Dù đã có những bước tiến so với trước, khi số lượng tài sản trí tuệ được đăng ký bảo hộ của các trường đại học đã tăng lên rõ rệt nhưng con đường trong chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều gập ghềnh.
Tại sao sau 15 năm câu chuyện chuyển giao công nghệ trị giá chục tỉ đồng của giáo sư Nguyễn Thị Trâm, Đại học Nông nghiệp Việt Nam cho doanh nghiệp vẫn là một trường hợp độc nhất vô nhị, dẫu đã có thêm nhiều chính sách mới.
Hiện nay, các trường đại học đang được kỳ vọng là sẽ cùng với khối các viện nghiên cứu sẽ có nhiều cuộc chuyển giao như vậy cho doanh nghiệp, đem lại tỉ trọng giao dịch công nghệ đạt khoảng 40% tổng số giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước (mục tiêu đặt ra trong
Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030) nên trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, các trường đều đang rất nỗ lực thúc đẩy các hướng nghiên cứu có thể chuyển giao công nghệ.
Đây cũng là khoảng thời gian Cục Sở hữu trí tuệ không ngừng thúc đẩy, phổ biến kỹ năng khai thác thông tin khoa học công nghệ nói chung, thông tin sở hữu công nghiệp và là thông tin sáng chế, giải pháp hữu ích nói riêng nhằm thúc đẩy quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ của viện/trường.
Thông qua kết nối của chương trình TISC (Thúc đẩy hoạt động khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và xác lập quyền sở hữu trí tuệ của viện/trường) và IP-HUB (Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong viện/trường), mạng lưới 60 viện/ trường đã được hình thành, trong đó rất nhiều viện/trường đã chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khai thác thông tin sở hữu trí tuệ như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Kinh tế Quốc dân, ...
Nhờ đó, mười năm qua đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về bảo hộ tài sản trí tuệ của các trường đại học, từ chỗ lác đác chỉ có dưới một chục bằng sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ đến nay mỗi năm đã có hơn một trăm bằng sáng chế/ giải pháp hữu ích của các trường đại học được bảo hộ (số lượng bằng được bảo hộ tăng khoảng 10 lần,: năm 2023 là 134, so với mức số 0 năm 2008, chỉ trên dưới 10 vào 2009, 2010) và số đơn đăng ký bảo hộ cũng tăng gấp 10 lần, lên tới hơn 350 đơn.
Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài vượt qua “thung lũng chết” của chuyển giao tài sản trí tuệ từ khối hàn lâm để tài sản trí tuệ ấy đi hết chuỗi giá trị sản phẩm tạo ra thương mại trên thị trường.
Đơn cử, với những trường giàu truyền thống lâu đời về nghiên cứu cơ bản như trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì quan điểm của trường gần đây cũng là tiếp tục xây dựng trường là đại học nghiên cứu cơ bản, đồng thời phát triển nghiên cứu ứng dụng. Nhưng kể từ đây các giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường phải đối diện với hàng loạt các câu hỏi, như PGS.TS Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên bộc bạch tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực thi chính sách phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các cơ sở giáo dục đại học” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức: trường đại học cần phải làm gì để thúc đẩy, gia tăng tài sản trí tuệ? đăng ký quyền bảo hộ như thế nào, bảo vệ như thế nào? Các hình thức chuyển giao ra sao (bán đứt, chuyển nhượng hay góp vốn?), các điều khoản của hoạt động chuyển giao công nghệ như thế nào? Phân chia lợi ích giữa nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp ra sao? Định giá tài sản như thế nào? Phân chia lợi ích từ thương mại hóa tài sản trí tuệ như thế nào? Và trường đại học có nên thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển giao tài sản trí tuệ trong nhà trường (TTO) không hay là kết hợp trong một đơn vị hiện có bất đồng ngôn ngữ?
Hiện nay chúng ta cũng đã có nhiều quỹ đầu tư cho nghiên cứu nhưng rất hiếm nơi nào tài trợ cho hoàn thiện đến bước ra được đến thị trường, sẵn sàng sản xuất ở quy mô công nghiệp.
|
Giữa khối hàn lâm và doanh nghiệp Trên thực tế, ngay cả ở các nước phát triển, việc chuyển giao công nghệ giữa khối hàn lâm cho doanh nghiệp luôn không dễ dàng khi tỉ lệ thương mại hóa sáng chế thành công chỉ dao động 3 – 7%, phần lớn nghiên cứu ứng dụng, định hướng ứng dụng không vượt qua nổi “thung lũng chết” [1]. Huống hồ ở Việt Nam, các trường mới đang chập chững bước vào con đường thương mại hóa trong một bối cảnh hệ sinh thái cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN còn mới manh nha, các doanh nghiệp có khả năng tiếp tục đồng hành với các nhà khoa học để nghiên cứu phát triển, hoàn thiện công nghệ và sản phẩm không nhiều (vì 95% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ không có đủ vốn để theo đuổi các dự án nghiên cứu phát triển lâu dài cũng như chấp nhận rủi ro).
