Cuốn chiến đấu chống phong tỏa với tất cả khốc liệt và căng thẳng của nó ở vịnh Bắc Bộ đã đi đến hồi kết trong sự thất bại của người Mỹ khi không thể cô lập đường biển miền Bắc, lại càng không thể dập tắt được ý chí của những người bám biển.

Chính họ đã viết nên khúc tráng ca bằng máu và tuổi trẻ của mình, dẫu cho tên tuổi của họ có thể bị khuất lấp trong lịch sử…

Hình 3.6- Đang thi công ĐB-72-3 vào con tàu tăng kích đỗ trên sà lan. Tất cả nép bên cạnh một con tàu Ba Lan.

Tàu tăng kích số hiệu 160

Vào một ngày đầu thu 2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi vui mừng được gặp lại kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh, người chủ trì thiết kế thiết bị ĐB72-3 quấn quanh con tàu tăng kích mang số hiệu 160 (hình 3.5), niềm tự hào của Đường biển trong chiến tranh chống phong tỏa. Anh cùng tôi xem lại các thước phim do các phóng viên chiến trường như Phi Hùng, Bùi Viên, Đào Ngọc Khánh quay ngay tại các bãi thủy lôi, ta thấy con tàu làm nổ liên tiếp “không kịp đếm” các quả lôi, mà số liệu công bố chính thức là 161 quả. Các bức hình cho thấy thuyền trưởng Vũ Đình Kính cùng các chiến sĩ nai nịt trong các bộ quần áo của lính xe tăng vì ta đã biết sức ép ghê gớm của vụ nổ xảy ra ở dưới nước như thế nào. Và bức ảnh bà Nguyễn Thị Định thay mặt lãnh đạo nhà nước gặp gỡ, động viên các chiến sĩ với sự có mặt của Vũ Đình Kính, trưởng ty Bảo đảm Hàng hải Phạm Hải (trong kỳ trước). Là học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội, tốt nghiêp khóa ba Khoa Điện Bách khoa, sau chiến tranh giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Bảo đảm Hàng hải và đã nhiều lần đi dự các hội nghị quốc tế một mình, không cần phiên dịch, Nguyễn Ngọc Linh thường nhắc tới những bạn chiến đấu Hải quân nay đã mất như Hoàng Sơn-chuyên gia sành sỏi về thủy lôi như lời bình của Chu Lai trong cuốn “Khúc tráng ca về biển”, như Nguyễn Khoái, kỹ sư điện tử, giám đốc xưởng X 56 với các bức thư “tuyệt mật” trao đổi với Đường biển về từng phát hiện của anh về vũ khí của đối phương, như Đinh Gia Cấp, Nguyễn Lưu. Anh cũng nói nhiều về cố Thủ trưởng Lê Văn Kỷ hay đồng nghiệp “cây sáng kiến” Vũ Tấn Khiêm vửa mất gần đây. Hỏi về quá trình làm thiết bị trên con tàu 160, anh cho tôi bản tóm tắt như hình vẽ, và cái box kèm theo. Cuộn dây quanh con tàu đã được những người thợ điện giỏi nhất cảng Hải Phòng thi công như trong bức hình ta nhìn thấy Nguyễn Văn Hải hay còn gọi là “Hải cụt” của Thủy đội Cảng đang chỉ huy, đội thợ điện có Nguyễn Đăng Phiếm, thợ “trên cả bậc 7”, tức bậc cuối cùng… Dây điện được huy động từ mọi ngóc ngách kho Cảng, có một số dây nhỏ phải nối lại để đảm bảo tiết diện. Còn máy phát điện một chiều 100 kW, cái quyết định thành công của dự án, được bốc lên từ chiếc tàu dầu đã hết hạn sử dụng, và đó là chiếc duy nhất. Bộ tạo xung là một thiết bị quan trọng để xung từ tạo nên theo một đường cong hinh sin gần giống với “chữ ký của tàu” tất nhiên phải liên tục đóng ngắt mạch, dễ cháy các tiếp điểm với dòng điện lớn. Đường biển cũng dễ dàng giải quyết vấn đề này khi trong tay có các hải đăng to lớn như Hòn Dấu, Long Châu. Để tạo nên các nhấp nháy đặc trưng cho mỗi đèn, tức là “chữ ký ánh sáng” của đèn biển, các hải đăng phải có bộ đóng cắt mạch phù hợp.

