Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phát hiện hai loài thực vật mới cho khoa học là Sporoxeia vietnamensis, Strobilanthes spathulatibracteata.

Nhóm nghiên cứu đi thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
Nhóm nghiên cứu đi thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Ảnh: VAST

Toạ lạc tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là nơi chứa đựng những tiềm năng lớn về đa dạng sinh học, trong đó đáng chú ý là hệ thực vật và các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Thậm chí, khu bảo tồn còn lưu giữ một số nguồn gen quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như Du sam núi đá (Keteleeria davidiana).

Theo Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), với mong muốn xây dựng cơ sở khoa học về loài thực vật bậc cao có mạch tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đặc dụng; TS. Đỗ Văn Hài và các đồng nghiệp thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng, đánh giá hiện trạng thực vật bậc cao có mạch, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn”.

Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tổng hợp thành công khu hệ thực vật bậc cao có mạch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với 1251 loài và dưới loài thuộc 728 chi, thuộc 170 họ thực vật của 06 ngành thực vật bậc cao có mạch. Đồng thời, họ đã tổng hợp 14 nhóm giá trị sử dụng của các loài: Nhóm cây làm thuốc có số loài lớn nhất với 749 loài, nhóm cây cho gỗ 257 loài, nhóm cây làm cảnh 141 loài, nhóm cây ăn được 134 loài. Các nhóm cây có số lượng ít là vật liệu xây dựng 14 loài, nhóm cây cho nhựa 09 loài.

Về mức độ quý hiếm, trong số 1.251 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận, có 313 loài được nêu tên trong Danh lục đỏ IUCN (2023), 65 loài được nêu tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 85 loài được nêu tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng sáu sơ đồ điểm phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ưu tiên bảo tồn tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hai loài mới cho khoa học là Sporoxeia vietnamensis, Strobilanthes spathulatibracteata, đồng thời ghi nhận ba loài bổ sung cho hệ thực vật tại khu bảo tồn là Rungia burmanica, Rungia sinothailandica, Strobilanthes lamiifolia.

Sporoxeia vietnamensis D.V.Hai, Z.L.Lin & S.Jin Zeng
Sporoxeia vietnamensis D.V.Hai, Z.L.Lin & S.Jin Zeng. Ảnh: VAST

Strobilanthes spathulatibracteata D.V. Hai, Z.L. Lin & Y.F. Deng
Strobilanthes spathulatibracteata D.V. Hai, Z.L. Lin & Y.F. Deng. Ảnh: VAST

Nhóm nghiên cứu đã công bố những kết quả này trong các bài báo như bài báo Strobilanthes spathulatibracteata, a new species of Acanthaceae from northern Vietnambài báo Sporoxeia vietnamensis (Melastomataceae), a new species from northern Vietnam trên Phytotaxa.