Đó là những cảnh báo mạnh mẽ chống lại tình trạng lạm dụng lý tính và khuynh hướng duy khoa học trong nghiên cứu xã hội, bắt chước một cách mù quáng cách tiếp cận trong nghiên cứu thế giới tự nhiên.

Đầu thế kỷ 19, giới học giả hầu như đã được giải phóng hoàn toàn khỏi những hạn chế và cấm kỵ của thần thoại và mê tín tôn giáo Trung cổ. Kiến thức về thế giới vật chất có những bước phát triển nhảy vọt. "Cuộc cách mạng công nghiệp", với nhiều phát minh mới, đã cải thiện đáng kể sức sản xuất, thông tin liên lạc và giao thông vận tải. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc cố gắng áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý, vào hầu hết mọi ngành học đã trở thành mốt thời thượng. Tuy nhiên, chúng lại hoàn toàn không phù hợp với các nghiên cứu về hành vi và hoạt động của con người và xã hội. Giải thích tại sao lại như vậy là chủ đề chính trong cuốn sách nổi tiếng của học giả người Anh gốc Áo F.A. Hayek (1899-1992, Nobel Kinh tế 1974) - Cuộc cách mạng ngược trong khoa học - Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính.

F.A Hayek
F.A Hayek (1899-1992). Nguồn: adamsmith.org

Phần quan trọng nhất của cuốn sách là phần viết về chủ nghĩa duy khoa học (scientism), hay như cách mà Hayek đã phát biểu, là sự áp dụng sai lệch và khiên cưỡng các phương thức tư duy được áp dụng trong nghiên cứu các hiện tượng vật lý vào nghiên cứu xã hội.

Đặc trưng nổi trội của khoa học tự nhiên là "tính khách quan", tức là việc phân loại các sự vật theo những tác động qua lại của chúng, bất kể việc chúng có thể mang ý nghĩa chủ quan như thế nào đối với mỗi người trong chúng ta. Ở chiều ngược lại, toàn bộ quan điểm trong các nghiên cứu về hành vi xã hội nằm trọn trong ý nghĩa nội tại của các hiện tượng được nghiên cứu. Hayek nhấn mạnh: "[...] Chẳng thể định nghĩa một "hàng hóa" hay "mặt hàng kinh tế", "thực phẩm" hay "tiền tệ" dưới góc độ vật lý mà chỉ có thể định nghĩa dưới góc độ thuộc về quan điểm của những người bận tâm đến chúng." Thí dụ, những phân tích về bản chất vật lý của tiền polymer hay tiền kim loại sẽ không bổ sung gì thêm cho hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa xã hội của tiền tệ.

Theo một nghĩa nào đó, hai lĩnh vực nghiên cứu - khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - được tiến hành theo hai chiều ngược nhau - nếu như phương pháp nghiên cứu căn bản trong khoa học tự nhiên là "phân tích", thì trong khoa học xã hội lại là "tổng hợp" hay tổ hợp. Nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên tiến hành phân tích để khám phá các yếu tố cấu thành ra các sự vật mà anh ta đang nghiên cứu; trong khi nhà nghiên cứu khoa học xã hội bắt đầu với các yếu tố tương tác xã hội có thể quan sát và thấu hiểu để rồi tiến hành xây dựng các sơ đồ lý thuyết về hệ thống xã hội.

Và như vậy, bằng những cách thức nêu trên, nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên được trao cho những sự vật "toàn thể" và anh ta phải tìm hiểu xem chúng được tạo nên từ những thành phần nào; trong khi đó nhà nghiên cứu khoa học xã hội lại được trao cho các "bộ phận" của sự vật và anh ta phải đi xây dựng "cái toàn thể".

Lỗi lầm lớn nhất của "chủ nghĩa duy khoa học" đến từ việc không nhận ra sự khác biệt cơ bản này. Điển hình là kiểu nhận định sau đây của Auguste Comte (1798-1857), cha đẻ của xã hội học: "[…] giống như trong ngành sinh vật học, khi con người và xã hội là đối tượng nghiên cứu chính… hiển nhiên là tổng thể của đối tượng nghiên cứu sẽ được nắm bắt rõ ràng hơn và dễ dàng hơn hơn so với việc nghiên cứu các bộ phận của đối tượng."

