Thông tin về loài cá cóc Tylototriton ngoclinhensis vừa được các nhà khoa học công bố trên tạp chí ZooKeys.
Loài cá cóc mới được phát hiện. Ảnh: GS.TS Nguyễn Thiên Tạo
“Đây là một phát hiện đặc biệt vì loài cá cóc này là một trong những loài có màu sắc sặc sỡ nhất trong chi
Tylototriton. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận một loài cá cóc ở Tây Nguyên, Việt Nam. Trước đây, phạm vi phân bố đã biết của loài này là từ 250 - 1.740m. Do đó, phát hiện mới đã lập kỷ lục về độ cao phân bố của chi
Tylototriton khi loài cá cóc mới được tìm thấy ở độ cao từ 1.800 - 2.300m so với mực nước biển”, ông Phùng Mỹ Trung - người phát hiện và cũng là tác giả thứ nhất của nghiên cứu
cho biết.
Không chỉ vậy, khám phá mới này của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Vườn thú Cologne (Đức) cũng đại diện cho phạm vi phân bố xa nhất về phía nam của chi Tylototriton cho đến nay. Môi trường sống của loài mới nằm cách quần thể gần nhất khoảng 370km, khiến cho phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng về mặt tiến hóa và địa lý động vật học.
Cá cóc, có tên khoa học là Tylototriton, bao gồm gần 40 loài sinh sống ở các khu vực rừng núi trên khắp vùng khí hậu gió mùa châu Á. Đáng chú ý, 15 loài trong số này đã được mô tả trong 5 năm qua, và vẫn còn một số loài chưa được đặt tên - bao gồm các loài bí ẩn khó phân biệt về mặt hình thái. Loài cá cóc mới được phát hiện là đơn vị phân loại kỳ giông thứ tám được mô tả ở Việt Nam, và là loài Tylototriton thứ ba mươi chín được chính thức công nhận.
Cái tên "ngoclinhensis" của loài cá cóc mới được dùng để chỉ nơi xuất hiện của chúng: núi Ngọc Linh. Hiện nay, loài cá cóc Ngọc Linh mới chỉ được phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên.
Được thành lập từ năm 1986, Khu bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh là khu vực đa dạng sinh học quan trọng đối với các loài quý hiếm như Mang Trường Sơn và Khướu cánh vàng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Theo các nhà nghiên cứu, cá cóc Ngọc Linh sẽ là một đại diện tiêu biểu mới của khu vực bảo tồn này cũng như môi trường xung quanh.
Cho đến nay, Ngọc Linh đã trở thành một điểm nóng về đa dạng sinh học lưỡng cư với rất nhiều loài đặc hữu. Một nghiên cứu trước đây cũng đã nêu bật tỷ lệ đặc hữu đặc biệt của các loài lưỡng cư ở Tây Nguyên.
“Tây Nguyên là nơi ghi nhận tính đa dạng loài lưỡng cư cao nhất ở Việt Nam với 130 loài, đồng thời cũng là nơi có số lượng loài lưỡng cư đặc hữu siêu nhỏ cao nhất trong khu vực, với 26 loài”, GS.TS Nguyễn Quảng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - giải thích.
Phát hiện về loài cá cóc mới đã một lần nữa "chứng minh rằng Tây Nguyên đóng một vai trò đặc biệt trong quá trình đa dạng hóa và tiến hóa của loài lưỡng cư Việt Nam," TS. Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) - đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Giải pháp bảo tồn trước mắt
Cá cóc Ngọc Linh thuộc nhóm các loài có phạm vi sinh sống hạn chế, được gọi là loài đặc hữu siêu nhỏ, phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do có quy mô quần thể khiêm tốn. Và thật không may, ngoài hoàn cảnh địa lý động vật học đặc biệt và sự quý hiếm của mình, vẻ ngoài sặc sỡ còn có thể sẽ khiến chúng “lọt vào tầm ngắm” của những người sưu tập động vật quý hiếm bất hợp pháp.
Loài cá cóc mới có màu sắc sặc sỡ. Ảnh: GS.TS Nguyễn Thiên Tạo
“Do đó, phát hiện này có ý nghĩa rất lớn về mặt bảo tồn”, GS.TS Nguyễn Thiên Tạo (Viện Nghiên cứu hệ Gene, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, loài mới này nên tạm thời được coi là có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa. Tất cả các loài thuộc chi Tylototriton trước đây đã được liệt kê trong các Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và cả trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, loài mới sẽ được tự động bảo vệ theo các quy định này khi được xếp vào Sách đỏ.
Hiện tại, các hoạt động bảo tồn tại chỗ đang được ưu tiên, nhưng nhóm các nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu các biện pháp bảo tồn giống, phù hợp với Phương pháp tiếp cận Một kế hoạch về bảo tồn. Đây là phương pháp tiếp cận do Nhóm chuyên gia lập kế hoạch bảo tồn của IUCN phát triển, trong đó kết hợp các nỗ lực bảo tồn nguyên vị (in-situ) và chuyển vị (ex-situ) với các chuyên môn khác nhau để bảo vệ tối ưu một loài.
“Phương pháp này đã được thực hiện thành công đối với một loài cá cóc siêu nhỏ đặc hữu khác được phát hiện gần đây ở Việt Nam là loài
Tylototriton vietnamensis, trong đó có hơn 350 cá thể có thể đã được sinh sản thành công tại Vườn thú Cologne ở Đức và cả tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh ở Việt Nam. Đây là một ví dụ đầy hứa hẹn cho chiến dịch ‘Đảo ngược danh sách đỏ’ (Reverse the Red) của IUCN và ý tưởng về vườn thú bảo tồn", GS. TS Thomas Ziegler - thành viên nhóm bảo tồn Việt Nam và điều phối viên của Vườn thú Cologne (Đức)
cho biết.