Một số vụ nổ phòng thí nghiệm gây chết người ở Trung Quốc trong những năm gần đây khiến các nhà khoa học nước này lo ngại về các quy trình và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn.

Mới nhất là vụ nổ phòng thí nghiệm vào lúc 4 giờ chiều ngày 24/10 ở Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh (NUAA), tỉnh Giang Tô, làm chín người bị thương và hai người thiệt mạng. NUAA cho biết vẫn đang điều tra vụ việc nhưng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến tính an toàn của các phòng thí nghiệm.

Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc đã xảy ra một loạt vụ tử vong liên quan đến nổ phòng thí nghiệm, thường là ở các khoa hóa học. Đầu năm nay, ngày 31/3, một nghiên cứu sinh đã thiệt mạng sau một vụ nổ tại Viện Hóa học của Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh. Trước đó, tháng 12/2018, vụ nổ phòng thí nghiệm đang thực hiện thí nghiệm xử lý nước thải tại Đại học Giao thông Bắc Kinh đã làm ba sinh viên tử vong... Không thể khẳng định nguyên nhân của các vụ nổ và các ca tử vong nếu không có báo cáo điều tra công khai. Trên thực tế, hầu hết các vụ việc đều không có báo cáo công khai, trừ sự cố tại Đại học Giao thông Bắc Kinh.

Lính cứu hỏa tại hiện trường vụ nổ ở Đại học Giao thông Bắc Kinh năm 2018.

Một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốcnói với trang tin củaNature rằng,một số trường đại học không chú trọng việc đào tạo về an toàn cho sinh viên; thậm chí một số người đứng đầucác phòng thí nghiệm cũng chưa được đào tạo đủ về an toàn. Một nhà vật lý thực nghiệm ở Trung Quốc không muốn nêu tên, cho biết một số đơn vị “không đào tạo ra những sinh viên có các kỹ năng thực hành cơ bản cần thiết để làm việc trong bất kỳ phòng thí nghiệm nghiên cứu nào có nguy cơ cháy nổ”.

Yang Guang-Fu, nhà hóa học nghiên cứu thuốc trừ sâu tại Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, đồng ý rằng nước này đang thiếu trầm trọng nhân viên phòng thí nghiệm có chuyên môn về an toàn, và một số trường đại học Trung Quốc không coi trọng các quy tắc an toàn một cách đầy đủ.

Jason Chruma, nhà hóa học hữu cơ tại Đại học Virginia ở Charlottesville, người từng là giáo sư và sau đó là trợ lý trưởng khoa tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô từ năm 2012 đến năm 2020, nói rằng một số quy định an toàn của Trung Quốc không rõ ràng, thiếu các biện pháp thực thi, và mỗi nơi có cách giải thích khác nhau. Mặc dù không thể bình luận về các hoạt động hiện tại ở Đại học Tứ Xuyên, nhưng Chruma cho biết, trong thời gian làm việc tại đây ông đã tận mắt chứng kiến ​​các vấn đề an toàn, chẳng hạn như sinh viên thực hiện phản ứng hóa học ở hành lang vì không có đủ tủ hút trong các phòng thí nghiệm.

Theo một nghiên cứu hồi tháng 11, vụ nổ năm 2018 tại Đại học Giao thông Bắc Kinh - dẫn đến cái chết của ba sinh viên và phá hủy toàn bộ phòng thí nghiệm - là do 66kg bụi magiê được bảo quản không đúng cách đã bốc cháy. Các tác giả của nghiên cứu cho biết đây là vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm đại học đầu tiên ở Trung Quốc công khai báo cáo điều tra chi tiết trên một trang web của chính phủ.

Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh, nơi xảy ra một vụ nổ phòng thí nghiệm vào tháng 10/2021.

Rất ít quốc gia lưu giữ hồ sơ chi tiết về số vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm ở các trường đại học. Nhưng nhìn chung số ca tử vong rất ít. Ví dụ, tại Mỹ, Ủy ban Điều tra An toàn và Nguy hiểm Hóa chất chỉ liệt kê được một trường hợp tử vong liên quan đến sự cố hóa chất tại một trường đại học từ năm 2001 đến giữa năm 2018. Theo Viện An toàn Phòng thí nghiệm, tổ chức duy trì một bức tường tưởng niệm trực tuyến các nhà nghiên cứu thiệt mạng trong phòng thí nghiệm, Đức và Pháp mỗi nước có một trường hợp tử vong do sự cố phòng thí nghiệm trong cùng khoảng thời gian, trong khi Anh không có trường hợp nào.

Một số nhà nghiên cứu lạc quan rằng tình hình an toàn ở các phòng thí nghiệm Trung Quốcđã đạt nhiều tiến bộ đáng kể, chẳng hạn được bổ sung các tính năng an toàn như tủ hút và vòi phun khẩn cấp. Tuy nhiên, “điều này rõ thấy nhất ở các trường đại học hàng đầu," Samuel Yu, Giám đốc Văn phòng Sức khỏe, An toàn và Môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nói.

Nguồn: