Từ lâu, bản chất của đám đông đã trở thành một chủ đề được quan tâm trong triết học. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, người ta mới chú trọng nhiều hơn vào việc hiểu tâm lý của đám đông.
Có thể coi Gustave Le Bon (1841 – 1931) là một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu về tâm lý đám đông. Ông cho rằng hiểu biết về tâm lý đám đông là điều cần thiết để hiểu rõ hơn về cả lịch sử và bản chất của con người, đặc biệt trong hoàn cảnh vai trò của những đám đông có tổ chức trong xã hội hiện đại ngày càng lớn. Tác phẩm kinh điển và có ảnh hưởng lớn nhất của ông chính là “Tâm lý học đám đông” (tên tiếng Anh: The Crowd: A Study of the Popular Mind).
Cuốn sách do nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dịch và học giả Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. Ảnh: NN
Theo Le Bon, thế giới (cuốn sách được viết vào năm 1895) đang bước vào thời đại của đám đông vì hai nguyên nhân cơ bản: sự sụp đổ các niềm tin tôn giáo, chính trị và xã hội; và sự tạo sinh những điều kiện sống mới như là hệ quả của những phát kiến trong khoa học và công nghệ hiện đại. Cuốn sách được tổ chức thành ba phần - Tâm hồn những đám đông, Ý kiến và niềm tin của đám đông, và Phân loại và mô tả các đám đông khác nhau.
Định nghĩa về đám đông của Le Bon được tạo nên từ quan điểm tâm lý học: đó là sự quần tụ những con người chịu chung những tác động nào đó, kết nối với nhau bởi một ý tưởng, niềm tin hay ý thức hệ và biểu thị những nét tính cách rất mới với những tính cách cá nhân. Tính cách mới đó, hay có thể nói rằng, “tâm hồn” mới đó, xuất hiện là do đám đông phục tùng những bản năng mà họ gắng chống lại ở cấp độ cá nhân. Trong mỗi con người, bản năng tàn bạo, dã man vẫn còn rơi rớt lại từ thời nguyên thủy nhưng thường bị đè nén, bởi chúng ta sẽ bị trừng phạt nếu thỏa mãn những thôi thúc này. Hòa mình vào đám đông, ý thức cá nhân bị cuốn trôi trong cơn bão lũ của những tình cảm xốc nổi và cường điệu, được khơi gợi từ những lãnh đạo của đám đông. Le Bon vạch ra ba nguyên nhân cho hiện tượng “tính chất vô thức chiếm ưu thế” này:
(1) Cá nhân trong đám đông dễ dàng buông mình theo những bản năng “đen tối” nhất mà nếu khi chỉ một mình thì anh ta sẽ kìm nén. Nói cách khác, ý thức về trách nhiệm tiêu biến.
(2) Trong đám đông, mọi tình cảm, hành động đều có tính chất lây nhiễm.
(3) Đám đông rất dễ bị gợi ý, rất dễ bị kích thích.
Hành động vô thức của những đám đông thay thế cho hoạt động có ý thức của các cá nhân, theo Le Bon, là một trong những đặc điểm chính của thời hiện đại. “Luật thiêng của đám đông sẽ thay thế luật thiêng của vua chúa”, ông viết.
Việc “cào bằng” mọi cá nhân trong đám đông đã khiến cho đám đông không bao giờ thực hiện được những hành động đòi hỏi trí tuệ cao. Le Bon khẳng định những tư tưởng kiệt xuất không bao giờ hình thành từ những đám đông nơi “mẫu số chung” tầm thường của con người chi phối. “Vậy nên, chỉ riêng việc biến mình thành bộ phận trong một đám đông có tổ chức, con người đã tụt xuống nhiều nấc trong thang bậc văn minh”.
Đám đông hình thành khi một ý tưởng có ảnh hưởng hợp nhất một số cá nhân và thúc đẩy họ hành động hướng tới một mục tiêu chung. Nhưng Le Bon chỉ ra, những ý tưởng có ảnh hưởng này không bao giờ được tạo ra bởi các thành viên của đám đông. Thay vào đó, chúng được đưa vào thế giới nhờ những cá nhân vĩ đại. Thường thì những cá nhân không thể hiểu những tư tưởng cao siêu này ở “nguyên dạng” mà ở dạng được “đơn giản hóa triệt để” hay ở dạng “thứ cấp”, do đó dễ dẫn tới hiểu nhầm. Hơn nữa, một đám đông luôn hình thành những tình cảm mang tính chất tôn giáo với những ý tưởng thúc đẩy họ hành động. Le Bon dùng từ “tình cảm tôn giáo” theo cách độc lập với sự tôn thờ thần linh và ông cho rằng, đó là tên gọi tốt nhất để mô tả cách đám đông thâu nhận một niềm tin nào đó. “Người ta không chỉ là người theo đạo khi tôn thờ một thần linh, mà cả khi người ta đặt mọi khả năng của tinh thần, mọi sự thuần phục của ý chí, mọi nhiệt tình của sự cuồng tín cho việc phục vụ một lý tưởng hay một con người…”
Cách gọi tên này đã thể hiện một ví von của Le Bon: ông coi những cá nhân trong đám đông không khác những người mộ đạo ở lòng bất khoan dung và sự cuồng tín, ở niềm tin cho rằng bằng cách nào đó họ đã sở hữu được bí mật của niềm hạnh phúc và chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của đời sống. Nhưng chính nhờ những tình cảm tôn giáo đó mà đám đông có khả năng thành tựu những nghĩa cử anh hùng, lòng nhiệt tình và hy sinh ở cấp độ mà tập hợp những cá nhân riêng lẻ không thể nào so bì. “Luôn phiêu bạt trên những giới hạn của vô thức, dễ dàng chịu mọi gợi ý,… không có tinh thần phê phán, đám đông chỉ có thể thuộc về tính cả tin quá mức”.