Ở một trung tâm lớn đầu tàu của cả nước như ở TP HCM, ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ thương mại hóa các nhiệm vụ KH&CN khoảng 5%, bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TPHCM cho biết trong hội thảo“Triển khai các giải pháp thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.
Trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. HCM, số doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học (spin-off) cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Nhìn từ phía các trường đại học, “về mặt lý thuyết, tôi thấy chúng ta rất cần phân loại kết quả có thể thương mại hóa và không thể thương mại hóa”, như PGS.TS Trần Văn Hải, Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học quản lý, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội lưu ý. Vì các nhà nghiên cứu đều phải đảm nhiệm hai vai, một bên là đào tạo, phổ biến tri thức với một bên là nghiên cứu, và trong các nghiên cứu cứu mới có định hướng ứng dụng, thương mại hóa. “Có nhiều kết quả không thể chuyển hóa thành tiền, vì các kết quả cơ bản sinh ra các phát minh khoa học chứ không thể ứng dụng được ngay”, PGS.TS Trần Văn Hải nói.
Do đó, không phải khi nào các trường đại học và doanh nghiệp cũng cùng chung tiếng nói, hiểu được nhu cầu và khả năng cung ứng của nhau. Trong khi nhà khoa học quan tâm đến tính mới, còn doanh nghiệp thì quan tâm đến những gì áp dụng ngay được vào một dây chuyền cụ thể để gia tăng giá trị sản xuất, doanh nghiệp cần giải được bài toán trọn vẹn, cần nhanh về thời gian, TS. nguyễn Ngọc An, trường Đại học Công nghệ, ĐHQG HN cho biết.
Đã có một vài doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu đặt hàng trường giúp họ phát triển một số giải pháp, có một số nhu cầu thật sự cần nhà khoa học đưa ra giải pháp có tính mới, nhưng cũng có giải pháp không yêu cầu tính mới lắm mà chỉ cần giải quyết được nhu cầu, đầu việc cụ thể của doanh nghiệp, hay cũng có khi có doanh nghiệp đặt hàng làm một prototype (phiên bản mẫu thử) hoàn chỉnh cho một thiết bị, mặc dù các nhà khoa học trong nhà trường biết năng lực làm được nhưng không thể làm vì không làm trong giới công nghiệp không thể nắm hết các quy chuẩn công nghiệp.
Thực tế hiện nay, có những trường đại học tư nhân, đang là điểm sáng cả về công bố quốc tế và các sáng chế, giải pháp hữu ích như Phenikaa (trong năm năm gần đây đã bảo hộ gần 140 sáng chế và giải pháp hữu ích, hiện nay đang vẫn còn đang chờ thẩm định 200 – 300 đơn ở Cục SHTT), thì việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng vẫn mới đang ở những bước đi đầu tiên. Dù trường có 20 nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng, nằm trong một hệ sinh thái của tập đoàn lớn, có nguồn lực tài chính dồi dào, có cả nhà máy và cả spin – off (công ty khởi nghiệp từ trường đại học), có trung tâm phụ trách chuyển giao công nghệ nhưng cũng chỉ mới bắt đầu được vài hợp đồng trị giá tiền tỉ.
Làm gì để Quản lý và phát huy giá trị tài sản trí tuệ?
Việc chuyển giao công nghệ từ trường đại học cho doanh nghiệp còn phụ thuộc một yếu tố quan trọng, đó là cơ chế.
Cho đến nay rất khó chuyển giao các kết quả nghiên cứu được tài trợ từ ngân sách nhà nước. Các kết quả nghiên cứu muốn được chuyển giao, thương mại hóa thì cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu (i) nhiệm vụ KH&CN phải được hoàn thành và đánh giá, nghiệm thu; (ii) tổ chức chủ trì phải (1) lập báo cáo về tài sản, định giá tài sản, (2) nộp hồ sơ đề nghị giao tài sản và (3) chờ đợi cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và ra quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN...
Đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm lớn nhỏ ở nhiều quy mô bàn về chuyển giao công nghệ, điều mà các nhà khoa học băn khoăn nhất chính là cụm từ “định giá, tựu trung vẫn bắt buộc phải đảm bảo nguyên tắc - được “định giá”, có phương án “phân chia lợi nhuận thu được, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước”.