Hình 3.4c- Xung từ phát ra có dạng gần với “chữ ký của tàu” tức tín hiệu gây nổ của thuỷ lôi.

Hình 3.5- Thiết bị phá lôi ĐB-72- 3 quấn quanh con tàu tăng kích (hình trái) và ĐB-72-4 đặt trong con tàu với bộ chỉnh lưu bán dẫn để có điện một chiều.

Bước sang con tàu tiếp theo, dự tính bọc dây ĐB-72-4 cho tàu tăng kích số hiệu 173 nhưng tình hình vật tư có khó khăn: không còn dây có lớp bọc tốt, không còn máy phát điện một chiều. Tổ nghiên cứu chuyển sang đặt khung dây bên trong tàu và dùng bộ chỉnh lưu để nắn dòng từ máy phát một chiều. Bằng một hợp đồng kinh tế với Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 12/1972, Bách khoa sẽ cung cấp một bộ chỉnh lưu bán dẫn để nắn dòng từ máy phát xoay chiều 100kW 220V kéo bởi động cơ diesel 3Đ12. Thiết bị hoàn thành thì vừa lúc kết thúc cuộc chiến phong tỏa. Xem hình 3.4, ta thấy rõ sự khác nhau giữa hai phương án.

+Bộ phát từ:
- Khung quấn dây: 5,0x5,0x2,0m; - Chiều dài dây: 2760 m; - Tiết diện dây: 100 mm2; - Loại dây: KPпT; - Điện áp: 220V; - Dòng điện: 400A; - Số vòng dây: 124 vòng;
+ Lõi từ: 3,0 x 0,75 x 0,75m;
+ Bộ tạo xung: Tự động;
+ Nguồn điện: máy phát điện 1 chiều 100 kw-220V; H50=18,31 moe

Cuộc trưng bày các thiết bị chống phà thủy lôi

Từ cuộc thuyết trình nhóm tới buổi trưng bày

Cuộc triển lãm dưới cái tên là “Trưng bày các thiết bị chống phá thủy lôi phong tỏa của Bộ Giao thông Vận tải” được tiến hành trong suốt 10 ngày, từ ngày 23 tới hết ngày 3/12/1972 tại trụ sở Bộ, 80 Trần Hưng Đạo được chuẩn bị khá công phu, do Vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ điều hành với Vụ trưởng Nguyễn Kha và cán bộ chuyên trách là thuyền trưởng Ngô Lực Tải. Tất cả được tiến hành trong căn hầm ngôi nhà được xây từ thời Pháp thuộc, trước năm 1954 càng mang tính chất bảo mật, an toàn trong thời chiến.

Nhận được lệnh của Bộ, Cục Đường biển khẩn trương tiến hành triển khai với tư cách là người chủ yếu đã và đang chiến đấu chống lại cuộc phong tỏa này. Trước đó, vào ngày 11/10/1972, Phó Giám đốc cảng Hải Phòng Trần Văn Chu được Cục Đường biển giao nhiệm vụ phải trực tiếp đưa các dụng cụ trưng bày gồm các quả thủy lôi đã tháo gỡ, các thiết bị chống lôi lên Bộ, đi cùng là hai tự vệ cảng là Trần Viết Chấn công nhân bốc vác, đội trưởng đội Công binh cảng và thợ điện Đỗ Thái Nguyên. Ngày hôm sau, nhóm thứ hai phụ trách nội dung gồm Nguyễn Thái Phong, kỹ sư điện Trần Công Hợp trưởng phòng KHKT của Bảo đảm Hàng hải và kỹ sư điện tử Hồng Chương của Phòng Điện tử Đường biển. Nhóm khẩn trương bắt tay vào lắp ráp các thiết bị, các bom đạn trưng bày và thực hiện công việc truyền tài kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về quân giới tại Hà Nội.


Hình 4.2- TS. Vũ Đình Cự thuyết trình trong buổi trưng bày cuộc chiến chống phong tỏa năm 1972.

