Chính thức “cầm sổ hưu” từ năm 2010 nhưng hơn 6 năm qua, PGS-TS Phạm Thu Nga chưa từng ngơi tay với các đề tài, công trình nghiên cứu. Nhà khoa học 67 tuổi hiện vẫn luôn phải vẫn thức làm việc đến 12 giờ đêm để kịp “trả nợ” trước các hạn chót đã cam kết.

Mặc dù bận như vậy, ngày làm việc của bà thường bắt đầu bằng việc trao đổi với các học trò.

Bỏ đất hiếm, nghiên cứu chấm lượng tử

PGS-TS Phạm Thu Nga gây ấn tượng với tôi bởi “gương mặt cười”. Từ giọng nói vui vẻ, mái tóc ngắn xoăn nhẹ đến nét cong của khóe miệng, đuôi mắt và ánh lấp lánh trên cặp kính trắng đều như cộng hưởng, phụ họa cho vẻ hóm hỉnh mà hồn hậu của nụ cười ấy.

Bà hào hứng kể với tôi về công trình nghiên cứu đã giúp nhóm 5 nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - trong đó có bà - đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2016: “Khi loay hoay nghiên cứu về chấm lượng tử (hạt nano tinh thể bán dẫn), đã có lúc tôi và Kim Liên (PGS-TS Vũ Thị Kim Liên, nguyên Trưởng khoa Cao đẳng sư phạm, Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Thái Nguyên - PV) hỏi nhau rằng, mình cứ làm mãi về các hạt nano thế này, không rõ ngoài kia họ có biết gì không. Nhưng càng về sau, chúng tôi càng thấy nghiên cứu của mình mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Và em Liên đã tiếp tục hướng nghiên cứu này rất xuất sắc”.

Nhà khoa học luôn cập nhật xu hướng nghiên cứu mới nhất về nano trên thế giới này cho biết, thực ra chuyên ngành bà được đào tạo ở Pháp từ năm 1985 là thủy tinh pha tạp đất hiếm. Năm đó, khi sang Pháp học nghiên cứu sinh, bà đã ngoài 30 tuổi.

“Như những người mẹ phải đi xa khác, mỗi lần nghe con ở nhà bị ốm, tôi chỉ muốn bỏ hết để quay về, nhưng rồi vẫn cố gác lại cảm xúc riêng để hoàn thành việc học tập, nghiên cứu. Sau gần 3 năm, tôi về nước, tiếp tục hướng nghiên cứu tại Pháp với các công trình về bột huỳnh quang cho bóng đèn và phích nước. Kinh phí được cấp, chúng tôi đều dành để trả tiền điện” - PGS Thu Nga cười kể lại.

PGS-TS Phạm Thu Nga (ngồi) trao đổi công việc cùng đồng nghiệp. Ảnh: Ngọc Vũ

Khoảng đầu những năm 2000, GS-TSKH Nguyễn Quang Liêm - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu - đưa ra hướng nghiên cứu mới là vật liệu nano tinh thể bán dẫn. Thời kỳ ấy ở Việt Nam không nhiều người biết về chấm lượng tử, TS Nga may mắn được một giáo sư vật lý người Italy tìm giúp một bài báo khoa học về nano tinh thể CdS. Hành trình gắn bó với nano của bà đã bắt đầu như thế. Cũng vì nano là lĩnh vực mới mẻ nên để phục vụ nghiên cứu và viết bài báo khoa học, nhiều phép đo huỳnh quang, đo thời gian sống của phân tử theo thời gian... phải gửi mẫu ra nước ngoài để thực hiện.

“Sự chính xác của các phép đo có ý nghĩa rất quan trọng với kết quả nghiên cứu. Kinh phí hạn hẹp, chúng tôi thường tận dụng máy móc ở viện để làm tốt nhất có thể. Cái nào thật sự cần thiết mới gửi ra nước ngoài, tiện chuyến công tác thì làm luôn” - bà Nga kể và nói thêm: “Khi còn trẻ, tôi luôn nghĩ rằng nghiên cứu cũng là một nghề để kiếm sống nên chấp nhận vượt qua mọi khó khăn”.