Không quen với suy biện và logic, trí tưởng tượng của đám đông đặc biệt bị những hình ảnh gây ấn tượng. Nói cách khác, đám đông tư duy bằng hình ảnh. Trí tưởng tượng dắt nó từ hình ảnh này sang hình ảnh khác khiến đám đông lẫn lộn cái tưởng tượng với cái thực, cái chủ quan và khách quan và rất dễ rơi vào cực đoan. Le Bon đã đưa ra một công thức thành công cho những người muốn gây ảnh hưởng tới đám đông: không cần lý lẽ sắc bén, chỉ cần tạo những bức tranh rực rỡ, những hứa hẹn phóng đại được lặp đi lặp lại. Đám đông sẽ bị mê hoặc trước sức mạnh của những ngôn từ. “Lý trí và những luận chứng không thể chống lại một số từ ngữ và một số công thức”.
Le Bon cho rằng những người cầm đầu đám đông luôn là những nhà tâm lý đại tài hay những nhà hùng biện khôn ngoan, mặc dù họ có thể thừa nhận điều đó hay không. Ông cũng cho rằng uy tín cá nhân là điều trọng tâm để có được quyền lực lâu dài của các nhà lãnh đạo đám đông. Tuy nhiên, uy tín chính là con dao hai lưỡi. Đám đông trọng uy tín đến nỗi người hùng mà đám đông ca ngợi hôm qua sẽ bị sỉ nhục ngày hôm nay vì đã thất bại hoặc bị đánh mất uy tín (dù là thật hay giả) của mình.
Đến lúc này, có thể nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Điều gì đã thúc đẩy các cá nhân tham gia vào một đám đông và đồng nhất mình với tâm hồn đám đông? Theo Le Bon, khi một người sống đời sống của mình như một cá nhân, anh ta phải tự chịu toàn bộ trách nhiệm của công cuộc làm người, và rất có thể cảm thấy bị đè nặng, thậm chí bé mọn và bất lực. Khi cá nhân đó tham gia vào một đám đông hoặc một phong trào quần chúng, cảm giác khó chịu này thuyên giảm, anh ta bỗng chốc cảm thấy mình được chắp một đôi cánh mới và có sức mạnh làm rung chuyển nền tảng của xã hội.
Dựa vào những quan sát nền giáo dục đương thời, Le Bon đưa ra những tiên đoán ảm đạm nhất về sức mạnh tàn hủy của đám đông trong tương lai. Ông cho rằng thứ giáo dục sách vở, kinh viện sẽ tạo ra những con người không đủ năng lực để đáp ứng hoàn cảnh sống, bất mãn và cay đắng nặng nề, sẵn sàng bước vào một đám đông nào đó của những nhà không tưởng với những hứa hão về thay đổi chóng vánh và triệt để để rồi chìm xuống một trình độ đạo đức và trí tuệ thấp kém hơn nhiều. “Tâm hồn đám đông được cải thiện hay hỏng đi một phần chính là do giáo dưỡng và giáo dục”, chúng ta nên nhớ câu này sau khi gấp lại cuốn sách kinh điển của Le Bon.
Ngày nay, tâm lý học đám đông là một nhánh của tâm lý học xã hội. Ngoài Gustave Le Bon, độc giả có thể tìm đọc các tác phẩm nghiên cứu của Gabriel Tarde, Sigmund Freud, William McDougall và Steve Reicher về cùng chủ đề, mỗi lý thuyết gia sẽ làm sáng tỏ một hoặc một vài yếu tố lý giải những hành xử của đám đông. Rõ ràng những gì mà Le Bon đưa ra trong cuốn sách của mình chưa lý giải hoàn hảo các hành vi điển hình của đám đông. Trong nhiều nghiên cứu mang tính chất “phê phán” nghiên cứu của Le Bon, các nhà xã hội học chỉ ra rằng hành vi của đám đông thực ra hợp lý và có tổ chức hơn những gì Le Bon đã mô tả. Họ đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và đặt ra những thuật ngữ mới, trong đó có thuật ngữ “hành vi tập thể” (collective behaviour) để bao hàm thêm những “đám đông” khác: khán giả, quần chúng, fanclub, đám đông bạo loạn, tin đồn, các phong trào trên mạng xã hội,.. Trong thế giới của truyền thông và công nghệ hiện nay, “đám đông” có thêm những thể thức và tính chất mới, có khả năng tạo ra những hiện tượng vô cùng kỳ thú, chính vì vậy đòi hỏi những nghiên cứu cập nhật hơn.