Thực ra, trước đó bốn tháng vào ngày 5/7/1972, Thái Phong đã trình bày những hiểu biết của mình cho đoàn giáo sư Đại học Bách khoa do TS. Vũ Đình Cự dẫn đầu tại ngay cơ sở của mình, biệt thự 13 Hồ Xuân Hương, nơi đã biến thành căn cứ nghiên cứu, tháo lắp các quả lôi mà Đường biển trục vớt được. Anh rất mừng là nguyện vọng có các nhà khoa học sát cánh cùng nghiên cứu mà anh đề đạt với Cục trưởng Lê Văn Kỳ “bên Nhật nó tiến bộ được là vì sản xuất gắn chặt với khoa học. Mình chiến đấu, kinh nghiệm nhiều, nhưng phải có khoa học tổng kết, dẫn dắt thì mới có sản phẩm sau tốt hơn” nay đã thành hiện thực và anh rất tự tin trình bày cả lý thuyết và thực hành mà anh đã từng trải trong suốt năm năm qua. Trong suốt thời gian này anh đã được học và thực hành ngay trong một trường đại học ác liệt, luôn luôn cận kế với cái chết, với các thầy giáo Hải quân làm nhiệm vụ khai tâm như Đào Ngọc Tấn, Trần Thanh Hoài – những thầy giáo sau là bạn cùng chiến đấu, qua các tài liệu hướng dẫn từ Viện Kỹ thuật Quân sự, Công binh Hải quân, các ghi chép từ đồng đội. Mới cách đó chưa đầy một tháng, vào ngày 28/6/1972 cùng với Công binh Hải quân anh đã ngụp lặn, dùng dụng cụ tự tạo, cắt dây điện của bộ bảo hiểm mạch điện ngòi nổ của quả Mk-52, quả thứ hai được tháo dỡ trong thời gian chưa đầy một tháng. Cái bộ bảo hiểm với dấu vân tay của chuyên viên lôi của Mỹ in trên góc phải rồi tới tay chiến sĩ phá lôi Việt Nam hiện nay vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Công binh ở 290 đường Lạc Long Quân Hà Nội. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời hoạt của ông “vua phá lôi” này (hình 4.1)

Hình 4.1- Bộ bảo hiểm mạch điện ngòi nổ Mk 52 mà Thái Phong có sáng kiến để cắt mạch điện; a) khi nhấc ra khỏi thân bom; b) mặt trước in dấu vân tay lính Mỹ.

Trước các bậc tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài, các kỹ sư thuộc nhiều chuyên ngành của trường đại học kỹ thuật hàng đầu đất nước, anh phân tích các mod – biến thể khác nhau của các thủy lôi, cấu trúc chung của lôi, bộ kít với vô vàn biến thể: máy nước ép, cục đường, mạch ngòi nổ, các bẫy chống tháo lắp… bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu cùa một thuyền trưởng đã qua đào tạo nay lại trở thành một chuyên viên bom đạn kèm theo những pha trò tếu táo của người đi biển.

Buổi thuyết trình chuẩn bị cho cuộc trưng bày của nhóm Thái Phong kéo dài suốt buổi sáng ngày đầu tiên. Buổi chiều và suốt ngày hôm sau để dành giải đáp các thắc mắc. Tham dự suốt ba ngày thuyết trình có các nhà khoa học Đoàn Nhân Lộ, Vũ Đình Cự, Nguyễn Nguyên Phong, Nguyễn Bình, Bùi Minh Tiêu… Giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, anh hùng Ngô Gia Khảm có ghé qua. Học cụ cũng là vật sẽ trưng báy là hai quả thủy lôi mà Đường Biển đã tháo gỡ và dùng làm vật nghiên cứu: một quả Mk-52 tại trục vớt tại cửa Nam Triệu và quả Mk 42 thả xuông khu An Dương. Sau ba ngày làm việc căng thẳng, ban ngày tại 80 Trần Hưng Đạo, tối về ngủ tại tập thể đường Hàm Long, nhóm Thái Phong quay trở về Hải Phòng với bao công việc đang chờ đợi.

Qua các tấm hình, chúng ta thấy cuộc trưng bày tại Bộ GTVT vào những ngày cuối của tuần thứ 3/11 sang tuần đầu tháng 12/1972 đã được các nhà lãnh đạo nhà nước và các tiến sĩ, giáo sư hàng đầu của đất nước đặc biệt quan tâm như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu… và tất cả các vị đã tham dự buổi thuyết trình hai ngày của nhóm Thái Phong đã nói ở trên. Ngoài ra còn đông đảo các giáo sư trường Đại học Tổng hợp, các viện nghiên cứu trong đó có giáo sư Đàm Trung Đồn, người thầy đáng kính của nhiểu lớp sinh viên. Tất cả tập trung nghe tiến sĩ giáo sư Vũ Đình Cự thuyết trình.

