Làm thế nào để có thể khai thác AI theo cách vừa bền vững vừa công bằng là một câu hỏi đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng cả về mặt đạo đức, xã hội và công nghệ.

Chatbot AI có thể nhanh chóng tư vấn và hỗ trợ người dân trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính công. Ảnh: GettyImage
Chatbot AI có thể nhanh chóng tư vấn và hỗ trợ người dân trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính công. Ảnh: GettyImage

Con Đường AI

Trên thế giới, AI là một công nghệ được chú trọng. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã chi hàng chục tỷ đô la để phát triển các mô hình AI mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu của chính họ. Giống như nhiều công nghệ tiên tiến trước đây, những người giàu và có quyền lực thường là những người đầu tiên được hưởng lợi từ nó.

Khi các nước dẫn đầu công bố những tính năng AI mới gần như hằng tháng, nới rộng khoảng cách với phần còn lại của thế giới, thì các nước theo sau như Việt Nam sẽ bắt đầu tự hỏi: “Chúng ta ở đâu trong cuộc đua này?”

Là một nền kinh tế đang lên với những tham vọng táo bạo nhưng nguồn lực hạn chế, Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường: Liệu có nên dồn lực vào phát triển AI để đuổi kịp các cường quốc, hay nên ưu tiên ứng dụng AI một cách hiệu quả nhất?

Điều này sẽ liên quan mật thiết đến các tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta đặt ra cho AI và các hoạt động xoay quanh nó. Trong buổi ra mắt sách “Sóng thần công nghệ” ở Hà Nội hồi tháng ba, TS. Phạm Sỹ Thành, nhà phân tích kinh tế và chính sách chỉ ra rằng nếu [Việt Nam] đặt mình vào góc độ là một nước ‘tiêu dùng’ AI thì tiêu chuẩn đạo đức đặt ra sẽ rất khác biệt so với một nước ‘sản xuất’ AI.

Chẳng hạn, trong khi việc ‘sản xuất’ AI sẽ yêu cầu các tiêu chuẩn đạo đức như tránh thiên vị, minh bạch mô hình, bảo đảm quyền dữ liệu và riêng tư, giảm thiểu rủi ro môi trường v.v thì việc ‘tiêu dùng’ AI có thể liên quan đến các tiêu chuẩn hoàn toàn khác như ưu tiên phúc lợi con người, an toàn với người dùng, dễ sử dụng, không phân biệt trình độ công nghệ, có tính bao trùm và phục vụ cuộc sống.

Trên thực tế, Chính phủ đã nhận thấy tiềm năng chuyển đổi của AI và đặt nền móng cho Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (127/QĐ-TTg). Lộ trình này định vị đất nước sẽ khai thác AI để phát triển kinh tế xã hội. Ở đây, mặc dù đề cập tới các nỗ lực để phát triển AI, nhưng mục tiêu cuối cùng và rộng hơn vẫn là đưa AI vào phục vụ cuộc sống, nâng cao năng suất và tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.

Vai trò kép của chính phủ

Giữa tháng 9, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS đã khởi động một dự án độc đáo nhằm Đánh giá toàn diện về bối cảnh AI của Việt Nam (AI Landscape Assessment - AILA), từ đó vạch ra con đường phát triển AI bền vững cho đất nước. Kết quả chính thức của Báo cáo AILA sẽ có vào năm 2025, nhưng các đánh giá sơ bộ hiện nay đã tiết lộ những góc nhìn đáng chú ý.

Anh Nguyễn Tuấn Lương, Đồng Trưởng phòng thí nghiệm Tăng tốc UNDP Việt Nam, chỉ ra rằng để đảm bảo AI phục vụ cho lợi ích công cộng thì chính phủ và các tổ chức công lập phải đóng vai trò kép là người dùng (Users) và người kiến tạo (Enablers) những quy tắc chung để đảm bảo việc phát triển hệ sinh thái AI có trách nhiệm và theo chuẩn mực đạo đức.

Với tư cách là những người tạo sân chơi cho việc phát triển AI ở Việt Nam, chính phủ cần hướng việc đầu tư theo những quy chuẩn đạo đức vào cơ sở hạ tầng số an toàn, tạo ra các khung chính sách có tính bao trùm (quan tâm tới các nhóm yếu thế), thúc đẩy hiểu biết về kỹ thuật số và phát triển một hệ sinh thái dữ liệu có trách nhiệm hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Ở đây, Việt Nam phải làm thế nào để biến AI thành sản phẩm nội địa thay vì là một công nghệ nhập khẩu đắt đỏ nhưng không thể giải quyết những nhu cầu trong nước. Hiện các công ty, đơn vị ở Việt Nam nếu muốn ứng dụng công nghệ AI tạo sinh (GenAI) đều phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang nắm “đằng lưỡi” trong chuỗi cung ứng và không dễ dàng tinh chỉnh AI để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các sáng kiến như cổng dữ liệu chung quốc gia là rất cần thiết để cung cấp dữ liệu cho việc nội địa hóa mô hình AI. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng dữ liệu và mở rộng quyền truy cập mở cho mọi người vẫn là những hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến hiệu quả của các nền tảng này.

Với tư cách người dùng, khu vực công cần có các biện pháp hữu hiệu để áp dụng các công cụ AI vào việc cải thiện năng lực quản trị và nâng cao chất lượng các dịch vụ công của mình. Các nền tảng ứng dụng AI - như chatbot AI - có thể giúp đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ, làm cho dịch vụ công trở nên hiệu quả, minh bạch và dễ tiếp cận hơn.

