Quả đúng như PGS-TS Nguyễn Bích Thu - nguyên Phó trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - nhận xét: "Chị Hạnh tuy vóc dáng gầy yếu nhưng có giọng nói vừa mạnh mẽ, rắn rỏi vừa trong trẻo, dịu dàng. Những người như thế đều có một nội lực rất lớn".
Tình toán, duyên văn
PGS-TS Đức Hạnh từng tự bạch trong hội nghị gặp mặt lao động giỏi thủ đô năm 1993 mà bà là đại diện duy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia: “Tôi vốn là một học sinh say mê và có năng khiếu toán. Tôi có thể làm toán ngày đêm, quên ăn, quên ngủ với ước mơ trở thành sinh viên khoa toán của Đại học Tổng hợp”. Nhưng không may, gần đến ngày thi, cô gái trẻ Đức Hạnh đau ốm liên miên, không dự thi được nên đành gác lại ước mơ, tìm việc làm phụ giúp gia đình - ban ngày đan lát, tối đi dạy ở trường cán bộ đoàn.
Tâm sự với tôi, PGS Đức Hạnh cho biết, năm 1960 là năm tạo bước ngoặt đối với cuộc đời bà, khi Viện Văn học tổ chức làm cuốn “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945”, cần người làm tư liệu. Bà đã nhận, để rồi hằng ngày cặm cụi sưu tầm, thống kê, ghi chép các tài liệu phục vụ cuốn sách - một công việc mà bà gọi là đơn điệu, nhàm chán, mất thì giờ.
“Ôi! Đang mê toán như thế mà sao “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, tôi lại vào đây để suốt ngày chìm ngợp trong cái không khí toàn sách báo văn chương đó chứ. Nhiều lúc tôi đã định xin thôi việc” - PGS Đức Hạnh thốt lên khi nhớ lại.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Lê Thị Đức Hạnh. Ảnh: Việt Văn
Nhưng lạ thay, cái không khí văn chương, chữ nghĩa ấy lại như có ma lực cuốn hút bà. Dần dần, bà không chỉ làm theo yêu cầu đơn giản của cơ quan mà đọc nhiều hơn, kỹ hơn, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ hơn, có ý thức tích lũy tài liệu, kiến thức cho bản thân để nâng cao trình độ.
“Tôi lặng lẽ vừa làm, vừa học, vừa giấu diếm tập viết vì sợ bị giễu cợt. Tôi ngồi liền 3 ngày tết, đóng cửa lại để tập viết. Dù đã đọc kỹ, suy nghĩ, viết đi viết lại mấy lần, sửa từng câu, từng chữ nhưng bài viết đầu tiên của tôi vẫn chưa thành công, nhưng tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng công việc viết lách vô cùng khó khăn, càng khó càng phải cố gắng nhiều” - PGS Đức Hạnh kể.
Chuyên gia hàng đầu về Nguyễn Công Hoan
Kể lại những tháng ngày tìm cách đặt chân vào thế giới văn chương, PGS Hạnh cho biết nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng căn dặn bà rằng để nghiên cứu văn học hiện đại, cần tiếp xúc với nhà văn để hiểu những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ý đồ sáng tác, cung cách lao động, sáng tạo... của họ, để khen chê thấu tình, đạt lý hơn.
PGS Hạnh cười, nói với giọng bồi hồi: “Nhưng để có thể phê bình được tác phẩm của nhà văn, nói chuyện được với họ thì phải có vốn kiến thức, vốn sống nhất định. Đây lại là vấn đề. Càng đọc càng thấy mình dốt, nhưng tôi nghĩ không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn mà cần bình tĩnh, có kế hoạch, chương trình học tập và làm việc cụ thể, đặc biệt phải tranh thủ sự giúp đỡ của mọi người”. Thế là bà nộp đơn theo học lớp đại học văn - sử ban đêm, rồi tới lớp chuyên ngành của Viện Văn học. Nhờ sự “gan lì” đó của bà, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã có thêm một gương mặt mới.
