Sau sự suy giảm tới 90% của các rạn san hô tuyệt đẹp ở Nha Trang, giờ đây vùng biển miền Trung lại đứng trước một nguy cơ khác, đó là khả năng vĩnh viễn mất đi những thảm cỏ biển – hệ sinh thái vô cùng quan trọng ở vùng biển ven bờ không kém rạn san hô và rừng ngập mặn.
Trong các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, cỏ biển - loài thực vật hạt kín sống ở môi trường nước biển hoặc nước lợ, có vẻ mờ nhạt trước những “ngôi sao sáng” như san hô. Đằng sau vẻ bình thường đó, vai trò của nó thật ít ai tưởng tượng nổi. “Các thảm cỏ biển là một trong những hệ sinh thái biển cực kì quan trọng”, PGS.TS Hoàng Công Tín, Phó trưởng Khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), khái quát về đối tượng nghiên cứu mà mình đã theo đuổi hơn 15 năm nay. “Chúng là nơi trú ẩn, sinh sống của các loài thủy hải sản; có tác dụng chống xói lở, bảo vệ ven bờ, điều hòa khí hậu; cung cấp vật liệu di truyền, thực phẩm, mỹ phẩm,... cho con người”. Thậm chí, cỏ biển còn có vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu do mỗi hecta cỏ biển có khả năng lưu giữ lượng CO2 cao gấp đôi so với mỗi hecta rừng mưa nhiệt đới.
Sự suy giảm cỏ biển ở miền Trung đòi hỏi phải có biện pháp bảo tồn kịp thời. Ảnh: Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Hoàng Công Tín lấy mẫu cỏ biển.
Cỏ biển đang biến mất
“Vùng ven biển miền Trung là một trong những nơi có thảm cỏ biển phân bố phong phú và đa dạng nhất Việt Nam”, PGS.TS Hoàng Công Tín tự hào cho biết. Với địa hình đa dạng, nhiều vùng vịnh, không chịu tác động của những con sông lớn như sông Hồng hay sông Cửu Long nên đây “là địa bàn rất lý tưởng cho các thảm cỏ biển phát triển”. Có lẽ, sự phong phú về tôm cá, rong biển,... ở khu vực biển miền Trung một phần cũng là nhờ vào những thảm cỏ biển này.
Thế nhưng cái mỏ dẫu trữ lượng dồi dào khai thác mãi cũng hết, các thảm cỏ biển đang ngày một tàn lụi ở nơi này. Chúng đang tồn tại trong thế rất “mong manh”. “Hằng năm vào mùa mưa bão, miền Trung chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các cơn bão, số lượng và tần suất các cơn bão ngày càng tăng lên. Khi bão nhiệt đới vào bờ, sẽ gây xáo trộn trầm tích phía dưới thảm cỏ biển nói riêng và các thủy vực nói chung, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của các thảm cỏ biển”, anh nhận xét. Do vậy, khác với những vùng ôn đới, các hệ sinh thái nhiệt đới như thảm cỏ biển ở miền Trung là “các hệ sinh thái nhạy cảm và dễ bị tổn thương”.
PGS.TS Hoàng Công Tín tự đặt câu hỏi: trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của con người lên các hệ sinh thái ngày càng gia tăng, liệu các thảm cỏ biển ở miền Trung còn giữ được diện tích phân bố và tính đa dạng sinh học của mình? Với mong muốn giản dị của “một người con miền Trung nên muốn đóng góp vào nghiên cứu bảo tồn các tài nguyên môi trường ven biển, đặc biệt là các thảm cỏ biển”, anh và nhóm nghiên cứu của mình đã quyết định thực hiện đề tài “Nghiên cứu lượng hóa sinh khối các thảm rong và cỏ biển vùng ven bờ miền Trung Việt Nam bằng dữ liệu ảnh viễn thám đa phổ” (2018-2020) do Quỹ Nafosted tài trợ.
