40 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, bục giảng và chỉ còn 3 năm nữa sẽ về hưu, bà giáo “xìtin” Nguyễn Kim Phi Phụng vẫn không thôi trăn trở làm sao để giúp được nhiều học trò nhất trên bước đường nghiên cứu.

TS Phạm Nguyễn Kim Tuyến: "Cô là bà chủ nợ kiên trì nhất, đòi dai nhất"

Bà nguyện trở thành “bụi tre xấu xí”, tỏa bóng ươm mầm cho măng non vươn lên trong bầu trời khoa học.

Người luôn thấy mình may mắn

Tôi gặp GS Phụng - Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM - trong dịp bà ra Hà Nội nhận giải thưởng Kovalevskaia 2016. Nhà khoa học 62 tuổi có phong thái nhanh nhẹn, gương mặt thanh thoát, nụ cười tươi rói và ánh mắt tinh nghịch kiểu thiếu nữ khiến tôi không thể không thừa nhận cái biệt hiệu “chị Hai xìtin” mà mọi người vẫn gọi thật hợp với bà.

Trong lúc GS trò chuyện với tôi, 6 học trò cũ, người thì ngồi cạnh nắm tay, người “soi” dung nhan, phục sức của “sư phụ”, rồi sửa lại áo, đánh lại son để lát sau bà lên hình cho đẹp. Giới thiệu họ, GS Phụng bảo bà rất may mắn có những học trò dễ thương, nhân hậu và chỉ có một nguyện vọng là nghiên cứu: “Tôi định âm thầm ra Hà Nội nhận giải một mình. Không ngờ học trò - đứa ở Sài Gòn, đứa từ Đồng Nai, Cần Thơ - đã bảo nhau sắp xếp công việc, đặt vé, đặt phòng đưa cô đi, rồi còn may áo dài, đưa cô đi gội đầu, trang điểm để lên tivi cho đẹp. Những thứ đó, tôi hổng nghĩ ra”.

“Đại đồ đệ” của GS Nguyễn Kim Phi Phụng - TS Phạm Nguyễn Kim Tuyến - Trưởng khoa Môi trường, ĐH Sài Gòn - giải thích: “40 năm công tác, cô chỉ biết có phòng thí nghiệm và học trò. Cô không biết trang điểm, mà chúng tôi lại chỉ mong cô thật đẹp để lên hình”.

Nói về 40 năm đó, bà giáo chậm rãi: “Năm 1977, tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên, tôi và hai người nữa được giữ lại khoa Hóa. Ngày ấy khoa có 3 bộ môn, hai người kia chọn hóa lý, hóa vô cơ và phân tích, nên môn hóa hữu cơ thuộc về tôi. Tôi may mắn được phân vào nhóm của GS Lê Văn Thới và PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Sương - những người chuyên nghiên cứu về cây thuốc, may mắn được làm việc trong môi trường nghiên cứu học thuật và rèn luyện thực sự. Khoảng thời gian này giúp tôi nhen niềm đam mê với công việc nghiên cứu”.

Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Kim Phi Phụng (đeo kính) và các học trò. Ảnh: Tuệ Minh

Một sự may mắn nữa được bà nhắc đến khi trò chuyện tới tôi, đó là gặp được người chồng: “Phải thương tôi lắm ông ấy mới vui vẻ ở nhà giữ con để tôi sang Pháp làm nghiên cứu sinh 2 năm và làm postdoc 1 năm. Con tôi lúc đó đứa 9 tuổi, đứa 3 tuổi”.

Dù sắp về hưu, bà giáo vẫn dặn mình phải “teen” hơn nữa để tiếp tục song hành với học trò, bởi “nếu mình quá nghiêm túc, oai vệ, hẳn các em sẽ thấy xa lạ lắm”. Thế nên cô Phụng khét tiếng khó tính lại cũng rất thoải mái đùa giỡn ngoài giờ. Bà tiết lộ những trò vui nho nhỏ trên giảng đường: “Đi dạy tôi hay mang kẹo, khi thì cho bọn trẻ ăn giờ giải lao, khi làm phần thưởng cho câu trả lời đúng. Không khí vui vẻ sẽ giúp các em thấy rằng học không bao giờ là gánh nặng, đó là hứng thú”.

