Các cầu thủ trên sân thi đấu thường xuyên súc miệng bằng dung dịch carbohydrate trong thời gian ngắn và nhổ ra ngoài để tăng hiệu suất hoạt động.
Những người đang theo dõi sát sao Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2022 (World Cup 2022) tại Qatar có thể nhận thấy các cầu thủ đôi khi tiến hành những hành động kỳ lạ: Họ sẽ uống một ngụm chất lỏng trong thời gian trận thi đấu bị gián đoạn. Nhưng thay vì nuốt, họ sẽ nhổ ra ngay trên sân.
Thật vậy, cả tiền đạo Harry Kane của đội tuyển Anh hay ngôi sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo đều bị bắt gặp phun chất lỏng ra khỏi miệng trong các trận đấu, theo The New York Times.
Cầu thủ Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha súc miệng và nhổ đồ uống ra ngoài. Ảnh: Hector Vivas
Các cầu thủ hiếm khi chia sẻ những bí quyết liên quan đến việc tập luyện và thi đấu, do đó không có nhiều người biết đến loại đồ uống mà họ sử dụng trên sân bóng.
Vậy hành động súc miệng của các cầu thủ mang lại lợi ích gì?
Các cầu thủ có thể đang sử dụng một kỹ thuật gọi là “súc miệng bằng carbohydrate”. Kỹ thuật này liên quan đến việc súc miệng dung dịch carbohydrate từ 5 đến 10 giây rồi nhổ ra ngoài, trong đó carbohydrate là các chất dinh dưỡng đa lượng chứa ba nguyên tố carbon, hydro và oxy. Thành phần carbohydrate có trong trái cây, ngũ cốc, rau và các sản phẩm từ sữa. Carbohydrate cung cấp nhiên liệu cho hệ thống thần kinh trung ương và năng lượng để cơ bắp hoạt động.
Công ty Unit Nutrition có trụ sở tại New York (Mỹ) là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng bán nước súc miệng chứa carbohydrate trên thị trường.
Mặc dù việc các cầu thủ súc miệng bằng carbohydrate ngay trên sân có vẻ hơi thô thiển, nhưng một số nghiên cứu cho thấy hành động này giúp họ tăng hiệu suất hoạt động với cường độ cao trong khoảng một giờ.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí Nutrients vào năm 2014, các nhà khoa học tại Đại học Liên bang Pernambuco (Brazil) đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá. Họ phân tích dữ liệu của 11 nghiên cứu trước đây về kỹ thuật súc miệng bằng carbohydrate. Họ phát hiện việc bổ sung carbohydrate cũng giúp cải thiện thành tích trong các hoạt động như đạp xe và chạy bộ kéo dài khoảng một giờ hoặc ít hơn, so với súc miệng bằng dung dịch giả dược.
Trong các thử nghiệm liên quan đến môn thể thao đua xe đạp, kỹ thuật súc miệng bằng carbohydrate giúp vận động viên đi nhanh hơn trung bình khoảng một phút trong quãng đường đua dài 40km. Việc súc miệng cũng giúp cải thiện độ chính xác của các vận động viên trong môn đấu kiếm.
“Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy kỹ thuật súc miệng bằng carbohydrate có thể mang lại một lợi ích nhỏ về mặt hiệu suất hoạt động, làm tăng hiệu suất lên khoảng từ 2% đến 3%”, Sourav Poddar, bác sĩ về y học thể thao tại tổ chức chăm sóc sức khỏe UCHealth ở Denver (Mỹ), cho biết. “Đây là mức tăng hiệu suất tương tự mà mọi người nhận được từ việc thực sự nuốt dung dịch carbohydrate khi tập luyện các môn thể thao đòi hỏi sức bền”.
Bằng cách không nuốt chất lỏng carbohydrate, các vận động viên có thể tránh được một số vấn đề về đường tiêu hóa, theo tiến sĩ Michael Joyner, nhà sinh lý học tại trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ). Ví dụ, nếu đồ uống quá đậm đặc, nó có thể đọng lại trong dạ dày và cơ thể bạn sẽ cần tiết ra nhiều chất lỏng hơn để pha loãng chất này.
