Với sự tư vấn và đóng góp của nhiều nhà khoa học, báo KH&PT đã chọn ra năm sự kiện KH&CN tiêu biểu của năm 2021, không chỉ phản ánh hiện trạng của nền khoa học trong năm qua mà còn cho thấy những tác động của nó tới tương lai.

Có thể, nhiều năm sau này, khi đón nhận thành công hay thậm chí thất bại thì chúng ta đều thấy rằng, gốc rễ của những kết quả đó đã bắt nguồn từ những năm trước. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần đầu tư cho khoa học một cách bài bản và đúng hướng.

Viện Tế bào gốc, một đơn vị tự chủ đã chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu cho Bệnh viện Vạn Hạnh. Nguồn: BV Vạn Hạnh

Báo cáo đổi mới sáng tạo do world bank công bố

Ba báo cáo: Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á – Yêu cầu cấp thiết; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam do World Bank công bố và Đổi mới công nghệ ở việt Nam (Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế) do chương trình Aus4Innovation tài trợ, đều cho thấy rằng, khẩu hiệu “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” vẫn còn hết sức mờ nhạt trong chính sách. Lần đầu tiên, Việt Nam có được một cái nhìn hệ thống về nguyên nhân của vấn đề trên.

Các báo cáo đều cho rằng đổi mới sáng tạo không chỉ là R&D mà nên mở rộng sang cả hấp thụ và đổi mới công nghệ sẵn có trên thế giới. Theo báo cáo Đổi mới công nghệ Việt Nam, ĐMST cũng là “thử thách” phù hợp với trình độ và năng lực khiêm tốn của đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ các quốc gia đang phát triển: tìm cách vượt qua chính mình thay vì đặt mục tiêu phải “đi tắt, đón đầu” thế giới. Hơn nữa, theo báo cáo Đổi mới công nghệ ở Việt Nam, việc lan tỏa và nội địa hóa những công nghệ này đóng vai trò quyết định tới tốc độ phát triển kinh tế và năng suất ở quốc gia. Ngoài ra, ĐMST cũng không nhất thiết phải gắn với công nghệ, đó cũng có thể là đổi mới quy trình sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh, hình thành các ý tưởng mới tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, qua rà soát gần 130 chương trình KH&CN và ĐMST của Việt Nam, các tác giả của báo cáo thấy rằng, các nhà hoạch định chính sách đã hiểu về ĐMST ở nghĩa hẹp nhất nên nguồn lực cho KH&CN và ĐMST của Việt Nam nghiêng hẳn về hai về đầu. Quan niệm thiếu sót này đã dẫn đến việc, người thụ hưởng của các chương trình này chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học với đầu ra là các công trình nghiên cứu, sản phẩm mà cần một chặng đường dài nữa mới có thể thương mại hóa.

Trong trường hợp các chính sách chạm tới doanh nghiệp, thì các công cụ thực thi lại hết sức nghèo nàn, không đến được khối SMEs. Cũng có một số rất ít tài trợ rót trực tiếp đến doanh nghiệp để thực hiện hoạt động R&D nhỏ, nhưng rốt cục đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp tương đối lớn, có chuyên môn cao về công nghệ. Cuối cùng, những chính sách, ưu đãi này đã hoàn toàn lãng quên SMEs trong những lĩnh vực không đòi hỏi độ “đậm đặc” về công nghệ (như dệt may, thực phẩm…), đang rất “khát” đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, giá trị trung bình của một chương trình hỗ trợ, mà nhiều khi đối tượng thụ hưởng chỉ là một doanh nghiệp khá lớn – khoảng gần 80 nghìn USD – nhưng những người thiết kế chương trình lại không đo được hiệu quả số tiền bỏ ra.

Trên thực tế, hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs đổi mới sáng tạo không đòi hỏi nhiều tiền mà chỉ là những khoản tài trợ nhỏ dưới dạng voucher (phiếu quà tặng) để họ cải tiến công nghệ có sẵn, thay đổi quy trình sản xuất, marketing tốt hơn, liên kết với các viện, trường, tìm kiếm chuyên gia…Hình thức hỗ trợ để kích thích hiệu suất (performance) được chứng minh trên thế giới là hiệu quả và có sức lan tỏa hơn nhiều các hình thức hỗ trợ dựa trên lợi nhuận sẵn có của doanh nghiệp.

