Có lẽ ít người xứng đáng với “danh hiệu” ấy hơn GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, người đã gắn bó gần 60 năm với rừng, đặt chân đến hầu hết các cánh rừng Việt Nam, hiểu tường tận thuộc tính của nhiều loại cây rừng.

Ông chính là người đề xuất và tham gia thực hiện dự án trồng rừng đầu tiên của Việt Nam, trả lại màu xanh cho đất trống, đồi núi trọc.

Chấp nhận học lâm nghiệp để “trốn” đói

Tuổi gần 80 nhưng GS Nguyễn Ngọc Lung vẫn miệt mài với những chuyến đi đến các vùng đất xa xôi. “Cả đời đi rừng, nếu lâu không được đi rừng nữa, tôi thấy rất bứt rứt” - ông tâm sự. Đối với ông, đi rừng không chỉ là hòa mình vào thiên nhiên mà còn để tiếp thêm sức mạnh, để thấy mình là người năng động, có ích. Kỹ sư Ngô Đình Thọ - nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, ông và GS Lung mới có chuyến công tác 5 ngày tại Hà Giang và Yên Bái cách đây hơn 3 tháng.

Ấy vậy mà con người yêu rừng như máu thịt đó lại bén duyên với ngành lâm nghiệp từ mục đích ban đầu là “bảo đảm an ninh lương thực” cho bản thân. GS Lung kể: Nhà nghèo nên tôi chỉ được học hết lớp 7. Trong đơn gửi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), tôi có ghi nguyện vọng là sư phạm vì nghĩ đơn giản học sư phạm thì được cấp 100% học bổng và được Nhà nước nuôi ăn. Với một người luôn thiếu ăn như tôi, học ngành sư phạm thì chắc chắn không sợ chết đói.

“Thật không may, hồ sơ của tôi lại chuyển sang Trường Trung cấp nông - lâm vì hồ sơ nộp sư phạm quá nhiều; nhưng với tôi, được đi học tức là mình được sống, là có ăn, còn xếp vào ngành nào cũng được. Trong cái không may đó, tôi lại được cấp học bổng vì hoàn cảnh gia đình dưới mức trung bình, không có nguồn nào chu cấp” - ông tâm sự.

Sau 3 năm trung cấp, chàng trai Nguyễn Ngọc Lung là một trong 5 người được chọn làm trợ lý giảng dạy tại Đại học Lâm nghiệp. Tuy vậy, ông vẫn phải tiếp tục lên lớp học cùng sinh viên. “Có chăng là kinh nghiệm thực tế của tôi nhiều hơn họ” - GS Lung chia sẻ. Nhờ sự cầu thị và tinh thần học tập miệt mài mà 2 năm sau đó, ông đã thi đỗ đại học tại chức. “Cứ 10 người tốt nghiệp trung cấp thì chỉ có khoảng 1 người đỗ được đại học” - ông giải thích.

Giáo sư - tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Lung. Ảnh: Đoàn Dung
Giáo sư - tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Lung. Ảnh: Đoàn Dung

Nói về chuyện học của GS Nguyễn Ngọc Lung, PGS-TS Vũ Nhâm - nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp - nhận xét: “Ông ấy là người có năng lực học tập đặc biệt, bởi không mấy người trải qua quá trình học tập như thế - từ trung cấp lên tại chức đại học, phó tiến sỹ rồi tiến sỹ khoa học - có thể trở thành nhà khoa học lớn như ông”.

Ông giám đốc cưỡi voi

Năm 1989, sau khi lấy bằng tiến sỹ tại Liên Xô cũ, ông Lung được cử làm Giám đốc Khu bảo tồn quốc gia YoK Đôn, Đắk Lắk. “Tháng đầu tiên, tôi không về cơ quan mà thuê một con voi cưỡi vào rừng và ở riết trong đó để nắm cho vững các “thuộc tính” của rừng. Khi đã cảm thấy mình nắm vững, tôi mới chính thức nhậm chức giám đốc và lập tức đề xuất mua 2 con voi vì vào rừng không thể đi bằng ôtô hay đi bộ, rất nguy hiểm” - ông nhớ lại. Sự gắn bó sinh tử của ông với rừng thực sự bắt đầu từ đó, với những nỗ lực không ngừng để rừng mỗi ngày một bao phủ nhiều hơn.

Nhớ lại thời gian thực hiện dự án 327 (phủ xanh đất trống, đồi núi trọc) 25 năm trước, ông cho biết: “Nếu nhìn tổng quan rừng Việt Nam sẽ thấy sự suy giảm nghiêm trọng. Khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1946, độ che phủ rừng là 43% - tương đương 14,3 triệu hécta. Sau năm 1954 còn 35%, năm 1976 còn 29% và năm 1992 chỉ còn 27%. Khi đó, ngành lâm nghiệp báo cáo với Chính phủ và Quốc hội rằng diện tích rừng này sẽ không đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ không tiếp xúc với rừng mà là những tỉnh với đất trống, đồi trọc”.

Khi triển khai dự án, khó khăn lớn nhất là thuyết phục bà con trồng rừng, đặc biệt là ở Tây Nguyên - rốn gỗ cuối cùng của kho gỗ Việt Nam, nơi rừng tự nhiên nhiều và chất lượng gỗ tốt. “Khi chúng tôi vận động, tuyên truyền, lãnh đạo địa phương nói bây giờ họ phải ưu tiên ngô, sắn, khoai trước đã. Thế là phải phân tích để họ hiểu lợi ích của việc trồng rừng, rằng phải tiến hành đồng thời cả trồng rừng và trồng nương rẫy” - GS Lung nhớ lại.


Bán kỷ vật vì mê ảnh

Tự nhận là người đầu tiên chụp ảnh màu ở Hà Nội, giọng GS Lung sôi nổi hẳn lên khi nói về sở thích ngày trẻ này. Ông kể: Năm 1968, ông Đồng Sỹ Hiền - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Điều tra quy hoạch của Đại học Lâm nghiệp - từ Liên Xô (cũ) về nước sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, có mua tặng ông một chiếc radio bán dẫn làm kỷ niệm. “Hồi đó có được chiếc radio đeo bên người, vừa đạp xe vừa hát thì oách lắm. Chỉ những người hàm vụ phó, vụ trưởng mới được cấp” - GS Lung kể. Nhưng sự “vẻ vang” mà món đồ thời thượng, sang chảnh này mang lại không đủ ngăn chàng kỹ sư trẻ bán nó đi để mua máy ảnh.

“Khi biết tôi bán chiếc radio, ông Hiền biên thư trách: “Nghe tin anh bán chiếc radio rồi đúng không? Anh có biết đồ kỷ niệm về tình cảm là như thế nào không?”. Tôi biên thư lại, bảo rằng: “Anh biết tôi thích gì rồi, tại sao lại tặng tôi radio? Tôi bắt buộc đổi cái đó thành cái này - chiếc máy ảnh FED loại trung bình” - GS Lung kể.

Năm 1982, ông Lung và kỹ sư Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Trưởng phòng Ảnh vệ tinh, Viện Điều tra quy hoạch rừng - làm dịch vụ chụp ảnh màu đám cưới. Khách hàng hầu như không ai biết họ là hai phó tiến sỹ đi làm thêm. Khi công nghệ điện tử phát triển, nghề này không giúp kiếm tiền nữa, chiếc máy ảnh lại theo GS Lung đi rừng để phục vụ nghiên cứu và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cảnh đẹp thiên nhiên.

GS Lung chia sẻ: “Máy ảnh hỗ trợ rất nhiều cho công tác lâm nghiệp. Nó như những nốt nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, tạo cảm hứng sáng tạo cho tôi”. Từ chia sẻ này, tâm huyết và thành tựu của GS Lung với nghiệp rừng trở nên vô cùng dễ hiểu: Công việc ông làm luôn có sự xúc tác của cảm hứng và tình yêu.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung sinh năm 1939 tại Phú Thọ, là tác giả của 2 cuốn sách chuyên ngành, trên 200 bài báo, chuyên khảo, báo cáo khoa học. Ông đã thực hiện 12 đề tài khoa học. Trong đó, có 4 đề tài cấp nhà nước, tiêu biểu là các đề tài: "Những cơ sở khoa học để xây dựng quy trình trồng rừng và khai thác gỗ thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng" (1985); "Nghiên cứu và áp dụng các cơ sở khoa học, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để quy hoạch thiết kế lưu vực phòng hộ, xây dựng rừng phòng hộ nguồn nước, rừng chống gió bão ven biển" (1995)...