Mặc dù công nghệ in 3D đã có mặt trong khá nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, từ y khoa, mỹ nghệ, thời trang, kiến trúc, cơ khí đến giáo dục… nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng vẫn chủ yếu mang tính chất thử nghiệm.

Cái quan trọng nhất còn thiếu để đẩy mạnh công nghệ sản xuất mang tính cách mạng này không phải trình độ kỹ thuật mà là chuỗi giá trị để đưa vào ứng dụng.

Ứng dụng trải rộng

Sau hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam, thành tựu nổi bật nhất được ghi nhận của công nghệ in 3D là việc “in” mảnh sọ bằng methyl methacrylate để vá lỗ thủng trên đầu một bệnh nhân 17 tuổi ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vào đầu năm 2016. Kỹ thuật in 3D tạo ra miếng ghép có độ chính xác cao về hình dáng, kích thước, giúp tối ưu hiệu quả điều trị và thẩm mỹ.

Độ chính xác tuyệt đối của in 3D cũng đã được các doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ tận dụng. Ông Đặng Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng Ngọc Thanh, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TPHCM - đã tìm tới công nghệ này từ năm 2014 để tạo sản phẩm mẫu. “Nếu đắp mẫu bằng tay thì khi sang mẫu thứ hai đã có sự chênh lệch, trong khi với máy in 3D, chúng ta có thể tạo ra những mẫu vật giống hệt nhau, chính xác đến từng chi tiết nhỏ” -
ông Thanh chia sẻ.

Máy in 3D của Công ty TNHH Gactech đang in sản phẩm bằng vật liệu nhựa carbon. Ảnh: Lê Loan
Máy in 3D của Công ty TNHH Gactech đang in sản phẩm bằng vật liệu nhựa carbon.
Ảnh: Lê Loan

Từ thực tế kinh doanh, ông Nguyễn Quý Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH 3DMAN Việt Nam, Hai Bà Trưng, Hà Nội - cho biết hiện in 3D đã được nhiều đơn vị sản xuất quan tâm: “Chẳng hạn, tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Sunhouse nếu muốn đưa ra một sản phẩm nồi cơm điện mới thường mất khoảng 1 tháng, tốn 30-50 triệu đồng cho công đoạn tạo sản phẩm mẫu để đánh giá màu sắc, kích thước, kiểu dáng, công năng... trước khi quyết định có sản xuất hàng loạt hay không; còn nếu in 3D, họ chỉ tốn 3 ngày và 3-5 triệu đồng cho một mẫu nồi thử nghiệm. Độ chính xác của in 3D cao gấp 5 lần phương pháp tạo mẫu truyền thống và vượt trội về độ uốn, độ cong, zigzag”.

Công nghệ in 3D cũng giúp các doanh nghiệp cá thể hóa từng dòng sản phẩm, thậm chí từng sản phẩm mà không quá tốn kém, giảm chi phí tạo mẫu, từ đó giảm chi phí và thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và độ khó của sản phẩm.

In 3D cũng đã được ứng dụng trong nghiên cứu, giáo dục như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường THPT thực nghiệm Hà Nội, Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội... Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội - đã dùng thiết bị này trong việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị vi cảm biến.

Một số trường như Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu... đã đầu tư máy in 3D. Cô Nguyễn Bích Huyền - giáo viên trường Tạ Quang Bửu - chia sẻ: “Máy in 3D có thể giúp giáo viên tạo mô hình mẫu vật hóa thạch trong môn lịch sử, mẫu các bộ phận cơ thể trong môn sinh học, mẫu hình học, đồ thị trong môn toán... hoặc giúp học sinh in thiết kế của các em về mô hình nguyên tử, phân tử, các mẫu hình học, sản phẩm nghệ thuật hay sản phẩm ứng dụng trong các môn STEM...”.


Vẫn mang tính thử nghiệm

Theo ông Nguyễn Quý Ngọc, in 3D tuy đã được ứng dụng trong khá nhiều ngành nghề nhưng vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu. “Công nghệ này có khả năng ứng dụng rất lớn về kim hoàn, nhưng không hiểu sao các công ty thuộc lĩnh vực này vẫn chưa đầu tư” - ông Quý băn khoăn.

Khái quát về tình hình phát triển công nghệ in 3D ở Việt Nam, tiến sỹ (TS) Nguyễn Minh Triển - Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác phát triển, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: “Phần lớn các công ty in 3D ở Việt Nam nhập khẩu giải pháp và thiết bị có sẵn để đáp ứng nhu cầu sản xuất/ dịch vụ và bước đầu tìm kiếm, xây dựng thị trường. Về mặt công nghệ, chúng ta mới chỉ chế tạo được các máy CNC (máy gia công từ hình 3D trên máy tính) và máy in 3D có độ chính xác thấp, in các vật thể không quá lớn. Nguyên liệu in 3D thì chúng ta phải nhập khẩu chứ chưa tự sản xuất được”.

Về mặt sử dụng, ông Triển cho biết hiện máy in 3D chủ yếu được dùng làm sản phẩm mẫu cho các startup, viện nghiên cứu để phát triển ý tưởng, hay chế tạo các linh kiện đơn giản theo yêu cầu. Một số cơ sở sản xuất đã sử dụng máy in 3D có độ phân giải cao để tạo khuôn đúc.

Còn TS Nguyễn Việt Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ Vinasa, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - nhận xét: “Hiện nay, một số đơn vị trong nước đã dùng in 3D cho nhiều mục đích, nhưng việc ứng dụng chủ yếu mang tính chất thử nghiệm. Sản phẩm chủ yếu làm từ nhựa vì các nguyên liệu khác và máy in có thể sử dụng chúng còn đắt, chưa được nhập nhiều”.

Cánh tay điều khiển bằng suy nghĩ được hình thành từ công nghệ in 3D của Công ty TNHH 3D Master. Ảnh: Lê Loan
Cánh tay điều khiển bằng suy nghĩ được hình thành từ công nghệ in 3D của Công ty TNHH 3D Master. Ảnh: Lê Loan

Lý giải điều này, ông Hải cho rằng, bản chất in 3D là ngành sản xuất phục vụ theo nhu cầu; nếu bám được vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất thì sẽ có điều kiện mở rộng, nếu không, các sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở mức kiểm chứng, demo...

Để tiếp cận được thị trường thì phải tìm và tạo ra chuỗi giá trị trước, nghĩa là phải thiết kế ra sản phẩm được xã hội quan tâm rồi mới dùng in 3D như một công cụ hiệu quả để tạo sản phẩm đó.

Cũng lý giải nguyên nhân in 3D chưa phát triển ở Việt Nam, TS Triển đề cập tới vấn đề đầu tư và tư duy giáo dục: “Đó là do chúng ta chưa đầu tư thỏa đáng cho khoa học cơ bản để hướng tới mục tiêu có sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, tư duy giáo dục còn thiếu tính đổi mới sáng tạo, startup chủ yếu là bắt chước nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm chứ chưa đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, khai phá thị trường mới”.

Về giải pháp đẩy mạnh in 3D, ông Nguyễn Quý Ngọc cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ về sức mạnh, vai trò của công nghệ này trong thời đại mới, thay đổi tâm lý ngại áp dụng cái mới vào sản xuất; tìm cách tự sản xuất máy in 3D để hạ giá thành. “Các trường đại học cần đào tạo môn thiết kế 3D. Hiện nay, việc dạy môn này còn khá sơ sài khiến sinh viên sau tốt nghiệp phải học thêm nhiều mới làm việc được”.

Nói về vai trò của Nhà nước trong việc phát triển ứng dụng in 3D, TS Hải cho rằng: “Thực ra nền sản xuất là của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ nên tạo ra những cú hích bằng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chứ không nên trực tiếp đầu tư vào”.