Vừa công tác trở về, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ hỏi ngay các nhà tổ chức: Hoàng Sơn – cố vấn chống phong tỏa của Bộ đâu? Trả lời: Anh đang đi công tác; Còn Đường biển đâu? Các đồng chí còn bận công tác. Nguyễn Ngọc Linh, tổ nghiên cứu của Đường biển, thì nghĩ một cách hồn nhiên “Thôi thì các nhà khoa học giúp chúng ta tổng kết là tốt nhất!”.

Sau khi trưng bày tại Bộ GTVT, quả Mk52 này đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng còn các bộ phận của nó theo về Bảo tàng Công binh Hà Nội.

Kết quả vận tải mới là thắng lợi cuối cùng

Dù phải nhận thêm nhiệm vụ chiến đấu rà phá thủy lôi, khai thông luồng lạch, bản thân chủ trì nhiều cuộc họp vào lúc nửa đêm, kể cả những cuộc họp khá sâu về kỹ thuật, Cục trưởng Lê Văn Kỳ vẫn luôn ghi nhớ nhiệm vụ cùa mình là phải hoàn thành nhiệm vụ vận tải, bốc xếp hàng nhập, chuyên chở nó tới các điểm thu nhận và chống phong tỏa chỉ nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ vận tải. Cho nên, ngoài quan hệ mật thiết với Nguyễn Bá Phát Hải quân, trong những ngày khói lửa này, người liên hệ, gắn bó chặt chẽ với ông chính là Nguyễn Chanh, thứ trưởng Ngoại thương. Theo Đặng Phong, trong “5 đường mòn Hồ Chí Minh “cho biết ngoại thương thời kỳ này là hậu cần cho sản xuất, đời sống và chiến đấu. Các hoạt động xuất khẩu diễn ra không nhiều, các hoạt động ngoại thương chủ yếu là nhập khẩu. Trong các hoạt động nhập khẩu, việc dùng ngoại tệ của nhà nước để trao đổi, mua bán hàng hóa rất ít. Nhập khẩu thực chất là sự tiếp nhận viện trợ của các nước bên ngoài, chủ yếu là từ Liên Xô và Trung Quốc, chỉ tính riêng vũ khí mà các nước bạn viện trợ cho Việt Nam trong những năm chiến tranh đã là 2,35 triệu tấn, trị giá hơn 7 tỷ Rúp (tương đương 7 tỷ USD). Báo cáo của Nicolai Kovalev, trưởng đại diện của Bộ Hàng hải Liên Xô tại Việt Nam, cho biết... “Trong năm 1967, trung bình một tháng có 18 chuyến tàu Liên Xô vào , và ngay trong quý đầu năm 1968, mỗi tháng tại ba cảng có 26 tàu vào dỡ hàng. Trong năm 1967, 140 tàu Liên Xô bốc xuống cảng Hải Phòng khoảng 630 nghìn tấn hàng, trong khi đó vào năm 1966,103 tàu bốc xuống 484 nghìn tấn, và quý đầu năm 1968, 48 tàu đã bốc xuống 200 nghìn tấn hàng.

Cho tới ngày cuối đời, Cục trưởng Lê Văn Kỳ vẫn còn đau đáu một nỗi niềm. Biết bao hy sinh của các cán bộ do mình chỉ huy nhưng hình như cái công lao đó chưa được xã hội đánh giá đúng mức. Suy cho cùng, đó không phải là một cuộc tranh công giành lấy phần thưởng hay huy chương, ngược lại đó là việc lập lại một sự công bằng theo đúng nghĩa cho những người đã vĩnh viễn nằm xuống cho hòa bình hôm nay.