Những trạng thái trái ngược của vaccine COVID

Với các nhà sản xuất vaccine, một sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao khi tích lũy được rất nhiều know-how, năm 2021 là một năm có nhiều xúc cảm trái ngược. Một mặt, quá trình R&D và từng bước thử nghiệm lâm sàng trong bối cảnh đại dịch với nhiều thách thức khiến các nhà sản xuất như Nanogen hay IVAC phải chạy đua với thời gian mà vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm; mặt khác sự quan tâm, theo sát của mọi người và sự tồn tại của đầy rẫy tin sai lệch về vaccine khắp mọi nơi, từ mạng xã hội đến truyền miệng khiến quá trình ấy diễn ra trong trạng thái vô cùng đặc biệt.

Đó là một phần lý do khiến đến hết năm 2021, cả Nanocovax lẫn COVIVAC vẫn chỉ là vaccine dự tuyển và không còn cơ hội góp mặt trong danh sách các vaccine được tiêm trong hai mũi cơ bản. Cơ hội còn lại cho họ, nếu có, trong năm 2022 sẽ chỉ là mũi tiêm bổ sung.

Chỉ dấu cho năng lực sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh của một quốc gia, vì vậy, vẫn phải chờ đến năm 2022 mới có thể trở thành hiện thực, ngay cả khi hai đơn vị khác là VABIOTECH và VinBioCare đã nhập cuộc bằng việc gia công, đóng ống Sputnik V và nhận chuyển giao vaccine ARCT-154.

Sự thăng giáng của Nanocovax lẫn COVIVAC khiến giới sản xuất vaccine đón nhận Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” theo những cách khác nhau. Có lẽ, họ cần rất nhiều sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước mới có thể tham gia chương trình này để góp phần đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine mà chương trình hướng tới.

Sự đa dạng trong tài trợ cho postdoc

Sự hòa nhập với khoa học quốc tế của Việt Nam đã được bắc thêm một nhịp cầu quan trọng, đó là sự quan tâm đến nguồn nhân lực KH&CN thông qua tài trợ cho postdoc và từng bước mở rộng phạm vi nguồn lực tài trợ cho postdoc. Ở ba thời điểm khác nhau, Học viện KH&CN (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Quỹ NAFOSTED (Bộ KH&CN) và Quỹ VINIF, một quỹ tư nhân, lần lượt nhập cuộc và trao các suất học bổng cho các tiến sĩ trẻ Việt Nam.

Từ chỗ chưa từng có đến việc các cơ quan nhà nước và quỹ tư nhân cùng dành các suất học bổng cho postdoc cho thấy bắt đầu có sự chuyển biến trong quan điểm đầu tư cho khoa học ở Việt Nam và hướng đến hiệu quả đầu tư. Nếu thời gian đầu, những quy định về đối tượng thụ hưởng tài trợ chưa thật sự rõ ràng (Học viện KH&CN) thì sau đã được cải thiện và trở nên cởi mở hơn rất nhiều khi không phân biệt người làm việc ở tổ chức công lập hay tư nhân, không phân biệt nhà nghiên cứu Việt Nam hay nước ngoài (NAFOSTED) hay giảm thiểu thủ tục hành chính, vượt trội về mức học bổng (VINIF)…

Sự đa dạng hóa các hoạt động tài trợ và nguồn lực tài trợ đem lại cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam cơ hội làm việc ở trong nước và nhìn xa hơn, góp phần tạo cơ hội cho khoa học Việt Nam xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh và qua đó, có nhiều đóng góp hơn cho xã hội. Đó là điều chúng ta có thể kiểm nghiệm trong khoảng 5, 7 năm nữa nhưng hiệu ứng trước mắt của sự đa dạng hóa tài trợ đã làm thay đổi cách nhìn về nguồn nhân lực của một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở Việt Nam, vốn đang phải sốc lại bộ máy trong lộ trình tự chủ. Ví dụ gần đây ĐHQGHN đã ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sỹ ở trường.

Một nhà nghiên cứu dự đoán, sự tham gia của các đơn vị tư nhân trong đầu tư cho khoa học thậm chí còn có thể dẫn đến thay đổi cả quan điểm đầu tư và khung tài chính dành cho khoa học nói chung.

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu trẻ được trả lương để làm hậu tiến sĩ toàn thời gian. Ảnh: Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, ĐHQGHN. Ảnh: Hoàng Nam.

