Người Neanderthal không sống nhờ chế độ ăn uống gồm các loại quả mọng và thịt động vật chưa nấu chín như nhiều người thường nghĩ.
Tàn dư cháy thành than của bữa ăn được nấu chín cổ nhất, khai quật được trong một quần thể hang động ở miền bắc Iraq, khiến các nhà khoa học suy đoán rằng người Neanderthal biết chế biến thức ăn.
Chris Hunt, giáo sư cổ sinh thái văn hóa tại Đại học Liverpool John Moores, người điều phối cuộc khai quật, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi là dấu hiệu đầu tiên về cách nấu ăn phức tạp - và theo đó là văn hóa ẩm thực - của người Neanderthal".
Hunt và các đồng nghiệp thậm chí đã cố gắng tái tạo lại một trong những công thức nấu ăn, sử dụng hạt giống được thu thập từ các hang động gần đó. Hunt nói: “Công thức đó tạo ra một loại bánh kếp kiêm bánh mì dẹt thực sự rất ngon miệng – có hương vị giống các loại hạt".
Tàn dư thực phẩm nấu chín lâu đời nhất từng được tìm thấy nằm trong Hang động Shanidar, nơi cư trú của người Neanderthal 500 dặm về phía bắc Baghdad, thuộc dãy núi Zagros. Thực phẩm được cho là khoảng 70.000 năm tuổi, nằm trong một lò sưởi cổ xưa trong hang động.
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng kính hiển vi điện tử quét để phân tích các mảnh thức ăn nấu chín cổ xưa khác, lấy được từ hang động Franchthi ở miền nam Hy Lạp, nơi bị con người hiện đại sơ khai sinh sống khoảng 12.000 năm trước.
Kết hợp lại với nhau, những phát hiện này cho thấy chế độ ăn uống thời kỳ đồ đá cũ rất đa dạng và phức tạp, bao gồm một số bước chuẩn bị thức ăn.
Tiến sĩ Ceren Kabukcu, nhà khảo cổ học tại Đại học Liverpool, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi lần đầu tiên đưa ra bằng chứng về việc người Neanderthal và người hiện đại sơ khai, Homo sapiens, ngâm và giã hạt đậu, tại cả hai địa điểm".
“Chúng tôi cũng tìm thấy bằng chứng về ‘hỗn hợp’ các loại hạt có trong thực phẩm và lập luận rằng người cổ đại có sở thích đối với một số hương vị thực vật cụ thể".
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Antiquity, bổ sung thêm bằng chứng về việc tiêu thụ thực vật của cả người hiện đại và người Neanderthal thời kỳ đầu, ngoài thịt. Các loại hạt và cỏ dại thường được kết hợp với các loại đậu, chẳng hạn như đậu lăng và mù tạt dại.
Hunt nói: “Bởi vì người Neanderthal không có chậu nên chúng tôi cho rằng họ đã ngâm hạt trong một 'túi' làm từ da động vật".
Tuy nhiên, không giống như các đầu bếp hiện đại, người Neanderthal dường như không tách vỏ hạt của họ để loại bỏ lớp vỏ bên ngoài – một quá trình loại bỏ phần lớn các hợp chất có vị đắng. Việc ngâm nhưng không tách vỏ có thể cho thấy họ muốn giảm nhưng không loại bỏ hoàn toàn hương vị tự nhiên của đậu.
Giả sử họ giã hạt bằng đá từ trong khu vực, sản phẩm chế biến cuối cùng cũng có thể bị dính sạn. Hunt nói: “Sau khi tái tạo lại các công thức và quy trình chế biến, tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu tại sao người Neanderthal lại có răng ở tình trạng xuống cấp như vậy".
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/nov/23/oldest-cooked-leftovers-ever-found-suggest-neanderthals-were-foodies