Để giải quyết hàng hóa nhập, không để “Việt Nam nhập nhiều nhưng không rút hàng đi được, sẽ giống như người chết vì bội thực”, Đường Biển đã tổ chức những chiến dịch vận tải cùng với việc rà phá thủy lôi thông luồng lạch của mình. Không một người Đường biển nào quên được chiến dịch VT5 (viết tắt của 5 chữ Vận Tải Tranh Thủ Tụt Thang) tức là chiến dịch mở đúng vào lúc 20 giờ ngày 1/11/1968, Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc, vận tải quy mô lớn cho khu 4 và đi tiếp vào miền Nam, kéo dài tới ngày 31/01/1969… Toàn bộ lực lượng đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng cùng nhiều các lực lượng khác cùng tham gia chiến dịch này. Kết quả, khối lượng vận tải trong chiến dịch bằng 1,5 lần khối lượng vận chuyển trong ba năm 1965,1966,1967 cộng lại, vượt kế hoạch 12 nghìn tấn. Sau chiến dịch, các đội tàu lại trở lại hoạt động theo thời chiến, sẵn sàng chiến đấu…

Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng như trong năm 1966, tàu TL02-20 bị bắn chìm tại Nghĩa Hưng, Nam Hà, thuyền trưởng Nguyễn Văn Vàng và thủy thủ Nguyễn Thanh Hải hy sinh; tàu TL52 bị bắn chìm tại Bãi Lữ, Nghi Lộc, Nghệ An, thuyền trưởng Hồ Phước Huyên cùng toàn bộ năm thuyền viên hy sinh; tàu TL07 bị bắn chìm tại Lạch Trường, Thanh Hóa khiến ba thuyền viên hy sinh... Đó là một vài trường hợp mà người ta có thể rõ tên tuổi nhưng còn biết bao trường hợp hy sinh, chưa thể ghi nhận được... Nhắc tới đội tàu VS, những con tàu nhỏ 20 tấn cũng như những thuyền nan, được Đường biển trang bị để rút hàng nhanh, để từ biển đi sâu thẳng vào các sông ngòi luồng lạch, Cục phó Ngô Tuyết không cầm được nước mắt. Trong bối cảnh thời chiến, phương tiện thì quá thô sơ còn thuyền viên được huy động và lập đội hình quá nhanh nên nhiều người hy sinh trên biển không được rõ danh tính!

Cũng như thế, cho tới ngày cuối đời, Cục trưởng Lê Văn Kỳ, người tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi, nổi tiếng là quyết đoán như Tra-pa-ep, tướng Liên Xô lừng danh một thời, vẫn còn đau đáu một nỗi niềm. Biết bao hy sinh của các cán bộ do mình chỉ huy nhưng hình như cái công lao đó chưa được xã hội đánh giá đúng mức. Suy cho cùng, đó không phải là một cuộc tranh công giành lấy phần thưởng hay huy chương, ngược lại đó là việc lập lại một sự công bằng theo đúng nghĩa cho những người đã vĩnh viễn nằm xuống cho hòa bình hôm nay.

07/8/1972 đề xuất phương án sản xuất ĐB-72-3.
24/8/1972 Cục VTĐB lập tờ trình xin kinh phí.
01/9/1972 Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản duyệt
13/9/1972 Cục VTĐB lênh thi công
Cuối 11/1972 hoàn thành thi công ĐB-72-3

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 - Hoạt động của hải quân nhân dân trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc Việt Nam (1967-1968 và 1972-1973) Kỷ yếu hội thảo khoa học, NXB QDND Hà Nội 2005, 326 tr với các bài của Nguyễn Văn Hiến, Vũ Hữu Cửa, Nguyễn Đức Soát, Trịnh Vương Hồng, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Ngọc Huệ, Hoàng Văn Kể, Vũ Tang Bồng,Đặng Kinh, Nguyễn Thế Trinh, Trương Thế Hùng,Nguyễn Việt Long,Nguyễn Văn Khơ, Cao Hòa Bình, Nguyễn Khoái, Nguyễn Sỹ Trinh,Tăng Đình Tiến, Phạm Ngọc Chấn, Đỗ Văn Thành
2 - Trung Quốc giúp Hải Quân Việt Nam chống lại thủy lôi Mỹ (tiếng Trung).
http://www.zylyzx.com/news/news_bk.php?id=23
3 - Operation End Sweep –A history of Mine sweeping Operation in North Vietnam ,edited by Edward J.Marolda ,128 trang do Naval Historical Center Department of the Navy Washington xuất bản năm 1993.
4 - Đặng Phong - 5 đường mòn Hồ Chí Minh Nhà NXB Trí thức Hà Nội 2008.