Với việc cung cấp cả phần cứng và phần mềm cho khách hàng, tMonitor- một startup về hệ thống quan trắc chất lượng không khí trong các nhà máy, khu công nghiệp…, đã tìm được hướng đi ở lĩnh vực ít ai ngờ tới.

Tìm khách hàng ở nơi thường bị bỏ qua

Quan tâm đến chất lượng không khí ngoài trời như vậy nhưng ít người để ý đến chất lượng không khí trong các nhà máy, công xưởng sản xuất ở các lĩnh vực như may mặc, đồ nhựa, chế biến thép… ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?



Với anh Vũ Hải Nam, founder công ty khởi nghiệp tMonitor, câu hỏi này đã giúp nhen nhóm ý tưởng lập công ty phát triển thiết bị quan trắc trong nhà xưởng, khu sản xuất. “Tất nhiên việc sử dụng các thiết bị quan trắc chất lượng không khí trong nhà khác biệt hoàn toàn với yêu cầu khắt khe hơn. Đơn cử như ở ngoài trời, hầu hết các máy quan trắc chỉ đưa ra 5 chỉ số, nhưng trong nhà xưởng, tMonitor quan trắc tới 13 chỉ số, đó là chưa kể những yêu cầu đặc thù của từng nhà máy, ví dụ trong xưởng sản xuất đồ ăn lên men chẳng hạn, nồng độ acid chắc chắn sẽ là yếu tố cần quan tâm” – anh Nam nói.

Do đó, tMonitor đã tự phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm. Bên cạnh thuận lợi có từ 10-20 năm phát triển phần mềm thì những người sáng lập vấp phải những khó khăn về phần cứng. Trước đó, họ cũng đã nghĩ đến việc mua lại phần cứng.

Hình ảnh lắp đặt thiết bị của tMonitor trong nhà máy. Nguồn: NVCC
Hình ảnh lắp đặt thiết bị của tMonitor trong nhà máy. Nguồn: NVCC

Khi tìm đến đến nhiều các nhà sản xuất ở Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu…, họ nhận ra là không có sản phẩm nào đáp ứng những tiêu chí riêng biệt của tMonitor, ví như không đo đạc được đầy đủ các chỉ số chất lượng không khí chuyên biệt, không có hệ thống tối ưu hóa cho môi trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng với khí hậu nhiệt đới, không có hệ thống đặc thù dành riêng cho khu công nghiệp. “Quan trọng hơn đó là hệ thống đóng, không thể tích hợp với hệ thống phần mềm mà tMonitor đã phát triển để phân tích, xử lý số liệu cho các bước tiếp theo”, anh Nam nói.

Để phát triển phần cứng, tMonitor đã mua hầu hết các thiết bị quan trắc được đánh giá cao trên thế giới về nghiên cứu và phát hiện, tất cả đều tập trung vào sensor và hệ thống bo mạch. Do đó, họ quyết định nhập sensor từ Mỹ và Đức còn mình tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất bo mạch để đọc dữ liệu, tinh chỉnh dữ liệu tùy theo chất lượng không khí nhiệt đới với sự hỗ trợ của AI.

Anh Nam tiết lộ: “Bí mật công nghệ nằm ở việc tinh chỉnh làm sao phù hợp với nhu cầu sử dụng”. Đơn cử như khi lắp đặt thiết bị trong một nhà máy in thẻ nhựa thì việc đo đạc chỉ số TVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) là rất quan trọng. Điều đó yêu cầu sensor có độ chính xác cao, để giảm thiểu hệ quả không đáng có. Bởi vậy cứ sáu tháng một lần, hệ thống của tMonitor lại tiến hành tinh chỉnh để đảm bảo độ chính xác.

Trong quá trình giải quyết vấn đề, tMonitor đã mời được các chuyên gia như TS. Thái Khánh Phong – chuyên gia về Sức khoẻ và Môi trường tại Đại học Queensland (Australia), PGS.TS Trần Ngọc Quang - Chủ tịch Hội đồng Khoa Kỹ thuật Môi trường; Trưởng Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng, ĐH Xây dựng… tới tư vấn cho mình.