Hiện có khoảng 37 cổng dịch vụ công ở các tỉnh thành Việt Nam sử dụng chatbot nhằm giải đáp các câu hỏi của người dân khi làm thủ tục, nhưng gần 40% trong số đó không hoạt động, số còn lại là các chatbot chỉ “nhại lại” câu chữ trong các văn bản pháp luật, không thực sự hữu ích. Chatbot AI cung cấp một sức mạnh mới - cho phép hỏi đáp “như con người”, hiểu sâu về ngữ cảnh, trả lời linh hoạt và chính xác hơn, thậm chí có thể tư vấn và hỗ trợ người dân trong việc hoàn thành thủ tục hành chính một cách hiệu quả.

Để minh họa cho khả năng này, UNDP đã hợp tác với công ty RTA phát triển một chatbot AI (dichvucong.me), sử dụng cả văn bản và giọng nói để hướng dẫn công dân cách xử lý 15 dịch vụ công thiết yếu. Đại diện UNDP nói rằng tính năng “giọng nói” là để cân nhắc tới những người dân tộc thiểu số không thành thạo viết tiếng Việt và người khuyết tật cùng những người gặp khó khăn trong việc đọc viết, điều hướng các nút bấm. Còn việc giao tiếp “như con người” là nhờ sự hỗ trợ của các mô hình AI tạo sinh được tinh chỉnh từ nguồn dữ liệu hàng ngàn câu hỏi từ người dân.

“Chatbot GenAI trong dịch vụ công là một thứ đã sẵn sàng về mặt công nghệ nhưng chưa quá sẵn sàng về thể chế để được triển khai rộng rãi”, anh Nguyễn Tuấn Lương chia sẻ.

Kết quả ban đầu của AILA cũng phát hiện rằng kinh phí để đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng dựa trên công nghệ AI ở Việt Nam vẫn còn là thách thức, bao gồm cả nguồn vốn từ chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân.

Mặc dù có tầm nhìn chiến lược và sự hỗ trợ của chính phủ, các công chức và doanh nghiệp tư nhân được khảo sát nói rằng họ vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn cho các nghiên cứu và triển khai ứng dụng, bởi chi phí của công nghệ AI là khá cao.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có xu hướng ưu tiên các sản phẩm AI phục vụ người tiêu dùng (B2C) như các ứng dụng trên điện thoại, tạo ra trở ngại cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp AI phục vụ doanh nghiệp (B2B) như các giải pháp quản lý, sản xuất. Trọng tâm tài trợ hiện tại thường nghiêng về các ứng dụng AI tiêu dùng thương mại mang lại lợi nhuận nhanh chóng, hơn là các giải pháp AI nhằm giải quyết những thách thức mang tính hệ thống, chẳng hạn như cải thiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ công và an ninh.

Do vậy, để thu hút đầu tư vào các dự án AI trong những lĩnh vực này và vào phân khúc B2B, cần có những chính sách ưu đãi thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số

Sự phát triển nhanh chóng của AI đặt ra nhiều câu hỏi về sự công bằng: Ai được tham gia vào quá trình chuyển đổi này? Cộng đồng nông thôn, thế hệ lớn tuổi hoặc những người có kỹ năng kỹ thuật số hạn chế có được bao gồm trong nền kinh tế mới này hay không, hay họ sẽ bị bỏ lại phía sau? Nguồn năng lượng được sử dụng để chạy các hệ thống AI này đến từ đâu? Liệu chúng có chiếm mất nguồn điện và nước mà cộng đồng địa phương cần dùng để làm sinh kế, hay gây ô nhiễm môi trường hơn cho địa phương không? v.v

Những câu hỏi đạo đức này là rất cần thiết khi Việt Nam bắt đầu hành trình AI của mình, đảm bảo rằng tiến bộ kỹ thuật số không vô tình tạo ra các hình thức bất bình đẳng mới.

“Khi nói về chuyển đổi số, chúng ta thường nghĩ đến các cỗ máy và số liệu lạnh lùng. Nhưng đằng sau mỗi dòng mã và điểm dữ liệu là một câu chuyện, số phận con người - một học sinh, một nông dân, một chủ doanh nghiệp nhỏ. Cuộc sống của họ có thể được chuyển đổi một cách tích cực bằng các công nghệ kỹ thuật số nếu các công nghệ này được phát triển có tính đạo đức và bao trùm”, anh Nguyễn Tuấn Lương bộc bạch.

Để thực sự tận dụng sức mạnh của AI vì lợi ích công cộng, những người xây dựng báo cáo AILA đã đưa ra ba định hướng ưu tiên quan trọng để khuyến nghị cho các nỗ lực của Việt Nam.

Thứ nhất là đầu tư vào các công nghệ hỗ trợ để đảm bảo khả năng tiếp cận trên quy mô lớn, đặc biệt là cho các nhóm yếu thế.

Thứ hai là tăng cường an ninh mạng và quản trị dữ liệuđể xây dựng niềm tin vào AI và các hệ thống kỹ thuật số, đảm bảo rằng mọi người cảm thấy an toàn khi tham gia vào các công nghệ này.

Thứ ba là liên tục đánh giá tác động xã hội của AI,vượt ra ngoài khả năng tăng trưởng kinh tế để tập trung vào cách thức công nghệ cải thiện cuộc sống của mọi công dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)