Nhóm nghiên cứu đã tìm câu trả lời bằng cách tiến hành các cuộc điều tra khảo sát trong mùa khô ở bốn khu vực: đầm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), khu vực ven biển Cửa Đại (Quảng Nam), khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) và vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Ngoài tính đại diện cho các hệ sinh thái ven biển tiêu biểu ở miền Trung, các khu vực này từng xuất hiện trong nhiều nghiên cứu về cỏ biển trước đây nên sẽ thuận tiện cho việc so sánh và đánh giá. Với nhiều năm kinh nghiệm và “đội ngũ các thầy cô giàu năng lực chuyên môn, các học viên và nghiên cứu sinh đều được tập huấn, đào tạo bài bản”, PGS.TS Hoàng Công Tín cho biết, đây không phải là công việc quá phức tạp với nhóm nghiên cứu. Sau khi thu thập các mẫu cỏ ở các độ sâu khác nhau, các mẫu cỏ biển sẽ được chuyển về phòng thí nghiệm để xác định thành phần loài.
Thoạt nhìn, kết quả nghiên cứu dường như không quá đặc biệt: nhóm nghiên cứu đã xác định được 8 loài cỏ biển thuộc hai họ - họ Hydrocharitaceae (4 loài) và họ Cymodoceaceae (4 loài) ở các điểm khảo sát. So với tổng số 15 loài cỏ biển đã được xác định ở Việt Nam, độ đa dạng loài của thảm cỏ biển ở miền Trung tương đối cao (chiếm 53,3% tổng số loài). Trong số đó, khu bảo tồn Lý Sơn có nhiều loài cỏ biển nhất (5 loài), Cửa Đại và vịnh Vân Phong có số loài ít nhất (2 loài). Trong số đó, có loài H. beccarii ở Cửa Đại đã được IUCN xếp vào danh sách Đỏ - có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.
Tuy nhiên, không ít người sẽ “giật mình” khi phân tích sâu hơn và đối chiếu với những kết quả nghiên cứu trước đây: số lượng và diện tích phân bố của các loài cỏ biển ở tất cả các khu vực đều đang giảm dần theo thời gian, thậm chí có khu vực suy giảm 80% số lượng loài. Chẳng hạn như tại vịnh Vân Phong, một khảo sát do Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện vào năm 2014 đã tìm thấy 9 loài cỏ biển ở đây, nhưng khi nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Hoàng Công Tín đến khảo sát vào năm 2019, con số này đã giảm xuống chỉ còn 2 loài.
Đâu là nguyên nhân?
Sự mất mát những thảm cỏ biển, đâu chỉ là thiệt thòi của hệ sinh thái biển mà còn có thể là những hậu quả khác, ví dụ như sự phong phú của các loài tôm cá miền Trung. Có lẽ cần thêm nhiều pha nghiên cứu khác để đi đến kết luận như vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, việc suy giảm diện tích và đa dạng sinh học trên những thảm cỏ biển đang là nỗi lo âu của những người làm nghiên cứu như PGS. TS Hoàng Công Tín. Cũng như phần lớn các hệ sinh thái đang bị suy thoái khác, nguyên nhân khiến thảm cỏ biển ở miền Trung suy giảm bắt nguồn từ con người. “Hiện nay các thảm cỏ biển đang đối mặt với nhiều nguyên nhân gây suy thoái do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng cảng biển, phát triển các cơ sở hạ tầng, các khu du lịch cũng như tình trạng khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa,...”, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu. Thậm chí, “sự đô thị hóa và biến động thảm thực vật trên đất liền cũng có tác động đến các thảm cỏ biển phía dưới các thủy vực”.
Những nhận định này đã phần nào được kiểm chứng thông qua trường hợp của vịnh Lăng Cô. “Chúng tôi đã lấy vịnh Lăng Cô làm trường hợp nghiên cứu điểm để xem tác động của đô thị hóa đã ảnh hưởng như thế nào đến thảm cỏ biển nơi đây”, PGS.TS Hoàng Công Tín cho biết. Dựa trên dữ liệu về các loại chất nền, độ sâu phân bố của thảm cỏ biển và độ đục của nước thu thập trong quá trình khảo sát thực tế, kết hợp với ảnh viễn thám về lớp phủ đất - sử dụng đất ở các khu vực phía trên xung quanh vịnh Lăng Cô trong giai đoạn 1998-2020, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích chuỗi thời gian để tìm hiểu biến động của thảm cỏ biển trong giai đoạn này và mối tương quan với lớp phủ đất và hoạt động sử dụng đất phía trên.
