mạnh của từng loại sợi ban đầu. Ví dụ như pha trộn sợi dứa với sợi cotton. Sợi cotton rất mềm nhưng khi giặt dễ bị nhăn, nhàu. Trong khi đó, sợi dứa cứng cáp nhưng thông thoáng hơn và không dễ bị nhăn. Khi kết hợp cả hai lại, sản phẩm cuối cùng có thể khắc phục được các nhược điểm.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét những chỉ số sợi (đường kính, tiết diện, bề mặt vải v.v) để có những đặc tính phù hợp với từng ứng dụng thời trang, ví dụ như kaki, sơmi hay các sản phẩm đi vào đồ gia dụng như chăn ga gối đệm, vỏ bọc ghế v.v. Mỗi chỉ số và thành phần sợi vải khác nhau sẽ tạo ra những chất liệu mới mẻ có thể dệt được bằng những kiểu dệt chuyên biệt.

Liên minh giữa Ecofa - Bảo Lân Textiles cho biết, họ đã tạo ra hơn 20 loại vải để nhận phản hồi của khách hàng và trong tương lai có thể R&D bất kỳ sản phẩm sợi vải nào theo yêu cầu của nhãn hàng hoặc nhà sản xuất. Điều quan trọng là tất cả quá trình này đều được thực hiện tại Việt Nam.

Khi nói đến viễn cảnh tương lai, hai doanh nghiệp này có những định vị rất rõ ràng về tập khách hàng của mình. Họ nhắm đến bốn nhóm đối tượng là những hãng thời trang bền vững ở phân khúc cao cấp, những hãng thời trang đại trà đang có cam kết chuyển đổi một phần nào sang chất liệu tự nhiên, các nhà thiết kế thời trang không lo lắng về giá cả mà cần sản phẩm chất lượng cao, và ngành công nghiệp dệt may (textile) tạo ra các sản phẩm đại trà.

Các khách hàng này cần sự ổn định về chất lượng, số lượng và giá cả. Và Ecofa cũng như Bảo Lân Textiles tự tin rằng chuỗi cung ứng mà họ đã xây dựng và liên kết được có thể đám ứng những đòi hỏi đó. Ecofa tiết lộ rằng vài tuần trước, họ đã ký được hợp đồng độc quyền với một đơn vị gia công sản phẩm cho Uniqlo và H&M. “Mọi chuyện vẫn ở phía trước nhưng chúng tôi có niềm tin vào tương lai”, anh Đậu Văn Nam chia sẻ.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT