Với ưu điểm tiết kiệm diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hệ thống nuôi trồng thủy sản trong nhà ứng dụng công nghệ tuần hoàn do ThS. Lê Ngọc Hạnh và các cộng sự ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT) là một giải pháp góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.
Làm thế nào để mở rộng nuôi trồng tôm tít có giá trị cao không chỉ là băn khoăn của riêng ThS. Lê Ngọc Hạnh, nghiên cứu viên ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II mà nhiều người khác cũng đã nghĩ đến.
Hầu hết tôm tít ở Việt Nam hiện nay được nuôi trong ao đất hoặc lồng lưới, gỗ nhựa… Ưu điểm của nuôi ao đất là tốn ít chi phí, nhưng lại khó kiểm soát chất lượng, dễ thất thoát, tôm đào hang nên khó thu hoạch. Ngược lại, nuôi tôm tít trong lồng tuy dễ chăm sóc và thu hoạch song chi phí đầu tư lại cao hơn ao đất.
Mô hình nuôi thủy sản trong hộp ứng dụng công nghệ tuần hoàn do nhóm nghiên cứu phát triển. Nguồn: CESTI
Thay vì loay hoay giữa các hướng đi này, ThS. Lê Ngọc Hạnh và các cộng sự đã lựa chọn việc ứng dụng hệ thống tuần hoàn để nuôi tôm tít trong nhà. “Tôm tít sẽ được nuôi trong các hộp riêng rẽ ở trong nhà các khu vực có mái che, với hệ thống tuần hoàn nước giúp kiểm soát điều kiện nuôi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời công nghệ này có khả năng tái sử dụng nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, cách nuôi này cũng rất tiết kiệm diện tích, phù hợp với các đối tượng có giá trị cao và có đặc tính sống trong không gian hẹp như cua và tôm tít”, anh chỉ ra những ưu điểm của giải pháp này.
Xây dựng mô hình phù hợp với Việt Nam
Việc ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước, cũng như nuôi thủy sản trong hộp không phải là điều xa lạ trên thế giới. “Nhiều nước như Malaysia, Trung Quốc… đã phát triển mô hình nuôi tôm cua trong hộp, họ thường tập trung sản xuất các sản phẩm giá trị cao như cua lột”, ThS. Lê Ngọc Hạnh cho biết.
Tuy nhiên, anh nhận thấy, nếu nhập khẩu toàn bộ trang thiết bị từ nước ngoài mà không tìm cách nội địa hóa, điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện trong nước thì việc mở rộng ứng dụng mô hình này tại Việt Nam sẽ còn rất xa vời. Vì vậy, ngay khi có ý tưởng về việc nuôi trồng thủy sản trong hệ thống tuần hoàn bằng hộp nhựa vào năm 2018, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào chế tạo những thứ cơ bản nhất như hộp nuôi. “Ban đầu tôi cũng thử làm bằng cách sử dụng các loại hộp có sẵn trên thị trường và chế lại, sau đó dưới sự hỗ trợ, hợp tác với một số doanh nghiệp bên ngoài, chúng tôi đã tự nghiên cứu và sản xuất hộp nuôi, từ đó mở rộng sang nhiều đối tượng khác nữa”, anh kể lại hành trình mày mò chế tạo các thiết bị.
Thoạt nhìn, mô hình nuôi trồng thủy sản trong hộp với hệ thống tuần hoàn nước do nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Ngọc Hạnh phát triển cũng không khác biệt nhiều so với các mô hình tương tự trên thế giới. Thành phần chính gồm có hệ thống hộp nuôi, thiết bị lọc cơ học, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, thiết bị khử CO2, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị lọc sinh học và hệ thống giám sát. Chất lượng nước - một trong những thách thức lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản, được kiểm soát chặt chẽ trong mô hình này. “Phần lọc cơ học có các lưới lọc để xử lý nước thải đầu vào (lọc chất thải trước khi lọc sinh học), còn chlorine chỉ được dùng để xử lý nước bên ngoài bể chứa (để diệt mầm bệnh), sau đó oxy hóa dư lượng rồi mới đưa vào hệ thống. Ngoài ra, thành phần quan trọng nhất trong hệ thống tuần hoàn là hệ thống lọc sinh học bằng cách sử dụng vi sinh nhằm giải phóng các loại chất thải hòa tan dạng nitơ như amoni, nitrit và nitrat. Đây là quá trình xử lý sinh học rất hiệu quả và tái sử dụng trong thời gian dài, không phải dùng đến hóa chất”, anh viết trong bài dự thi Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) do UBND TP.HCM tổ chức vào năm 2021.