Liêm chính khoa học

Câu chuyện về liêm chính khoa học vốn âm ỉ tồn tại từ một vài năm trước trong cộng đồng khoa học Việt Nam nay đã bùng lên với cuộc thảo luận về trường hợp của trường Đại học Tôn Đức Thắng “mua bài” - trả tiền để các nhà khoa học ghi địa chỉ trường này trong các bài báo quốc tế, nhờ đó giúp tăng vị trí xếp hạng của trường. Một số nhà khoa học trong và ngoài nước đã thành lập nhóm “Liêm chính khoa học” trên mạng xã hội Facebook nhằm tiếp tục bóc tách các trường hợp “mua-bán”, phán xét các hành vi mà nhóm cho rằng thiếu liêm chính học thuật. Một số ý kiến của một số giáo sư đầu ngành và lãnh đạo một số cơ quan nghiên cứu về Toán học, Cơ học và Vật lý đều nhấn mạnh nên dừng tài trợ, dừng nghiệm thu đề tài của những nhà khoa học này cũng như cần sớm có quy định chặt chẽ về việc ghi tên cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan chủ quản như Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng mình không có căn cứ để có ý kiến vì “cơ quan không bố trí được nguồn kinh phí nào hỗ trợ cho nhà khoa học. Anh em muốn có công trình thì họ phải chạy khắp nơi. Nơi nào muốn có thành tích về mặt khoa học thì họ có thể ghi địa chỉ đơn vị đó”.

Đặt liêm chính học thuật vào bối cảnh Việt Nam mới thấy môi trường học thuật có quá nhiều điểm còn bất cập như chưa phổ biến, giảng dạy về những hướng dẫn đạo đức học thuật – hiểu theo nghĩa rộng là các bộ quy tắc ứng xử nói chung với các nguyên tắc phổ quát - cho các nhà nghiên cứu. Theo khảo sát của một đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ (2017 - 2019), trong gần 390 tạp chí khoa học Việt Nam thuộc danh sách tính điểm của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, vỏn vẹn 6 tạp chí có liên kết quốc tế và lọt vào danh mục Scopus là nhắc nhở về đạo đức học thuật hay sự xung đột lợi ích trong hướng dẫn nộp bài. Có một điểm sáng là đại diện một số cơ quan quản lý và tài trợ như Vụ KH&CN (Bộ GD&ĐT), Quỹ NAFOSTED (Bộ KH&CN) cho biết sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng khoa học để sớm có những quy định, hướng dẫn mới về đạo đức học thuật.

Sau hơn một năm, nhóm Liêm chính học thuật đã thu hút tới
hơn 20 nghìn thành viên.

Quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập

Với tham vọng hệ thống hóa và sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập ở trung ương và địa phương, kế hoạch quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ KH&CN tiến hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức hoạt động hiệu quả, qua đó có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực. Đây là một công việc hết sức phức tạp và thách thức bởi theo sự phát triển của đất nước, không chỉ riêng các tổ chức KH&CN trong các trường, viện hay các bộ, ngành đa dạng về hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính mà các tổ chức KH&CN địa phương cũng muôn màu muôn vẻ, thậm chí hướng tới chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. Với thực tế ấy, không dễ để sắp xếp, hệ thống các tổ chức này và tích hợp vào mạng lưới chung của cả nước.

Nếu nhìn vào mục tiêu là tinh gọn các tổ chức và đảm bảo cho nó có đủ năng lực và điều kiện đáp ứng một cách tốt nhất hoạt động ở ngành và lĩnh vực thì có lẽ, việc quy hoạch các mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập cũng cần đảm bảo sao cho việc phân bố nguồn lực đầu tư một cách công bằng và tạo cơ hội liên kết để thực hiện các nhiệm vụ ở cấp vùng, miền và quốc gia.

Mặt khác, sự phát triển của đất nước trong những năm qua đã dẫn đến sự ra đời của nhiều viện, trường, tổ chức KH&CN tư nhân với trình độ R&D phát triển không kém cạnh so với người anh em công lập. Do đó, trong đợt quy hoạch lần này không thể không tính đến khả năng tích hợp các tổ chức KH&CN tư nhân để tận dụng nguồn lực của khối này và cùng họ giải quyết những vấn đề lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.