Nhà sinh vật học Roger S. Payne là người đã phát hiện những khúc ca của cá voi. Ông đã thu âm lại những tiếng kêu này, tổng hợp thành một album về môi trường bán chạy nhất trong lịch sử, khơi dậy phong trào “Bảo vệ cá voi”, dẫn tới lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại ở cấp quốc gia và quốc tế.

Roger S. Payne (1935-2023). Nguồn:nytimes
Roger S. Payne (1935-2023). Nguồn:nytimes

Roger Searle Payne sinh ngày 29/1/1935 tại Manhattan. Ông lấy bằng cử nhân sinh học Harvard vào năm 1956, và hoàn tất chương trình tiến sĩ về hành vi động vật tại Đại học Cornell năm 1961.

Vào đầu những năm 1960, tiến sĩ Payne là chuyên gia về sâu bướm, ông chưa bao giờ nhìn thấy cá voi. Vào thời điểm công tác tại Đại học Tufts, ông đã nghe thấy đài phát thanh địa phương đưa tin về xác cá heo chuột dạt vào bờ biển Massachusetts và lái xe tới đó. Trên bãi biển vắng tanh, ông đã thấy một sinh vật dài hơn 2 mét, với những đường cong tinh tế lấp lánh trong mưa lạnh. Thân xác cá đã bị những kẻ hiếu kì cắt xẻo. Ai đó đã cắt mất cặp đuôi. Hai người khác đã khắc sâu các chữ cái đầu trong tên của họ vào hai bên thân cá, và người nào đó đã nhét đầu thuốc lá vào lỗ phun nước của sinh vật tội nghiệp này. Payne đã lấy đầu thuốc lá ra và đứng lặng ở đó, với những cảm xúc ông không thể diễn tả. Vào lúc ấy, săn bắt cá voi là hành động được tiến hành ráo riết và đã đẩy nhiều loài cá voi tới bờ tuyệt chủng. Trải nghiệm này đã thúc đẩy Payne tìm hiểu về sinh vật huyền thoại của đại dương và tìm cách tác động lên số phận của chúng.

Trong quá trình tìm hiểu, ông được nghe âm thanh của cá voi do nhà cổ sinh vật học người Mỹ nổi tiếng William Schevill thu âm lại. Một người bạn đã gợi ý rằng ông sẽ có cơ hội nhìn ngắm và nghe tiếng cá voi trực tiếp ở Bermuda. Tại đây, vào lúc cao trào của Chiến tranh Lạnh, có một kỹ sư hải quân là Frank Watlington khiđang theo dõi hoạt động của tàu ngầm Liên Xô ngoài khơi Bờ biển phía Đông bằng micro dưới nước, thì phát hiện một nguồn âm thanh dưới đáy biển có những khuôn mẫu nhất định, kéo dài tới 30 phút.

Âm thanh này bắt nguồn từ cá voi. Những chuỗi âm sau đó đã được Payne xác định là các khúc hát, do những con cá voi đơn ca hoặc đồng ca. Đôi khi, các bài hát này có thể nghe được trong phạm vi hàng ngàn dặm trên đại dương. Payne cùng đồng nghiệp là nhà nghiên cứu Scott McVay đã xác nhận vào năm 1967 rằng các con cá voi lưng gù thực sự đã hát lên bản hợp xướng “bất tận và đầy sôi nổi”.

Bìa album Songs of the Humpback Whale.
Bìa album Songs of the Humpback Whale.

Ông đã dùng máy quang phổ âm thanh để phân tích bản thu âm cùng với các cộng sự, gồm người vợ trước kiêm đồng nghiệp là bà Katharine Boynton Payne (hay còn gọi là Katy), ông McVay và kỹ sư Frank Watlington. Cùng nhau, họ đã ký âm lại giai điệu du dương và nó trông như một bản nhạc phổ điện tử vậy. Trên tạp chí Science năm 1971, ông viết rằng các con cá voi lưng gù “tạo ra một chuỗi âm thanh đẹp đẽ với vô vàn sắc thái trong quãng thời gian từ 6 tới 30 phút rồi lặp lại cùng chuỗi đó với độ chính xác đáng kể”.

Song, làm thế nào và vì sao, hay liệu đây có phải là cách những con cá voi giao tiếp với nhau không vẫn là một bí ẩn. Cá voi không có thanh quản, vì thế dường như chúng tạo ra âm thanh bằng cách đẩy không khí từ phổi qua khoang mũi. Nhất là các con cá voi lưng gù đực chỉ tạo ra những âm thanh này trong mùa sinh sản. Payne đã tập hợp chúng thành một album có tên là “Songs of the Humpback Whale” (Khúc ca của cá voi lưng gù). Album này đã lọt vào bảng xếp hạng Billboard 200 và ở trên đó nhiều tuần vào năm 1970, ban đầu đã bán được hơn một trăm nghìn bản. Danh sách bài hát bao gồm “Solo Whale,” “Slowed- Down Solo Whale,” “Tower Whales,” “Distant Whales” and “Three Whale Trip”. Một số giai điệu của cá voi đã được ca sĩ Judy Collins kết hợp trong một ca khúc thuộc album “Whales và Nightingales” của bà. Ca sĩ nhạc dân gian kiêm nhà hoạt động xã hội Pete Seeger đã lấy cảm hứng từ những làn điệu này để viết nên ca khúc “Song of the World’s Last Whale”. Và dàn nhạc giao hưởng New York đã biểu diễn tác phẩm “And God Created Great Whales”, do Alan Hovhaness biên soạn và kết hợp các bài ca của cá voi, nó “mang những âm hưởng của sự diệt vong sinh thái và thông điệp không lời từ quá khứ nguyên thủy của chúng ta”.

