Việc đi tìm nguồn gốc ban đầu của virus SARS-CoV-2 rất quan trọng cho việc hiểu hơn về “hành xử” của virus và ngăn chặn đại dịch trong tương lai.

Tuy vậy, từ khi đại dịch nổ ra, giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán đã gây tranh cãi, chia rẽ giới khoa học, giới chính trị và truyền thông đại chúng. Phải tới tuần qua, ba bài báo khoa học đã cung cấp những bằng chứng mới nhất cho rằng SARS-CoV-2 nhảy sang người từ động vật được buôn bán trong chợ Hoa Nam hai lần vào cuối năm 2019.

Cảnh sát Vũ Hán đóng cửa chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ngày 1/1/2020. Ảnh: Noel Celis/AFP via Getty
Cảnh sát Vũ Hán đóng cửa chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ngày 1/1/2020. Ảnh: Noel Celis/AFP via Getty

Các nhà khoa học đã công bố ba nghiên cứu tiết lộ những manh mối mới hấp dẫn về sự khởi nguồn của đại dịch. Trong đó, hai bài báo đã truy vết ngược đợt bùng phát đầu tiên về một chợ đầu mối buôn bán động vật sống, tại Vũ Hán. Nghiên cứu còn lại gợi ý rằng SARS-CoV-2 lây từ động vật, có thể những con được bày bán tại chợ, sang người, ít nhất hai lần vào tháng 11-12/2019. Cả ba bài đều được xuất bản online dưới dạng bản thảo và đang chờ bình duyệt.

Bằng chứng chắc chắn

Những phân tích này củng cố thêm cho những nghi vấn ban đầu của các nhà khoa học về đại dịch bắt nguồn từ chợ đầu mối hải sản Hoa Nam, nơi những người bị nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên có ghé qua. Các nghiên cứu bao gồm các phân tích di truyền của các mẫu coronavirus từ chợ và từ người nhiễm hồi tháng 12/2019-1/2020, cũng như phân tích sự liên quan về vị trí của các mẫu trong một phân khu trong chợ, nơi động vật hoang dã được bày bán.

Tóm lại, những bằng chứng này chỉ ra rằng chợ Hoa Nam chính là nguồn gốc bùng phát đại dịch, tương tự như trong đại dịch SARS những năm 2002-2004, theo Kristian Andersen, nhà virus học tại Viện Scripps, đồng tác giả của hai bài báo. “Đây là bằng chứng cực kỳ chắc chắn”, ông khẳng định.

Dù vậy, các bài báo cũng chưa xác thực được chính xác loại động vật nào đã mang virus trước khi lây sang người. Andersen suy đoán thủ phạm có thể là lửng chó (racoon dog) thường được nuôi lấy thịt và lông tại Trung Quốc. Một nghiên cứu do ông là đồng tác giả cho thấy lửng chó được bán tại một phân khu trong chợ, nơi một số mẫu dương tính được thu thập. Một báo cáo khác cho biết chúng có thể mang các chủng coronavirus khác.

Đầu tháng 1/2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã cho đóng cửa chợ Hoa Nam sau khi xác định đây là một nguồn tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh vì hầu hết những người nhiễm COVID-19 vào thời điểm đó đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới khu chợ trước khi xuất hiện các triệu chứng. Các nhà khoa học đã thu thập mẫu từ gia cầm, rắn, lửng, kỳ giông, cá sấu, và các loài động vật khác được bày bán trong chợ. Họ cũng lấy mẫu cống rãnh, chuồng trại, nhà vệ sinh và quầy hàng để tìm mầm bệnh. Các nhà điều tra từ Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố báo cáo vào tháng 3/2021 cho thấy tất cả gần 200 mẫu thu thập trực tiếp từ động vật đều âm tính, nhưng khoảng 1000 mẫu từ môi trường lại dương tính.

Một nhóm bao gồm các nhà nghiên cứu từ CDC Trung Quốc khi đó đã giải trình tự gene từ các mẫu dương tính, và công bố kết quả trong một bản thảo trước in, ngày 25/1. Họ xác nhận các mẫu chứa trình tự gene SARS-CoV-2 gần giống với biến thể lưu hành trên người. Hơn thế nữa, họ phát hiện có đến hai dòng virus, tạm gọi là A và B, được phát hiện trong cùng thời điểm.

Bản đồ đánh dấu vị trí liên quan đến 156 ca nhiễm ban đầu, theo báo cáo điều tra của WHO tháng 3/2021.
Bản đồ đánh dấu vị trí liên quan đến 156 ca nhiễm ban đầu, theo báo cáo điều tra của WHO tháng 3/2021.

Ray Yip, nguyên giám đốc chi nhánh CDC Hoa Kỳ tại Trung Quốc, khẳng định đây là một kết quả tuyệt vời, “xác nhận chợ Hoa Nam là một địa điểm phát tán quan trọng.” Ngay khi bản báo cáo từ Trung Quốc được đưa lên mạng, nhóm của Andersen đã vội đăng bản thảo đã thực hiện trong nhiều tuần của mình.

