Trong cuốn sách “Một nửa sự thật”, các tác giả phản biện nhiều quan điểm, giả thiết không có bằng chứng khoa học chính xác của BS Hiromi Shinya về enzyme trong cơ thể người.
Xuất bản lần đầu vào năm 2005, “Nhân tố enzyme” của bác sĩ Hiromi Shinya sau đó đã trở thành một trong những tác phẩm best-seller tại Nhật Bản với khoảng 2 triệu bản in. Khi được xuất bản tại Việt Nam, cuốn sách cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả và trở thành một trong những cuốn sách về dinh dưỡng và lối sống bán chạy trên thị trường. Không ít độc giả đã coi các chỉ dẫn về ăn uống, dinh dưỡng của BS Shinya như kinh thánh và áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày.
Biết đến cuốn sách “Nhân tố enzyme” từ lâu, đồng thời cũng phát hiện “nhiều vấn đề” trong cuốn sách; nhưng phải đến năm 2021, khi bị “cưỡng bức” ở nhà, chuyên gia, ThS quản trị chất lượng an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành mới có đủ kiên nhẫn đọc kỹ hai cuốn sách về enzyme của BS Hiromi Shinya.
Ông còn “rủ” hai người bạn của mình là TS.BS Trần Phạm Chí (bác sĩ nội khoa tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Huế) và TS.BS Phạm Nguyên Quý (bác sĩ ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản) viết ra cuốn sách “Một nửa sự thật” để phản biện nhiều quan điểm, giả thiết không có bằng chứng khoa học chính xác của BS Hiromi Shinya. “Một nửa sự thật” vì vậy có thể coi là một phản biện với cuốn sách “Nhân tố enzyme”.
Cuốn sách gồm 16 chương, mỗi chương có độ dài khoảng 10 trang, trong đó các tác giả đã giản lược những lý thuyết rườm rà, tránh các thuật ngữ hàn lâm nhiều nhất có thể, giúp mọi độc giả đều có thể dễ dàng nắm bắt các thông điệp mà họ muốn truyền tải.
Ở chương 1 và chương 2, chuyên gia Vũ Thế Thành giúp độc giả hiểu rõ enzyme trong cơ thể người, cũng như độ tin cậy về giả thuyết “enzyme diệu kỳ” của BS Shynia. Trong đó ông chỉ rõ: cơ thể con người tạo ra hàng nghìn loại enzyme khác nhau để chúng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau; phần lớn enzyme trong thực phẩm bị hao hụt, hư hỏng trong quá trình nấu nướng hoặc bị hủy do pH thấp của dịch vị trong dạ dày. Dù vậy, thực phẩm sẽ cung cấp một số chất trợ giúp (cofactor) để thúc đẩy một số enzyme hoạt động như các ion kim loại, vitamin…
Đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa giải thích được tại sao cơ thể có thể tổng hợp enzyme theo nhu cầu một cách tài tình như vậy. Còn định nghĩa “enzyme diệu kỳ” của BS Hiromi Shinya (cơ thể chỉ tổng hợp một loại enzyme diệu kỳ với số lượng ít nhiều tùy theo cách ăn uống. Khi một bộ phận của cơ thể cần đến một loại enzyme nhất định, thì enzyme diệu kỳ sẽ chuyển hóa thành enzyme đó) thực tế chỉ là một giả thuyết do chính BS Shinya đưa ra, dựa trên quan sát hệ tiêu hóa của 300.000 người ông đã khám chữa bệnh.
Điều đáng nói là con số 300.000 rất thuyết phục đối với một nghiên cứu, song số liệu được thiết lập như thế nào, chọn mẫu ra sao… đã không được BS Shinya nêu ra trong sách, dù chỉ là một bản thống kê ngắn gọn; vậy mà cuối cùng ông vẫn đi đến kết luận, đó là “minh chứng tuyệt vời cho giả thuyết. “Độ tin cậy phải hiểu là… zero!” chuyên gia Vũ Thế Thành đánh giá.
Trong 11 chương tiếp theo của cuốn sách, bằng phương pháp tương tự, tác giả Vũ Thế Thành lần lượt chỉ ra sự thiếu khoa học của BS Shinya khi hạ thấp vai trò của sữa bò nói chung, muối tinh, đường cát, trà xanh, dầu ăn tinh luyện… và đề cao phương pháp ăn uống mang tên mình - “Phương pháp ăn uống Shinya”.