Vào năm 1977, khi NASA phóng tàu Voyagers 1 và 2 để thăm dò những nơi xa xăm trong hệ mặt trời, các khúc ca của cá voi lưng gù đã được đưa vào vũ trụ, lưu trong các đĩa hát để bất kỳ người ngoài hành tinh nào cũng có thể bật lên với một cây kim đĩa than.

Album này đã thu hút được sự chú ý của công chúng, Payne đã kết hợp nghiên cứu khoa học đầy lôi cuốn cùng với sức mạnh khuấy động cảm xúc của âm nhạc để thổi bùng lên một trong những chiến dịch bảo tồn động vật có vú thành công nhất trên thế giới. Ông đã dùng giọng hát của cá voi để chống lại sự đàn áp của Quốc hội về săn bắt cá voi vì mục đích thương mại vào những năm 1970. Chiến dịch này còn thành công hơn nữa, tới mức các nước thành viên tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường Con người đã thông qua lệnh cấm săn bắt cá voi vì mục đích thương mại trong thời hạn 10 năm trên phạm vi toàn cầu vào năm 1982.

Vào năm 1971, Payne thành lập Liên minh Đại dương, một tổ chức nghiên cứu và vận động chính sách, có mục tiêu bảo vệ các loài cá voi cùng môi trường sống của chúng. Ông là phó giáo sư về sinh học tại Đại học Rockefeller, nhà động vật học nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn và Sinh học Thực địa thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã. Ông cũng là giám đốc khoa học tại Quỹ cá voi của hiệp hội cho tới năm 1983. Ông được nhận giải thưởng của Quỹ MacArthur, tước hiệp sĩ ở Hà Lan, là thành viên danh dự của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên…

Không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học, ông còn là tác giả của một số cuốn sách, gồm “Among Whales” (Giữa đàn cá voi) vào năm 1995, đồng thời sản xuất và dẫn chuyện trong sáu bộ phim tài liệu, nổi bật là bộ phim “Whales: An Unforgettable Journey” (Cá voi: Một hành trình không thể nào quên) vào năm 1996. Gần đây, ông đã đồng ý làm cố vấn chính cho Dự án sáng kiến dịch thuật cho động vật có vú ở biển (CETI), được thành lập vào năm 2020 với mục tiêu là dịch những âm thanh giao tiếp của cá nhà táng.

Chỉ năm ngày trước khi qua đời, ông đã đăng trên tạp chí Time một bài luận với tiêu đề “I Spent My Life Saving the Whales. Now They Might Save Us” (Tôi đã dành cả đời để cứu cá voi. Giờ đây chúng có thể cứu chúng ta). Trong bài, ông bày tỏ: “Khi thời gian cạn kiệt dần, tôi hy vọng rằng con người trên toàn thế giới có đủ khôn ngoan và khả năng thích nghi để đặt việc bảo vệ những loài sinh vật khác ở đúng chỗ: trên đầu danh sách những công việc quan trọng nhất chúng ta phải làm. Tôi tin rằng khoa học có thể giúp chúng ta sống sót sau những hành động điên rồ của mình”. Đồng thời cũng cảnh báo sự sống còn của loài người sẽ chịu tổn hại trừ phi chúng ta “nỗ lực bảo vệ mọi loài sinh vật, hiểu rõ rằng nếu chúng ta không cứu đủ những loài thiết yếu, thì loài người chẳng có tương lai”.

Để theo đuổi những nỗ lực này, ông viết, xã hội phải chú ý tới những giọng nói khác – của cả những sinh vật không phải con người, như cá voi – và lắng nghe “điều gì khiến chúng yêu, sợ, khát vọng, né tránh, ghét bỏ và trân trọng” trong khi đối đầu với những mối đe dọa như biến đổi khí hậu.

“Năm mươi năm trước, mọi người đã yêu mến những khúc ca của cá voi lưng gù, và đồng tâm hiệp lực để thúc đẩy phong trào bảo tồn toàn cầu. Giờ là lúc chúng ta một lần nữa lắng nghe cá voi – và lần này, hãy lắng nghe với lòng cảm thông và sáng tạo để có thể hiểu được chúng”.

Roger S. Payne qua đời tại nhà vào ngày 10/6/2023, thọ 88 tuổi.