Trên thực tế, để chuyển giao được giống lúa của GS.TS Nguyễn Thị Trâm, thời điểm đó “khi bà đi hỏi khắp nơi có ai định giá được đâu. Khi hỏi doanh nghiệp, họ nêu một mức giá mà họ chấp nhận mua. Cuối cùng, để giải quyết vấn đề thì phải trình đến cấp chính phủ có ý kiến đồng ý với mức giá thị trường mà doanh nghiệp họ chấp nhận”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN kể. “Lúc đó không có quy định về phân chia lợi nhuận khi chuyển nhượng kết quả nghiên cứu và cũng không ai dám chắc là mức giá như thế có xứng đáng hay không. Đến lúc GS. TS Nguyễn Thị Trâm nhận chuyển giao theo giá thỏa thuận với doanh nghiệp thì rất lúng túng với việc hoàn trả lại kinh phí đầu tư cho nhà nước, cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam”.
Mười lăm năm sau, dù các nhà khoa học đã có thêm một số quy định chặt chẽ hơn về định giá và chuyển giao công nghệ, phân chia tài sản hình thành từ đề tài nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (Nghị định 70 về phân chia tài sản và Thông tư 10 của Bộ Tài chính về định giá tài sản) cũng như các quy định khác thì vẫn rơi vào tình trạng lo ngại, lúng túng trong việc phân chia và định giá tài sản.
Giá cả của các mặt hàng phụ thuộc vào định giá của thị trường chứ không phải ý chí quản lý xác định tài sản đó trị giá bao nhiêu tiền. Nghĩa là chúng ta sẽ chỉ biết giá cả của các kết quả nghiên cứu ấy khi doanh nghiệp nhận chuyển giao, hay thậm chí là sản xuất thử nghiệm, mà có thể phải chờ tới khi đưa sản phẩm ra thị trường, phụ thuộc vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp, phụ thuộc vào việc thị trường có tiếp nhận hay không. Trong khi thực tế, từ ý tưởng đến sàng lọc, đưa vào sản xuất còn rất nhiều biến số, nhiều rủi ro xuất hiện quyết định đến kết quả cuối cùng.
Một giải pháp mà trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đang “ném đá dò đường” là chuyển giao li xăng tức là chuyển quyền sử dụng và thu phí của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, công ty nhận chuyển giao là công ty non trẻ, đang hoạt động tốt, có nhiều sản phẩm nhưng “định giá tài sản vẫn là điều mà băn khoăn nhất”, TS. Nguyễn Ngọc An chia sẻ.
TS. Đinh Thanh Hà, Trưởng ban KH quân sự, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội đề xuất điều mà nhiều nhà nghiên cứu về quản lý KH&CN và sở hữu trí tuệ như GS.TS Vũ Cao Đàm nhiều lần đề nghị “tại sao không giao cho nhà khoa học, người tạo ra được sản phẩm, người sống chết cả đời với sản phẩm, với công nghệ của mình? chúng ta phải có nhà khoa học doanh nhân thì mới khởi nghiệp được, giàu mạnh được, càng giàu càng tốt. Đừng quá gò bó câu chuyện nhà nước cho tiền xong nhà nước phải thu lại bao nhiêu”.
Bởi phải nhìn vào thực tế để thấy, nhìn chung sản phẩm nghiên cứu ứng dụng còn chưa nhiều, từ những nghiên cứu nhằm phát hiện tính mới, đóng góp mới vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại đến chặng đường ứng dụng còn rất dài – như GS.TS Vũ Thị Thu Hà, phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu từng ví rằng “kết quả KH&CN giống như đứa trẻ mới vừa từ bệnh viện phụ sản, đẻ ra đứa trẻ, thế mà lại coi đứa trẻ ấy phải làm ra tiền thì chưa thể, còn phải nuôi nấng 18 năm nữa mới phát triển”.
Các trường, với quy mô nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì chỉ có thể đưa ra các sản phẩm cuối cùng ở dạng cơ bản, quy trình công nghệ, hoặc là sản phẩm thử nghiệm và cần rất nhiều thời gian hoàn thiện theo nhu cầu của doanh nghiệp nhưng liệu doanh nghiệp nào sẵn sàng đi đến bước cuối cùng này? Thực tế những phòng thí nghiệm giàu uy tín, dày dạn kinh nghiệm và có những sản phẩm sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp như Phòng thí nghiệm lọc hóa dầu cũng rất khó tìm doanh nghiệp cùng hoàn thiện công nghệ.
“Bảo chuyển giao thì doanh nghiệp chờ làm ra sản phẩm mẫu đi. Khi đầu tư hết tiền để làm ra sản phẩm mẫu thì họ bảo thử nghiệm đi, thử nghiệm xong thì họ muốn mình thương mại hóa”, GS.TS Vũ Thị Thu Hà kể lại về việc rất chật vật tìm doanh nghiệp chấp nhận rủi ro đồng hành cùng nhà khoa học. Trong khi hiện nay chúng ta cũng đã có nhiều quỹ đầu tư cho nghiên cứu nhưng rất hiếm nơi nào tài trợ cho hoàn thiện để đến bước ra được đến thị trường, sẵn sàng sản xuất đại trà ở quy mô công nghiệp đưa đến tay người tiêu dùng.
Ở đây cần lưu ý: có sự khác biệt giữa ngôn ngữ của nhà quản lý tài chính và nhà khoa học: một bên coi đó là “tài sản”, còn một bên mới chỉ nhìn thấy ở đó là “kết quả nghiên cứu”, chưa hình thành tài sản, nếu các kết quả ấy không tới được thị trường - như hơn 90% sáng chế được bảo hộ trên thế giới - thì sẽ không có tài sản nào ở đây cả.
Điều TS. Đinh Thanh Hà nói nghe có vẻ mơ mộng khi không cần định giá hay phân chia tài sản nữa, tạo ra “khoán 10” cho các đơn vị chủ trì nghiên cứu và nhà khoa học, các đơn vị tự do thương mại hóa, chuyển giao cho doanh nghiệp, nhà nước hưởng lợi khi sản phẩm phát triển và đóng thuế, hoặc thậm chí có thể thu phí khi sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao nhưng đã trở thành thực tế ở nhiều nền khoa học phát triển.
Chúng ta có thể nhìn hiệu quả đầu tư khoa học mang lại tác động lâu dài cho xã hội (return on investments – ROI) qua một trong những ví dụ nổi tiếng liên quan đến hai nhà sáng lập của Google, Larry Page và Sergey Brin. Hai ông từng là nghiên cứu sinh làm việc trong
đề tài Quỹ KHCN Quốc gia Mỹ (NSF) tài trợ cho Đại học Stanford, tổng số tiền tài trợ cho đề tài khoa học này là 5 triệu USD [2]. Từ các nghiên cứu đầu tiên trong đề tài khoa học này, họ đã thành lập và phát triển Google. Và hạt mầm mà NSF gieo đã nở thành một cây trái sum sê, ba thập niên tính từ thời điểm nghiên cứu đầu tiên được thực hiện, giờ đây Google trở thành một trong những đế chế công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới. Có
vô vàn những câu chuyện đầu tư như thế, hạt mầm để nảy thành Google chỉ là một ví dụ điển hình.
Quay trở về với bản chất của nghiên cứu khoa học: trái với những gì chúng ta chỉ tung hô về các kết quả thành công rực rỡ của khoa học, khoa học là một chặng dài có nhiều thất bại, thậm chí thất bại liên tiếp rồi mới đến được thành công. Tiêu biểu, nếu chỉ nhìn duy nhất vào kết quả thành công, chúng ta không bao giờ biết được, để tới ngày đóng góp đột phá vào công cuộc phòng chống dịch COVID, các nhóm nghiên cứu vaccine dựa trên mRNA đã trải qua
30 năm thầm lặng, thậm chí lâm vào bế tắc, hoài nghi. Ngay cả không đi từ nghiên cứu cơ bản, chỉ nhận chuyển giao công nghệ phát triển vaccine cũng không bao giờ một sớm một chiều, do đó đầu tư cho nghiên cứu
phát triển vaccine là một trong những điển hình của việc chấp nhận rủi ro và thất bại.
Có lẽ, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, với đặc thù luôn phá vỡ các rào sản cũ và tìm ra các phát hiện mới, biên giới mới, chúng ta cần cách nghĩ, cách quản lý hoàn toàn mới ra ngoài khung khổ cũ.
Đầu năm nay chúng tôi liên lạc với GS.TS Nguyễn Thị Trâm để viết về chuyển giao công nghệ (thật khó để không nhắc tới chuyển giao vô tiền khoáng hậu của giáo sư Trâm) nhưng bà từ chối vì doanh nghiệp nhận chuyển giao bây giờ cũng “cũng đang khó khăn lắm, khí hậu biến đổi sản xuất giống lúa gặp nhiều rủi ro, lao động thiếu”. Có lẽ, khi kết quả nghiên cứu khoa học đã vượt qua được "thung lũng chết" thì vẫn còn nhiều rủi ro chờ đợi phía trước, chứ không phải con đường dễ dàng cho cả nhà khoa học và doanh nghiệp.
____________
Tài liệu tham khảo:
[1]International federation of inventors’ associations (IFIA), World intellectual property organization, “WIPO-IFIA International Symposium on the Commercialization of Patented Inventions”. 1996.
______________
Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)