Luôn tâm niệm chỉ viết khi có ý kiến mới, có đóng góp nhất định nên ở thời điểm làm luận án phó tiến sỹ với đề tài “Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, bà đã tìm đọc hơn 30 truyện dài, hơn 200 truyện ngắn, nhiều bài viết khác của ông, tìm trong khoảng 200 loại báo ở thư viện quốc gia và các nơi khác. Luận án được hoàn thành năm 1976 rồi sửa chữa, nâng cấp thành sách với nhan đề “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”.
Theo PGS Bích Thu, đây là tác phẩm rất dày công trong việc sưu tầm tư liệu, lục tìm trong kho sách báo trước cách mạng, bởi có nhiều sáng tác mà chính Nguyễn Công Hoan cũng không nhớ. Bởi vậy mà trong cuốn “Đời viết văn của tôi”, ông đã dành hẳn một trang viết về Lê Thị Đức Hạnh, trong đó có câu: “Tôi rất cám ơn chị bạn trẻ”.
Nói về cuốn sách thứ hai, xuất bản năm 1991, nhan đề “Nguyễn Công Hoan 1903-1977”, PGS Bích Thu nhận xét, đó là kết quả của cả một quá trình nhẫn nại, lặng lẽ mà đầy nhiệt hứng, chuyên tâm về một đối tượng nghiên cứu”.
Theo năm tháng, các chuyên luận trên đã trở thành sách công cụ, tài liệu nghiên cứu giảng dạy văn học, được đồng nghiệp đánh giá cao và nhiều chuyên gia nước ngoài tham khảo, nhiều luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ trích dẫn. “Có thể nói rằng, PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh là chuyên gia hàng đầu về nhà văn Nguyễn Công Hoan” – bà Bích Thu nhận xét.
Để có được những thành công đó, ít người biết rằng bà từng trải qua cảnh “3 giờ đêm bế con lên ôtô về Hà Nội để gặp nhà văn, chuẩn bị cho bài viết”, hay “đêm đêm chờ con ngủ mới ngồi vào bàn làm việc, người gầy rộc đi”. Bà nhớ lại: “Năm 1976, tôi làm xong luận án phó tiến sỹ nhưng mãi đến năm 1982 mới bảo vệ thành công do bằng đại học không chính quy, phải bảo vệ đi bảo vệ lại 3 lần”.
Tuy nhiên, với một người phụ nữ dám bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu từ vị trí của một người phục vụ tư liệu, những trắc trở đó không thể làm bà nản lòng, như nhận xét của đồng nghiệp Bích Thu: “Với đức tính khiêm nhường nhưng không tự ti, biết rõ sở trường, sở đoản của mình, PGS Hạnh đã âm thầm, chủ động tìm niềm vui, sự sáng tạo trong công việc phê bình, nghiên cứu. Thư thái, nhẹ nhàng mà bền bỉ, dẻo dai như mưa dầm thấm đất, tự khi nào, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Thị Đức Hạnh đã lặng lẽ thành danh”.
PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh sinh năm 1934 tại Hà Nội, nguyên là cán bộ Viện Văn học. Bà có hơn 90 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí và báo chuyên ngành, khoảng 20 báo cáo khoa học (trong đó có một số cho chuyên gia nước ngoài).
PGS Hạnh cũng là tác giả 7 cuốn sách in riêng và 31 cuốn sách in chung (trong đó có cuốn do bà làm chủ biên). Các sách tiêu biểu: “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” (năm 1979); “Nguyễn Công Hoan 1903-1977” (năm 1991); “Mấy vấn đề trong văn học Việt Nam hiện đại (năm 1999, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam); “Nguyễn Công Hoan: Về tác giả và tác phẩm" (năm 2000); "Nguyễn Công Hoan, những tác phẩm tiêu biểu trước năm 1945" (năm 2000). |