Vào ngày 21/2 vừa qua, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ThinkZone công bố quỹ fund II với tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới 60 triệu USD và 100% số tiền này đều thuộc về các nhà đầu tư nội. Sự kiện này khiến nhiều người hy vọng vào một hiện thực tươi sáng: các nhà đầu tư nội đã cởi mở hơn với đầu tư mạo hiểm.
Khi nhà đầu tư nội chuyển hướng
Trong báo cáo của Golden Gate Ventures công bố vào tháng 7/2021, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên của khu vực Đông Nam Á khi xếp thứ ba sau Indonesia và Singapore. Báo cáo này cũng chỉ ra, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Quan sát ở thị trường Việt Nam, dù theo thống kê có khoảng 180 quỹ đầu tư, thì phần lớn là quỹ đầu tư ngoại hoặc có yếu tố ngoại. Đặc điểm chính là các quỹ ngoại sẽ rót vốn ở tất cả các vòng, từ hạt giống tới các series A, B, C hoặc D với lượng vốn không giới hạn, tùy vào khả năng của startup. Trong khi đó, quỹ nội hầu như chỉ tham gia ở vòng ươm mầm, hạt giống hay tiền series A. Ngay cả các quỹ đầu tư nội, tức là do người Việt sáng lập và điều hành, nguồn vốn hầu hết cũng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như Do Ventures, 50 triệu USD tổng lượng vốn mà quỹ này quản lý cũng đến từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nổi bật ở Hàn Quốc, Singapore như NAVER, Sea, Vertex Holdings, Woowa Brothers, ...
Vì lẽ đó, khi lên kế hoạch gọi vốn cho quỹ ThinkZone II, những nhà sáng lập của ThinkZone cũng quyết định tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài và gặp một điểm khó là “để có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài xuống tiền vào một quỹ ở xa chỉ thông qua thương thảo trực tuyến là điều rất khó khăn, nhất là khi họ còn chưa có hiểu biết về thị trường startup Việt”, ông Bùi Thành Đô - nhà sáng lập của ThinkZone tiết lộ.
Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều startup đã gặp phải khi đi gọi vốn. Việc ở xa, không thể gặp gỡ trực tiếp các nhà sáng lập cùng với sự biến thiên do ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhà đầu tư không dám mạnh tay xuống tiền. Trong một hội thảo về đầu tư mạo hiểm vào giữa năm 2021, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành của Do Ventures cho rằng, hai năm qua các nhà đầu tư còn khá dè chừng. Bằng chứng là “năm 2020, tổng số tiền đầu tư giảm một nửa nhưng tổng số thương vụ chỉ giảm 17%. Điều này cho thấy nhà đầu tư không đến trực tiếp nhưng vẫn tin vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy họ vẫn đầu tư một khoản giá trị nhỏ để giữ chỗ”.
Sự dè dặt này khiến ThinkZone cho biết họ phải thay đổi chiến lược và rồi quyết định tiến tới kết nối với các tập đoàn trong nước vốn là đối tác lâu năm của công ty. “Nhà đầu tư dù ở trong hay ngoài nước đều có tiền và đều kỳ vọng lợi nhuận cao khi đầu tư. Nhưng các startup Việt đang giải quyết các bài toán của người Việt, do đó, nguồn lực từ các tập đoàn nội địa sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho họ” – ông Bùi Thành Đô nói.
Không phải bây giờ nhà đầu tư nội mới có tiền nhưng lâu nay, họ không mấy mặn mà với đầu tư mạo hiểm. Điều này là một thách thức với đội ngũ của ThinkZone. Ông Đô phân tích: “Thách thức ở đây là đa số các tập đoàn trong nước chưa từng đầu tư vào mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm bao giờ, đa số các khoản trước đó là đầu tư vào các Quỹ chứng khoán, Quỹ đầu tư tài sản,… hay các mô hình an toàn hơn”.
Việc đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, thực tế các cá nhân có tiền có thể trở thành nhà đầu tư thiên thần cho các dự án, họ chấp nhận với rủi ro cho một sản phẩm có thể làm họ “rung động”. Nhưng chuyện cả một hội đồng quản trị thống nhất đầu tư mạo hiểm lại là chuyện khác. Chẳng thế Trịnh Khánh Hạ - Founder của Vulcan Augmetics, một startup tạo tác động xã hội bằng cách nghiên cứu, sản xuất những cánh tay giả cho người khuyết tật từng nói với Khoa học và Phát triển: “Khi đi gọi vốn thì các cá nhân dễ thuyết phục hơn các tổ chức”. Mô hình kinh doanh mà startup này hướng tới ước chừng cần tới 5-10 năm sau mới có lợi, đó là chưa kế khả năng tăng trưởng không thể x5 hay x10 như các startup trong lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử.
“Các nhà đầu tư cá nhân dùng tiền của họ nên dễ quyết định hơn” – Khánh Hạ nói. Nhưng với cả một tổ chức, yếu tố rủi ro và lợi nhuận vẫn đặt lên đầu.