Và cái tinh thần vượt khó ấy vẫn rất mạnh mẽ ngay cả khi bà không còn trẻ. Nay dù đã nghỉ hưu, bà vẫn thường xuyên làm việc đến nửa đêm. PGS-TS Vũ Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Vật lý, ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên - kể về thời làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của PGS Nga: “Hằng ngày, phải 7-8h tối chúng tôi mới làm, ngày nào cô Nga cũng ở lại đến cuối cùng, nghe học viên báo cáo, phân tích kết quả rồi đến khuya cô trò ra về cùng nhau. Buổi trưa, cô trò chúng tôi luôn là nhóm đi ăn muộn nhất viện, nhiều khi quán hết cơm, thế là ăn tạm bánh mì để chiều làm tiếp”.

Luôn nhận hướng dẫn sinh viên nghèo

Được hỏi về nghiên cứu tâm đắc của mình, PGS Thu Nga nhắc đến việc công bố phương pháp thuộc công nghệ nano để phân biệt cucurmin tổng hợp hoá học với cucurmin làm từ nghệ tươi: “Một công ty đặt hàng chúng tôi nghiên cứu quy trình tách chiết cucurmin từ nghệ và tìm phương pháp phân biệt hàng thật, hàng giả. Chúng tôi đo phổ huỳnh quang và phổ micro-raman của củ nghệ để xác định chuẩn, sau đó đo phổ các sản phẩm cucurmin trên thị trường và so sánh với mẫu chuẩn, nhờ đó xác định được cucurmin tự nhiên và tổng hợp. Tất nhiên, cucurmin có nguồn gốc tự nhiên mới quý”.

Chính nghiên cứu này đã giúp cậu học trò người Tày Hoàng Văn Nông vượt qua được giai đoạn cuối đại học để tiếp tục con đường nghiên cứu. “Khi theo học tại ĐH Công nghệ, Nông còn chưa nói sõi tiếng Việt, hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình muốn gửi tiền cho con phải đi 20km. Thương cái chí học hành, mê nghiên cứu của Nông, tôi tạo điều kiện để em tham gia nhóm nghiên cứu. Tôi nuôi ăn trưa, còn cơm tối Nông tự trang trải bằng các việc làm thêm” - PGS Nga kể và cho biết bà luôn muốn giúp đỡ những nghiên cứu sinh có tài nhưng hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm động lực để phấn đấu và trưởng thành.

Tâm sự rằng mong muốn làm gì đó giúp học trò là động lực sống của bà bây giờ. Một ngày làm việc của PGS-TS Phạm Thu Nga thường bắt đầu bằng việc trao đổi với các nghiên cứu sinh xem hôm đó họ cần làm gì, viết gì, sau một vài tuần thì tổng hợp kết quả, nếu tốt sẽ hướng dẫn viết bài và công bố quốc tế. “Có được lý lịch khoa học tốt, các em mới có cơ hội đi nước ngoài, mở mang kiến thức và tiếp tục nghiên cứu” - bà giải thích.

Nói về dự án hiện tại, PGS Nga tiết lộ bà đang cùng một nghiên cứu sinh ở ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nghiên cứu sử dụng vật liệu nano để tạo pin mặt trời: “Chúng tôi đang nghiên cứu thế hệ thứ tư của pin mặt trời có sử dụng chấm lượng tử. Pin thế hệ thứ ba sử dụng chất màu hữu cơ. Nhận thấy chấm lượng tử có nhiều điểm lương đồng với chất màu hữu cơ nên tôi phát triển thế hệ này. Đà Nẵng là thành phố du lịch có thời gian nắng kéo dài nên việc tận dụng năng lượng mặt trời rất có ý nghĩa. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ ra được sản phẩm”.

PGS-TS - nghiên cứu viên cao cấp Phạm Thu Nga sinh năm 1950, hiện là cán bộ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Bà đã chủ trì và tham gia 10 đề tài các cấp, là tác giả và đồng tác giả của 170 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong nước và báo cáo tại các hội nghị.

Bà được trao Giải thưởng KH&CN của trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia năm 2000, huy chương Vì sự nghiệp khoa học của Bộ KH&CN năm 2003, bằng khen Nữ trí thức tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Năm 2016, bà là một trong 5 nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận giải thưởng Kovalevskaia cho cụm công trình nghiên cứu cơ bản định lý ứng dụng KH&CN nano.