Thị trường ngách của lĩnh vực quan trắc

Là nền tảng mở, tMonitor cho phép người dùng tự định nghĩa và xây dựng các kịch bản xử lý khủng hoảng. Đơn cử, trong một nhà máy khi phát hiện ra điều bất thường do chỉ số chất lượng không khí vượt quá ngưỡng theo quy định an toàn lao động, các kịch bản về xử lý khủng hoảng sẽ được kích hoạt.

Anh Vũ Hải Nam (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng tại IBM. Nguồn: NVCC
Anh Vũ Hải Nam (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng tại IBM. Nguồn: NVCC

Hệ thống sẽ xử lý như sau: tin nhắn SMS được gửi tới các số hotline để báo động sự việc, thậm chí có cả nhân viên bảo hiểm. Toàn bộ hệ thống quạt thông gió, cửa thoát hiểm cũng được tự động mở….Sau sự cố, hệ thống đưa ra báo cáo kết hợp với các phân tích về chỉ số chất lượng không khí để thấy rằng đám cháy tự xảy ra chứ không phải do con người cố ý cho cơ quan bảo hiểm giải quyết…

Một quy trình như thế theo anh Vũ Hải Nam “là phương thức xử lý chuyên nghiệp mà các quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng”. Ngoài việc đưa ra hệ thống quan trắc không khí liên tục trong nhà máy, tMonitor cũng đảm nhiệm luôn cả việc cảnh báo, xử lý khủng hoảng. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe của công nhân, giúp tăng năng suất lao động khi mà họ khoẻ mạnh hơn, lao động hăng say và sáng tạo hơn khi được hoạt động trong môi trường không khí trong sạch, đảm bảo.

Ở thời điểm này, người sáng lập tMonitor cũng thừa nhận rằng họ gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận những nhà máy khu công nghiệp lớn. Đến nay hầu hết, những doanh nghiệp ký hợp đồng với tMonitor đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bởi họ đã quen với những quy định ở các nước phát triển.

Bảng điện tử thông báo các chỉ số quan trắc không khí tại ĐH Khoa học Huế. Nguồn: NVCC
Bảng điện tử thông báo các chỉ số quan trắc không khí tại ĐH Khoa học Huế. Nguồn: NVCC


Tuy nhiên, điều này không làm tắt sự lạc quan của họ. Nếu soi chiếu vào sự phát triển của các quốc gia đi trước ở Mỹ, Nhật…, anh Nam tin rằng, xu hướng tòa nhà xanh hay nhà máy xanh sẽ là tương lai khi yêu cầu về môi trường lao động của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên khắt khe hơn. “Chúng tôi trao đổi các công ty bắt đầu xây dựng nhà máy ở Việt Nam và cùng họ quan trắc các chỉ số chất lượng không khí trước và sau khi họ xây nhà máy để chứng minh rằng, nhà máy không gây tác động đến môi trường của người dân, trong khi công nhân được làm việc trong môi trường sạch, tốt cho sức khỏe” – anh Nam nói thêm.

Không chỉ đặt chân tới các nhà máy, trường học các cấp cũng là điểm mà tMonitor quan tâm. Bởi vậy chỉ cách đây hơn một tháng, một hệ thống quan trắc đã được triển khai lắp đặt tại ĐH Huế, với các chỉ số được hiển thị trên màn hình LED cỡ lớn gắn ở cổng trường. Theo anh Nam, hằng ngày sinh viên có thể nắm được họ đang sinh hoạt trong bầu không khí như thế nào, người dân đi qua cũng hiểu được, sự quan tâm của nhà nước tới sức khỏe giảng viên, sinh viên… thông qua hành động nhỏ như vậy.

Trước câu hỏi về cách quản lý dữ liệu quan trắc, đại diện tMonitor cho biết, đây là thông tin nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới đơn vị lắp đặt. Thông tin này thuộc về khách hàng và trừ khi có yêu cầu từ phía khách hàng hỗ trợ tạo báo cáo hay phân tích “thì đội ngũ tMonitor mới được quyền truy cập” – anh Nam nói.

Startup này tin rằng, Việt Nam vẫn đang là đại dương xanh trong lĩnh vực này và thực sự cần được thúc đẩy cả từ phía chính phủ lẫn doanh nghiệp để sức khỏe của hàng chục triệu công nhân đang lao động trong các nhà máy được cải thiện hơn.