Năm ngoái, GS Phụng nhận thêm 3 học trò làm nghiên cứu sinh. Các học trò cũ có người được phong phó giáo sư, người làm trưởng - phó khoa, ai cũng coi bà như vị tướng già. Kể về phong cách làm việc nhóm nghiên cứu của GS Phụng, TS Đỗ Thị Mỹ Liên - giảng viên ĐH Sài Gòn - nói: “Mỗi tuần nhóm lại tổ chức một buổi cafe với cô. Cô trò bàn luận về các hướng nghiên cứu mới, phát hiện mới. Với kinh nghiệm, cái nhìn toàn diện và sâu sắc, cô luôn là điểm tựa, là người chèo lái mọi người trong bước đường nghiên cứu, dù chúng tôi đã tốt nghiệp từ lâu”.

Thành công nhờ “nhẫn nhịn” trong khoa học

“Nếu không nghiên cứu, tôi chẳng biết làm gì. Tính tôi hiền hòa, nhẫn nhịn, chịu đựng và không thích bon chen ngay cả trong nghiên cứu. Tôi chọn những cây thuốc mới chưa có ai làm. Con đường đó rộng thênh thang, mình tha hồ khám phá mà không sợ bị cạnh tranh” - GS Phụng nói. Trong hơn 50 loài cây mà nhóm của bà nghiên cứu, bên cạnh những loài xa lạ chỉ có tên Latinh, nhiều loài cây rất quen thuộc nhưng có tác dụng không ngờ tới.

“Trong những cây tôi từng nghiên cứu, hoa giấy là loài mang lại nhiều bất ngờ nhất. Đây là loài cây rất gần gũi nhưng chưa có ai nghiên cứu. Hóa ra cây hoa giấy có hoạt chất ức chế ung thư rất mạnh, nhiều nhất là ở rễ. Nhờ nghiên cứu này, chúng tôi đã có được bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao” - GS Phụng kể.

Cây mấm - loài mọc nhiều trong vùng rừng ngập mặn Việt Nam - cũng được nhóm của bà xác định là chứa nhiều hoạt chất có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Tôi nghĩ người dân có thể định kỳ khai thác lá mấm bán cho xí nghiệp dược phẩm để họ trích ly hoạt chất có lợi, điều chế thành thực phẩm chức năng, hỗ trợ điều trị ung thư” - GS Phụng nói.

Tổng kết lại những năm tháng đời mình, GS Phụng bảo, các bài báo khoa học và học trò là tài sản quý của bà. Mỗi lần tham gia hội đồng, nghe học trò bảo vệ đề tài, nhận thấy họ đã có bước tiến xa so với ngày đầu tiên làm thực nghiệm, đã hiểu rõ điều mình đang làm, trả lời được những câu hỏi phản biện khó, bà ngập tràn hạnh phúc.

Trước đây, bà thường mời các giáo sư Pháp, Đan Mạch… làm đồng hướng dẫn luận văn cho học trò để giúp họ vừa có cơ hội tiếp xúc với giáo sư quốc tế, vừa nâng cao khả năng viết luận văn bằng tiếng Anh. Dù việc sửa luận văn bằng tiếng Anh mất rất nhiều thời gian vì phải tra từ điển nhiều nhưng bà vẫn cố. Còn bây giờ, khi chuẩn bị về hưu, GS Phụng đổi chiến thuật.

“Tôi sẽ trở thành người hướng dẫn thứ hai, các tiến sỹ trẻ ngày xưa tôi đào tạo sẽ là hướng dẫn chính. Mình lui về sau một chút, nhưng vẫn đồng hành và hỗ trợ cho các em tiến lên để trở nên vững vàng trong vài ba năm sau. Tất cả các em là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày. Tôi nguyện làm bụi tre già, rậm rạp và xấu xí, bên cạnh đó là những cây tre nhỏ, những mầm măng đang nhú vươn lên bầu trời khoa học để tiếp tục cống hiến” - GS Phụng nói.

GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng là giảng viên bộ môn hóa hữu cơ, khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Bà đã chủ trì và tham gia 11 đề tài các cấp, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, xuất bản 7 sách giáo trình đại học và sau đại học. Bà nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011. Năm 2016, bà là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia.