Từ người lính đến nhà khoa học
Các bức tường trong căn phòng nhỏ ngập nắng của GS Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - treo kín bằng khen và huân chương, với nhiều huân chương kháng chiến.
Bằng giọng trầm ấm đậm chất Quảng Nam, nhà khoa học 85 tuổi cho biết cuộc đời ông có sự gắn kết lạ kỳ giữa đời lính và đời nghiên cứu, bởi cơ duyên đặc biệt: “Trước đây, tôi là bộ đội ở chiến trường miền Nam, rồi tham gia chiến đấu cùng các bạn Lào, hầu như đều ở trong rừng. Tôi thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Hết ngày này qua tháng khác, rừng che chở bộ đội chúng tôi, cung cấp thức ăn, nước uống. Vậy nên tình yêu và sự gắn bó của tôi đối với rừng tự nhiên như máu thịt, như hơi thở”.
Yêu rừng nên ông chọn gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường sau khi xuất ngũ. “Tôi biết trước chọn nghề này là chọn gian khổ. Bởi vì muốn nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng hay dưới biển đều phải lăn lộn thực tế. Đến nay, cả 63 tỉnh, thành và hầu hết các hải đảo của đất nước tôi đều đã đặt chân tới” - GS Huỳnh chia sẻ.
Cái thời trẻ trai đó, mỗi chuyến đi rừng của ông thường kéo dài 2-3 tháng. Nhà khoa học luôn phải vác theo hàng chục cân hành lý gồm thiết bị phục vụ nghiên cứu, ngô, gạo và tư trang. Để nghiên cứu về động vật, ông thường xuyên phải đi vào ban đêm, lúc không có trăng nên đã không ít lần đối mặt với nguy hiểm.
Giáo sư - tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: Châu Long
“Từng bị thương khi đi đánh giặc và đã vượt qua nên tôi nghĩ những khó khăn trong nghiên cứu cũng giúp bản thân rèn luyện để trưởng thành hơn. Tôi xác định nhiệm vụ của mình là nghiên cứu, phát hiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chỉ cần việc gì có lợi cho dân, cho nước là tôi kiên quyết làm. Vậy nên mỗi lần nghiên cứu ra cái gì có lợi cho dân hay hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao, tôi đều rất sung sướng” - GS Huỳnh tâm sự.
Với tinh thần đó, từ những năm 80 của thế kỷ trước, dựa trên nền tảng sinh thái học, GS Huỳnh đã nghiên cứu và thử nghiệm nhân nuôi thành công một số loài động vật có giá trị kinh tế cao như nai, hươu sao, nhím, ba ba, ếch... Từ đó, ông xây dựng thành quy trình chăn nuôi hợp lý cho một số địa phương áp dụng trong chương trình xóa đói giảm nghèo. “Đến nay, tôi vẫn tham gia hoạt động trong ngành môi trường và đa dạng sinh học vì đó là cuộc đời của tôi” - ông nói.
Dùng lương hưu bảo vệ cây
Với tình cảm lớn và sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, GS Huỳnh luôn quan niệm rằng các loài động, thực vật cũng giống như con người, cũng có một thế giới riêng với nhiều chức năng quan trọng, có vai trò riêng trong sự cân bằng sinh thái. Do đó, ông đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, hỗ trợ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2010, cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam”, “Sách đỏ” và “Danh lục đỏ Việt Nam” của ông và các cộng sự đã hoàn thành và được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ 2 năm sau đó. Nhà khoa học này cũng có nhiều đóng góp trong việc đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng Luật Bảo vệ, phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học.
Cũng chính tình yêu với thiên nhiên thúc đẩy vị giáo sư già tóc bạc trắng lặn lội với những chuyến đi để bảo tồn cây di sản. Chỉ trong vòng 7 năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, ông cùng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật đã giúp 2.700 cây được chứng nhận là cây di sản.
GS Huỳnh tâm sự: “Hà Nội có rất nhiều cổ thụ và các địa phương khác cũng vậy. Khi chưa có công nhận cây di sản, nhiều nơi bà con chưa hiểu hết giá trị của chúng nên đã chiếm dụng không gian sống của cây để xây dựng, bán hàng, đậu xe, hoặc đóng đinh lên cây để treo biển quảng cáo, thậm chí chặt bán cây cổ thụ. Thực trạng đó khiến chúng tôi thấy phải có hành động cụ thể để cứu cây cổ thụ trong cả nước”.
Chi phí để tham gia hoạt động bảo vệ cây ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước (như xăng xe, chi phí đi lại, ăn ở), GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh thường lấy từ lương hưu của mình và ông thỏa mãn với phần thưởng là sự hưởng ứng của cộng đồng đối với phong trào này, là ngày càng có nhiều cây di sản Việt Nam được bảo vệ. Ông kể: “Với các tỉnh gần như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, tôi đi xe máy cùng đoàn để tiết kiệm chi phí. Mưa cũng đi, nắng cũng đi, mùa đông rét mướt vẫn dậy từ 4 giờ sáng để đi”.
Trăn trở lớn nhất của ông hiện nay là nhiều dự án đang triển khai theo hướng nặng về kinh tế và nhẹ về môi trường, đa dạng sinh học, dẫn đến những sự cố mà mọi người đã biết. “Tôi rất lo về việc chặt cây rừng để trồng tiêu, càphê. Về kinh tế thì nó mang lại lợi ích, nhưng đó là biểu hiện của sự thiếu quy hoạch, chưa xác định được với mỗi vùng nên phát triển cây gì cho hợp lý. Không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế mà phải có chiến lược dài hạn để có một nền kinh tế bền vững” - GS Huỳnh khẳng định.
GS- TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Hưng, tỉnh Quảng Nam; bảo vệ luận án tiến sỹ tại Viện Tiến hóa hình thái sinh thái động vật, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông thành thạo 4 ngoại ngữ gồm Anh, Nga, Pháp, Lào. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam.
Ông có 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật... Trong suốt quá trình hoạt động khoa học, GS Huỳnh phụ trách nhiều chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nhiều đề tài cấp nhà nước và các chương trình hợp tác quốc tế. |