Có lẽ đây là một trong những công đoạn phức tạp nhất trong quá trình nghiên cứu. Bởi lẽ, việc xử lý các dữ liệu này đòi hỏi nhiều thời gian và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, để giải đoán ảnh viễn thám đã thu thập được, nhóm nghiên cứu phải áp dụng nhiều phương pháp như hiệu chỉnh bức xạ nhằm chuyển ảnh từ giá trị số trên ảnh sang bức xạ phổ, hiệu chỉnh khí quyển và hiệu chỉnh cột nước nhằm chuyển đổi phổ phản xạ bề mặt về phản xạ nền đáy,...
Khi tổng hợp xong số liệu, sự háo hức của người làm khoa học đã phải nhường chỗ cho nỗi buồn của người yêu biển: diện tích các thảm cỏ biển ở những khu vực đẹp và hệ sinh thái phong phú như vịnh Lăng Cô ngày một thu hẹp, chủ yếu do ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1998-2020. Nếu nhìn lại cả giai đoạn này, sẽ thấy một điều là vào những năm 1998-2004, thảm cỏ biển chưa chịu nhiều tác động của con người lắm. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển kinh tế, tốc độ suy giảm diện tích cỏ biển trong khu vực này đã tăng lên đáng kể. Đến nay, diện tích cỏ biển ở vịnh Lăng Cô dao động trong khoảng 0,39-0,53km2.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng tỉnh táo nhận ra rằng, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong quá trình tìm hiểu về mối liên hệ giữa sự phát triển hay suy giảm của các thảm cỏ biển và các yếu tố xung quanh. “Nghiên cứu ở vịnh Lăng Cô mới chỉ là một case study, chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm ra những mối liên hệ giữa các hoạt động như phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng,... đến các thảm cỏ biển và ảnh hưởng của sự suy giảm cỏ biển đến các tài nguyên biển khác, chẳng hạn như nguồn lợi thủy sản”, PGS.TS Hoàng Công Tín cho biết. “Trong tương lai, chúng tôi muốn hướng đến việc đồng bộ hóa các dữ liệu này để xây dựng thành một cơ sở dữ liệu chung, sao cho các nhà quản lý, các nhà khoa học,.... có thể sử dụng và tiếp tục phát triển những hướng nghiên cứu mới trên nền tảng này”.
Với một nhóm nghiên cứu, việc kết thúc đề tài đi kèm với bốn bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín có thể coi là đã “thành công” nhưng với PGS.TS Hoàng Công Tín, hành trình nghiên cứu các thảm cỏ biển vẫn còn nhiều thử thách. Nhận thấy các dữ liệu này có thể giúp các địa phương ứng dụng trong hoạch định chính sách, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn giới thiệu kết quả nghiên cứu với tỉnh Quảng Nam để mong địa phương này có một chính sách nào đó với “kỹ sư sinh thái” cỏ biển. “Rất mừng là các địa phương cũng rất đón nhận”, PGS.TS Hoàng Công Tín cho biết. “Những dữ liệu này có thể phục vụ trong quản lý ở địa phương, chẳng hạn nếu có dự án phục hồi thảm cỏ biển, nếu không có dữ liệu thì sẽ khó định hướng chỗ nào nên trồng, diện tích bao nhiêu,...”.
Trước câu hỏi “vậy các thảm cỏ biển có thể phục hồi một cách tự nhiên?”, anh trầm ngâm trả lời, sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999 ở miền Trung, diện tích cỏ biển ở Lăng Cô bị sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ còn 0,27 km2. Khi đó, thiên nhiên chỉ mất hơn hai năm để phục hồi lại diện tích cỏ biển và đạt đỉnh 0,97 km2 vào năm 2002. Nhưng khi đó, các hoạt động của con người chưa ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Hiện tại, khả năng phục hồi có thể không còn nằm trọn trong tay tự nhiên nữa.