Các nhà khoa học không biết rõ làm thế nào mà việc súc miệng bằng carbohydrate có thể cải thiện hiệu suất. “Một số giả thuyết cho rằng các thụ thể cảm nhận carbohydrate trong miệng kích hoạt một số vùng nhất định của não, từ đó cải thiện chức năng vận động hoặc chuyển động của cơ thể”, Poddar nói. “Cơ quan thụ cảm trong miệng gửi tín hiệu đến các trung tâm khoái cảm và khen thưởng của não, khiến cơ thể lầm tưởng đang tiếp nhận nhiều năng lượng hơn. Vì vậy các cơ bắp có thể hoạt động mạnh hơn một chút và không có lý do gì để cảm thấy mệt mỏi”.
“Bạn đang đánh lừa bộ não một chút. Đó là những gì chúng tôi nghĩ về cơ chế hoạt động của việc súc miệng bằng carbohydrate”, Asker Jeukendrup, chuyên gia dinh dưỡng thể thao tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết.
Thông thường các cầu thủ chỉ súc miệng từ 5 đến 10 giây rồi nhổ ra ngoài, nhưng về mặt lý thuyết họ có thể súc miệng lâu hơn để có nhiều thụ thể hơn ở trong khoang miệng tiếp xúc với carbohydrate.
Các nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật súc miệng bằng carbohydrate thường sử dụng dung dịch glucose có vị ngọt hoặc maltodextrin, một chất phụ gia thực phẩm không màu và không vị. “Khi mọi người cảm nhận thấy vị ngọt trong miệng, điều này có thể thay đổi nhận thức về mức độ làm việc nặng nhọc của họ. Vì vậy, ngay cả khi không nuốt chất lỏng, dung dịch carbohydrate có vị ngọt có thể giúp mọi người cảm thấy sảng khoái và nhiều động lực hơn”, Joyner cho biết.
Hầu hết các nghiên cứu trước đây về vấn đề này được tiến hành chủ yếu trong môi trường phòng thí nghiệm và tập trung vào môn thể thao đi xe đạp. Những nghiên cứu về lợi ích tiềm năng của việc súc miệng carbohydrate đối với hiệu suất thi đấu bóng đá vẫn ở giai đoạn sơ khai.
Các nhà khoa học chưa thể tìm ra lượng carbohydrate tối ưu mà cầu thủ cần hấp thụ để tăng sức mạnh trong các trận thi đấu. Họ cũng không biết hợp chất này có giúp cải thiện những kỹ năng dành riêng cho bóng đá như rê bóng, chuyền, sút và đánh đầu hay không thông qua việc trì hoãn sự mệt mỏi do tác động đến các quá trình hóa học trong não.
Một vấn đề nữa cũng chưa có câu trả lời là dung dịch súc miệng carbohydrate có ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của vận động viên hay không? Ví dụ như khả năng ra quyết định hoặc thời gian phản ứng.
“Mặc dù các nhà khoa học chưa hoàn toàn thống nhất về lợi ích của việc súc miệng bằng carbohydrate hoặc cách thức hoạt động của nó, nhưng đây là một phương pháp tương đối thiết thực, dễ tiếp cận và ít rủi ro”, Poddar nói. “Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp bạn nên áp dụng nếu đang chạy marathon hoặc tham gia vào một bài tập kéo dài hơn hai giờ. Khi tập thể dục trong thời gian dài, bạn cần tiêu thụ nhiều carbohydrate hơn để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Trong khi đó, thời gian thi đấu chính thức của một trận đấu bóng đá World Cup chỉ là 90 phút”.
“Phương pháp súc miệng bằng carbohydrate hoàn toàn không gây hại cho cơ thể. Nhiều người nói đùa rằng rủi ro duy nhất có thể xảy ra là vận động viên bị sâu răng từ đồ uống có đường”, Ian Rollo, nhà khoa học tại Viện Khoa học Thể thao Gatorade (Anh), cho biết.
Theo Live Science, Nytimes