Nếu quan sát kỹ hơn, người ta sẽ thấy mỗi chi tiết, dù nhỏ nhất trong hệ thống này, đều có những đặc trưng riêng giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong thực tế. “Hiện nay, hơn 90% trang thiết bị hệ thống đã được chúng tôi nghiên cứu và sản xuất ở trong nước”, anh hào hứng. Chẳng hạn như hộp nuôi làm bằng nhựa PP nguyên sinh do ThS. Lê Ngọc Hạnh và các cộng sự chế tạo có kích cỡ 40x30x17cm, độ dày 2mm, trọng lượng 980g, sức chứa tối đa là 8 lít, với bề mặt nhẵn dễ vệ sinh với đường cấp thoát nước “Các sản phẩm trên thị trường thường có rất nhiều lỗ thoát nước, nhưng khi nghiên cứu, tôi thấy thiết kế quá nhiều sẽ gây tốn kém và phức tạp trong lắp đặt. Do vậy, tôi kết hợp cả hai đường ống thành một đường ống chung, có một kết cấu phía trên giúp duy trì mực nước trong hộp, khi muốn tháo cạn nước chỉ cần mở một van bên ngoài”, anh giải thích.
Hướng tới thủy sản chất lượng cao
Với thiết kế linh hoạt, có thể đặt hệ thống lọc âm dưới đất để tiết kiệm diện tích, hoặc đặt nổi trên sân thượng, sàn nhà, tùy theo điều kiện không gian, “việc triển khai giải pháp sẽ giúp người nông dân đưa ‘thủy sản lên bờ’ để có thể nuôi được trong các khu vực đô thị hoặc những nơi hạn chế về nguồn nước và nguồn hải sản tươi sống tại chỗ. Đây là mô hình rất phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản”, ThS. Lê Ngọc Hạnh phân tích. “Mô hình này giúp tận dụng tối đa diện tích, có thể nuôi và thu hoạch liên tục, dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán”.
Hiệu quả của mô hình này đã được chứng minh qua trang trại nuôi tôm tít đang được thử nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. “Hiện nay trang trại của chúng tôi có quy mô khoảng 1000 hộp, chỉ cần một người trông nom chăm sóc thôi. Sản phẩm tôm tít nuôi được rất to, phát triển đồng đều, đảm bảo chất lượng. Có những con lớn đạt trọng lượng 190g, thuộc size loại một, được bán với giá thành khá cao”, anh Hạnh cho biết. “Về tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế ở quy mô 1000 hộp, trừ hết các chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được khoảng 21 triệu đồng/vụ nuôi, với lợi nhuận trên 1kg khoảng 166 ngàn đồng. Tôm tít có thể thu hoạch bằng cách bỏ từng con vào ống nilon, cấp oxy thêm là có thể vận chuyển đi xa mà vẫn duy trì tỉ lệ sống cao, giống như cua có thể đóng gói khô chứ không cần cấp nước”.
Không ít hộ sản xuất và doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm khi nghe anh Hạnh giới thiệu về hệ thống này trong sự kiện kết nối công nghệ của CESTI. Dù vui mừng song anh cũng nhấn mạnh, mô hình này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. “Lợi nhuận có vẻ nhiều song chia đều cho bốn tháng nuôi thì cũng chưa cao. Hiện nay mô hình này mới phù hợp với quy mô nhỏ, nếu muốn mở rộng sản xuất quy mô công nghiệp cho doanh nghiệp thì phải có những giải pháp mới để tiếp tục nâng cao năng suất”, anh Hạnh nói.