“Đưa ra các giả thuyết trong khoa học, từ đó tìm cách giải thích các hiện tượng là điều đáng trân trọng. Nhưng nếu dùng giả thuyết này để đưa tới ứng dụng lại là vấn đề khác. Giả thuyết còn chưa đúng, làm sao ứng dụng có thể đúng được… Tôi tôn trọng chế độ ăn kiêng mà người khác lựa chọn, nhưng nếu đề cao chế độ ăn uống của mình bằng cách hạ thấp chê bai các loại thực phẩm khác với những chứng cớ khoa học nửa vời, nửa sự thật như cuốn sách “Nhân tố enzyme” thì không thể chấp nhận được… (Và) tin rằng phương pháp ăn uống này có thể trị bách bệnh thì càng có vấn đề.” – chuyên gia Vũ Thế Thành viết.
Trong 3 chương cuối, TS.BS nội khoa tiêu hóa Trần Phạm Chí và TS.BS ung thư nội khoa Phạm Nguyên Quý tiếp tục phản biện BS Hiromi Shinya trong việc khuyến khích bệnh nhân sử dụng phương pháp ăn uống Shinya để chữa các bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng; thậm chí gai góc như ung thư.
TS.BS Trần Phạm Chí cho biết: “BS Shinya cổ vũ người bệnh dùng chế độ ăn kích thích phát triển enzyme diệu kỳ để điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là không có chứng cứ khoa học và không hợp lý. Thực tế, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, chế độ ăn chỉ là phương pháp bổ trợ bên cạnh các thuốc chữa trị chính thống, đứng đầu là nhóm thuốc kháng tiết. Trong cuốn sách của mình, BS Hiromi Shinya đã lồng ghép những kiến thức khoa học thật giả lẫn lộn, rồi đưa ra những kết luận không có căn cứ. Nếu bạn đọc không có kiến thức vững vàng, sẽ dễ bị cuốn và thực hành theo, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.”
Với tư cách là một bác sĩ chuyên ngành ung thư, TS.BS Phạm Nguyên Quý cho biết ông cũng “té ngửa” về các quan điểm của BS Hiromi Shinya trong việc coi các loại thuốc chống ung thư không khác gì thuốc độc giết người và khuyên người bệnh “tốt nhất là không dùng”.
BS Quý viết: “Thực tế, BS Shinya không phải là bác sĩ chuyên khoa hóa trị nên không hiểu lợi ích của hóa trị trong nhiều tình huống thực tế. Ông cũng không được cập nhật những tiến bộ hóa trị so với 20 năm trước; đồng thời quá cực đoan về tác dụng phụ của hóa trị vì xem enzyme là yếu tố độc tôn và cho rằng mọi loại hóa trị đều phá hủy enzyme… Quan điểm này sẽ làm nhiều người bệnh tự động từ chối hóa trị sau mổ, trong khi nó lại là phương thức có thể giúp ngăn ngừa tái phát tốt nhất và cải thiện thời gian sống đối với nhiều tình huống ung thư.“
Không chỉ gây ảnh hưởng đến lối sống và sức khỏe của người bệnh, các quan điểm về dinh dưỡng của BS Shinya còn được một số công ty, nhãn hàng về thực phẩm chức năng tận dụng tối đa để tung hô sản phẩm của mình.
Về vấn đề này, tác giả Vũ Thế Thành cho biết: “Nền y học Nhật Bản thuộc loại nhất nhì châu Á, nhưng Nhật Bản cũng là nơi bắt nguồn của đủ loại thực phẩm chức năng với lắm chuyện ly kỳ. Thực phẩm chức năng của Nhật được bày bán ở Việt Nam và được quảng cáo lắt léo vô cùng, nào là theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hay được Bộ Y tế Nhật Bản chứng nhận…
Cần biết rằng thực phẩm chức năng được quản lý theo quy định an toàn thực phẩm, còn dược phẩm được quản lý theo quy định của ngành dược, khó khăn hơn nhiều, vì phải chứng minh được hiệu quả điều trị, tác dụng phụ, tương tác thuốc, dược lực, dược động của thuốc… Cả chục năm chưa chắc đã xin được giấy phép lưu hành. Bạn có thể tin vào nền y học Nhật Bản, nhưng tin vào thực phẩm chức năng của Nhật lại là chuyện khác. Quyền lựa chọn thuộc về bạn.”
Có thể nói “Một nửa sự thật” là cuốn sách nên đọc với bất kỳ độc giả nào muốn có cái nhìn đầy đủ về nhân tố enzyme, trước khi đưa ra những quyết định liên quan đến dinh dưỡng và lối sống.