“Chúng tôi cần chia sẻ và thuyết phục được các bên về mô hình Quỹ mà ThinkZone đang theo đuổi. May mắn, chúng tôi thuyết phục được và gặp được đúng những người am hiểu, có tâm huyết muốn hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và rất mong muốn làm việc này đến cùng” – ông Bùi Thành Đô nói về cách mà ThinkZone đã làm.
Sức bật nội lực
Nếu không có Covid-19, có thể ThinkZone sẽ không nghĩ đến việc nhận được cam kết đầu tư 60 triệu USD từ ba nhà đầu tư Việt Nam là IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group. Điều này có thể họ chưa từng nghĩ đến. Khi được hỏi “Phải chăng đây là bước ngoặt cho thấy, các nhà đầu tư nội đã sẵn sàng cởi mở hơn với đầu tư mạo hiểm?”, ông Bùi Thành Đô cẩn trọng nói, thành công này chỉ là bước đầu. Thách thức vẫn còn ở phía trước khi mà quy mô quỹ cũng tương đối lớn và ThinkZone cần làm rất tốt việc tìm hiểu các cơ hội, quản lý sau đầu tư và hỗ trợ cho startup thật nhiều giá trị phù hợp.
“Các nhà đầu tư nội rất quan tâm tới đầu tư startup công nghệ, chỉ là họ muốn tìm được một team phù hợp để tin tưởng giao phó thôi” – ông Bùi Thành Đô nói thêm.
Suy nghĩ của ông Đô có nhiều điểm trùng hợp với những điều bà Phạm Minh Hương, Giám đốc Điều hành IPA Investments tâm niệm. Là cổ đông lớn nhất của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, sau những thành công trong lĩnh vực truyền thông, đương nhiên IPA Investment với nguồn vốn đã có muốn mở rộng thêm các hướng mới để tìm kiếm tăng trưởng. “Tôi rất hứng thú với việc theo sát các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam. Họ có ý tưởng công nghệ, đam mê và thái độ nghiêm túc trong khởi nghiệp, đó là những giá trị quan trọng mà chúng tôi mong muốn thúc đẩy” – bà Hương nói.
Sự tham gia của các tập đoàn lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách trực tiếp rót vốn vào startup hay rót vốn thông qua các công ty quản lý quỹ… không mới trên thế giới. Mô hình này phổ biến ở Singapore, Hàn Quốc… Bởi nguồn lực của chính phủ có hạn và chính phủ phù hợp nhất với vai trò “bà đỡ”, “trung gian kết nối”. Nghĩa là, chính phủ xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng các chương trình gặp gỡ kết nối để quỹ đầu tư, vườn ươm có thể kết nối hợp tác được với các tập đoàn.
Thị trường đầu tư vào startup của Việt Nam đang vô cùng sôi động. Theo báo cáo của DealStreetAsia, năm 2021, Việt Nam nhận khoảng 2,48 tỷ USD đầu tư, con số này chiếm gần 10% lượng tiền đổ vào khu vực Đông Nam Á trong năm vừa qua (ước khoảng 25,7 tỷ USD). Sự sôi nổi của các nhà đầu tư ngoại là lý do khiến nhà đầu tư nội không thể ngồi yên. Tuy nhiên, để ‘tiền không chảy ra nước ngoài” và những miếng bánh ngon trong thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam không rơi hết vào tay nhà đầu tư ngoại thì đây là thời điểm mà nhà đầu tư nội lên tiếng. “Đầu tư vào các startup là cánh tay nối dài của các tập đoàn truyền thống khi chúng mang đến cho họ những cơ hội hợp tác hoặc mua bán sáp nhập các sáng kiến đổi mới mà không cần phải có một bộ phận R&D quy mô”, ông Bùi Thành Đô bày tỏ.
Trước đây, những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến đa số quỹ mới thành lập của Việt Nam lựa chọn con đường dễ dàng hơn là thành lập pháp nhân tại nước ngoài, chẳng hạn như tại Singapore, để có thể nhận được những ưu đãi thuế hay tránh các rào cản pháp lý. Việc này khiến các startup Việt cũng phải thành lập ở nước ngoài để tiếp nhận vốn đầu tư. Nhưng ThinkZone lại suy nghĩ khác, quỹ này vẫn hoàn thành việc thành lập Fund II đồng bộ với quy định của Nhà nước cũng như tiêu chuẩn của thế giới.
Cụ thể, ThinkZone đã cấu trúc quỹ một cách chuyên nghiệp thông qua một hợp đồng thỏa thuận Limited Partnership Agreement (LPA), một văn bản thường thấy trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm thế giới. Trong thỏa thuận này sẽ bao gồm những điều khoản liên quan đến phí quản lý, biên lợi nhuận, hiệu quả đầu tư hay quy trình ra quyết định theo quy mô đầu tư.
“Việc thành lập ThinkZone Fund II mang đến những kinh nghiệm quan trọng cho các quỹ nội sẽ thành lập tại Việt Nam trong tương lai”, ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) nói. Việc nhà đầu tư nội địa với nguồn lực và hiểu biết về thị trường trong nước tham gia vào đầu tư mạo hiểm chắc chắn sẽ tạo nên sức bật nội lực cho khởi nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.