Trong nghiên cứu thứ nhất, nhóm của Andersen đã nhắm tới phân khu Tây Nam của chợ Hoa Nam, nơi bày bán động vật sống hồi năm 2019. Họ đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cuộc điều tra của WHO, các bài báo, bản ghi âm và video của các bác sĩ và bệnh nhân tại Vũ Hán. Phân tích không gian địa lý này cho thấy 156 ca nhiễm được ghi nhận vào tháng 12/2019 tập trung quanh khu chợ, và sang tháng 1-2/2020 dần phân tán khắp Vũ Hán.

Các tác giả cũng đánh dấu vị trí các mẫu dương tính thu thập trong chợ, theo báo cáo của WHO, cũng như các thông tin tiềm năng như thông tin đăng ký kinh doanh, ảnh chụp khu chợ trước khi bị đóng cửa, và các báo cáo khoa học khác. Ví dụ, một bài báo từ năm ngoái cho biết 47,000 loài động vật, bao gồm 31 loài nguy cấp cần bảo vệ, được bày bán trong các chợ tại Vũ Hán từ 2017 đến 2019.

Truy vết được những mẫu ban đầu

Một phát hiện quan trọng được nhóm của Andersen báo cáo là họ đã truy vết được 5 mẫu dương tính xuất phát từ một gian hàng, và chính xác hơn nữa là từ một chiếc lồng kim loại chuyên chở động vật và một chiếc máy vặt lông chim. Một đồng tác giả của nghiên cứu, nhà virus Eddie Holmes từ Đại học Sydney, đã từng ghé qua quầy hàng này hồi năm 2014 và chụp ảnh một con lửng chó bị nhốt trong lồng kim loại, xếp chồng lên những thùng nhốt gia cầm, ngay bên dưới là rãnh thoát nước. Đáng chú ý, mẫu nước thải tại chợ do CDC Trung Quốc thu thập cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm của Andersen đã kết luận, hai dòng virus A và B quá khác biệt với nhau để có thể nhanh chóng tiến hóa trên người. Do đó, họ cho rằng coronavirus hẳn đã tiến hóa trên động vật khác và hai dòng này đã lây sang người một cách độc lập. Thực tế dòng B phổ biến hơn ở thời điểm tháng 1/2020, cùng với một số lý do nữa, khiến các tác giả cho rằng dòng B lây sang người sớm hơn dòng A. Họ cũng cho biết dịch SARS và dịch MERS cũng là kết quả của các coronavirus nguồn gốc động vật.

Tóm tắt con đường lây truyền virus SARS-CoV-2 từ động vật sang người. Sơ đồ từ bài nghiên cứu của Worobey và cộng sự.
Tóm tắt con đường lây truyền virus SARS-CoV-2 từ động vật sang người. Sơ đồ từ bài nghiên cứu của Worobey và cộng sự.

Từ các kết quả nghiên cứu, Andersen nhận định những con lửng chó có thể đã nhiễm bệnh tại một trang trại nào đó và khi được bày bán tại chợ Vũ Hán, đã phát tán virus sang người mua và chế biến. Đã xảy ra ít nhất hai cơ hội để virus lây từ ca nhiễm đầu tiên sang người khác, ông nói.

Nhà virus học Michael Worobey từ Đại học Arizona, đồng tác giả các nghiên cứu cùng với Andersen nói rằng suy đoán của ông về nguồn gốc COVID-19 đã thay đổi. Ông từng là người ký vào một lá thư ngỏ gửi Science hồi tháng 5/2021 thúc giục giới khoa học cởi mở và nghiêm túc hơn về giả thuyết đại dịch rò rỉ từ phòng thí nghiệm thuộc viện nghiên cứu virus Vũ Hán, dù là vô tình hay cố ý.

Dần dần, các bằng chứng khác được hé lộ ủng hộ giả thuyết ban đầu rằng nguồn gốc của COVID-19 cũng bắt nguồn từ tự nhiên tương tự như virus HIV, Zika hay Ebola. “Khi xem xét tất cả các bằng chứng, rất rõ ràng đại dịch bắt đầu từ khu chợ”. Khả năng hai dòng virus tách biệt A và B của SARS-CoV-2 cùng được tạo ra từ một phòng thí nghiệm và cùng bị rò rỉ ra ngoài là cực kỳ khó xảy ra.

Tuy nhiên, ông nghi ngờ về giả thuyết virus đã hai lần lây sang người, vì có thể dòng này tiến hóa thành dòng kia trên một người bị suy giảm miễn dịch. Ông cho rằng cần thêm dữ liệu từ người và động vật để đạt được câu trả lời chính xác.

Nhà virus học Vincent Munster tại phòng thí nghiệm Rocky Mountain trực thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ cho biết: “Về mặt phân tích, đây là một công trình xuất sắc, nhưng kết luận của vấn để còn bỏ ngỏ.” Ông nói rằng các mẫu máu người và động vật trong khi chợ chứa SARS-CoV-2 và kháng thể có thể đem lại bằng chứng chắc chắn hơn về nguồn gốc COVID-19. Munster thận trọng nói rằng các mẫu dương tính trong chợ là một gợi ý mạnh, nhưng khi nói về một đại dịch cướp đi sinh mạng của nhiều triệu người, cần có các cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn nữa.