Ảnh: TG
Ảnh: TG

Tuy nhiên trên thực tế, đối với những nhà nghiên cứu khoa học xã hội, không bao giờ có sự hiện diện của cái gọi là "xã hội tổng quan" trước mắt để anh ta có thể mổ xẻ, phân tích hay thao túng nó, đơn giản bởi vì một "thứ" như vậy thực sự không tồn tại. Tất cả những gì chúng ta "có" được là các tương tác của những cá nhân và những tương tác theo những cách hoàn toàn bất ngờ này đã tạo ra những kết quả ngoài ý muốn. Nhiệm vụ của nhà khoa học xã hội là tích hợp những quy luật mà anh ta có thể phát hiện vào trong một hệ thống lý thuyết. Cái hệ thống lý thuyết ấy chỉ đủ vững vàng và có tuổi thọ dài lâu nếu sự tương tác giữa vô số các cá nhân trong xã hội tạo ra những cấu trúc với một trật tự có tính bền vững. Do đó, nhà khoa học cần hiểu rõ phạm vi cũng như khoảng thời gian tối đa để có thể áp dụng lý thuyết của mình, loại trừ trường hợp tương tác giữa một số cá nhân trong xã hội không tạo ra trật tự hoặc tạo ra một trật tự không có tính bền vững. Và còn một câu hỏi quan trọng hơn: giả sử chúng ta có thể khám phá trật tự sinh ra bởi sự tương tác tự phát của một số người, liệu chúng ta có thể thay đổi nó không?

Từ việc phê phán chủ nghĩa duy khoa học, Hayek giúp độc giả nhận ra sự bất khả thi của việc mong muốn xây dựng một nền kinh tế tập trung và kế hoạch hóa và cũng như cái mong ước tạo ra các thể chế xã hội vận hành theo những thiết kế có sẵn. Những mong muốn này bắt nguồn từ niềm tin rằng xã hội có thể được phân tích và lập kế hoạch bằng các phương pháp khoa học vật lý: quan sát, thử nghiệm và đo đạc. Những người theo đuổi ý tưởng này đã không nhận ra sự khác biệt quan trọng giữa các phương pháp khoa học vật lý và khoa học xã hội. Khi làm như vậy, họ đã bỏ qua vai trò của các cá nhân và ý tưởng, giá trị và mục tiêu của họ. Và quan trọng hơn, họ cũng bỏ qua một nguyên lý vô cùng quan trọng: sự vận động và thay đổi không ngừng của mọi xã hội và các nền văn minh.

Trong Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, Hayek cũng giải thích nguồn gốc của các thể chế xã hội như thị trường, giá cả, tiền tệ, ngôn ngữ, v.v. Ông nhấn mạnh bản thân xã hội, vốn mang lại nhiều lợi ích cho từng thành viên, không phải là một đối tượng với một cấu trúc cứng nhắc, được hoạch định sẵn hoặc được thiết kế theo một khuôn mẫu của một vài cá nhân nào đó. Những ý tưởng và hành động riêng biệt, độc lập, có chủ ý và tự nguyện của từng cá nhân đã vô tình dẫn đến sự hình thành một tập hợp tất cả những yếu tố liên kết, đan xen và không ngừng tác động lẫn nhau mà ta gọi là một "tổng thể xã hội". Và những thay đổi đang không ngừng diễn ra sẽ đóng vai trò thúc đẩy cái " tổng thể xã hội" đó chuyển đổi từ một trạng thái này sang một trạng thái nào đó rất khác trong tương lai. Những ai muốn cải cách xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội cần học cách đánh giá cao vai trò của tự do trong sự phát triển của các thể chế xã hội hữu ích, điều luôn vắng mặt trong các quy hoạch xã hội được các môn đồ của trường phái duy khoa học dày công thiết kế và cố gắng áp đặt lên xã hội.

Hayek viết Cuộc cách mạng ngược trong khoa học trong những năm tháng khốc liệt nhất của Thế chiến II với mong muốn làm sáng tỏ một sự thật hiển nhiên: sự hữu hạn bẩm sinh của tâm trí con người. Dựa trên nền tảng mang đậm tính triết học - với nghĩa là một "tầm nhìn về thế giới", Hayek đã kiên trì xây dựng hệ thống phương pháp luận để chống lại khuynh hướng bắt chước một cách mù quáng cách tiếp cận trong nghiên cứu thế giới tự nhiên. Ông khẩn thiết yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học xã hội hãy ghi nhớ điều này để có thể đem tới những đóng góp tích cực cho sự phát triển nền văn minh nhân loại, thay vì tham gia vào việc phá hủy nó.