Émile Durkheim là nhà xã hội học người Pháp nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khi Durkheim bắt đầu công việc nghiên cứu của mình, xã hội học còn chưa được công nhận là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập.

Durkheim đã nỗ lực rất nhiều để tách xã hội học khỏi các ngành khác, đặc biệt là triết học. Đi xa hơn nữa, trong việc nghiên cứu xã hội, Durkheim cho rằng xã hội học có lợi thế hơn triết học, vì phương pháp nghiên cứu của xã hội học cung cấp các phương tiện rất thực tiễn thay vì siêu hình hay lý thuyết. Do đó, Durkheim đã sử dụng xã hội học để giải quyết rất nhiều vấn đề theo truyền thống chỉ dành cho các nghiên cứu triết học.

Trong số các nghiên cứu của ông, công trình Các quy tắc của phương pháp xã hội học mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy năng động của xã hội học.

Émile Durkheim (1858-1917) là người đã góp công lớn trong sự hình thành bộ môn xã hội học. Nguồn: INT

Theo Durkheim, tất cả các yếu tố của xã hội - bao gồm cả đạo đức và tôn giáo - là một phần của thế giới tự nhiên và có thể được nghiên cứu một cách khoa học. Đặc biệt, Durkheim quan niệm xã hội học là “khoa học về các định chế”, nó liên quan đến các cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động mang tính tập thể. Hạt nhân cơ bản của khoa học này là phương pháp của nó, vì thế “phương pháp xã hội học” được Durkheim quan tâm đặc biệt và dành nhiều công sức xây dựng.

Ảnh: NXB Tri thức.

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của xã hội học Durkheim là cái mà ông gọi là “sự kiện xã hội” (faits sociaux). Một sự kiện xã hội, như được định nghĩa trong Các quy tắc của phương pháp xã hội học, là “bất cứ phương cách hành động nào, dù cố định hay không cố định, có khả năng tác động lên cá nhân một sự cưỡng chế ngoại tại, hoặc nữa, là bất cứ phương cách hành động nào mang tính phổ biến trong phạm vi một xã hội nào đó, đồng thời lại có một tồn tại riêng, độc lập với các biểu hiện cá thể của nó”.

Như vậy, theo Durkheim, các sự kiện xã hội mang bản chất thực tế khách quan và các nhà xã hội học có thể nghiên cứu nó một cách tương tự như khi các nhà vật lý nghiên cứu thế giới vật chất. Một hệ quả quan trọng khác nữa là các sự kiện xã hội cũng thuộc về thế giới bên trong của các cá nhân, và chỉ thông qua các cá nhân, các sự kiện xã hội mới có thể tồn tại. Điều này dẫn đến một tuyên bố có vẻ nghịch lý rằng các sự kiện xã hội là thuộc tính đồng thời cả ở bên ngoài và bên trong đối với cá nhân, tuyên bố này thường bị hiểu nhầm và khiến tác phẩm của Durkheim bị chỉ trích gay gắt.

Đáp lại, Durkheim lưu ý, dẫu là một “thực tế chung” được tạo ra bởi tương tác xã hội, sự kiện xã hội lại cư trú theo một cách đặc biệt trong tâm trí các cá nhân. Nói rằng sự kiện xã hội tồn tại độc lập tuyệt đối với mọi cá nhân, theo ông, là một lập trường phi lý. Durkheim lập luận, sự kiện xã hội, như một sản phẩm của tâm lý, là hoàn toàn “tâm trí” và không có nền tảng vật chất. Nhưng chúng có thể quan sát được thông qua những hiện tượng thực tế được hệ thống và được phân tích (dưới dạng dữ liệu thực nghiệm). Đó chính là thuộc tính “vật chất” của các sự kiện xã hội, những đối tượng mang phẩm chất “tâm trí” của đời sống xã hội.

Để hiểu đầy đủ về cách các sự kiện xã hội được tạo ra và vận hành, theo Durkheim, cần hiểu rằng một xã hội không chỉ đơn giản là một nhóm các cá nhân sống ở một vị trí địa lý cụ thể. Một xã hội đúng hơn là một tập hợp các ý tưởng, niềm tin và cảm xúc các loại được thực hiện thông qua các cá nhân; nó chỉ trở thành một sự kiện xã hội khi các cá nhân tương tác với nhau, dẫn đến sự hợp nhất của các ý thức cá nhân. Sự hợp nhất này là một “thực tại chung”. Giống như nước là sản phẩm hoàn toàn mới, tạo ra từ sự kết hợp giữa các nguyên tử hydro và oxy, xã hội là một thực thể hoàn toàn mới, có các đặc tính riêng biệt, không thể hiểu được nếu chỉ liệt kê một cách đơn giản các yếu tố cấu thành của nó và cũng không thể hiểu được chỉ bằng các phương tiện có sẵn của các ngành khoa học khác (chẳng hạn như triết học). Nói cách khác, xã hội lớn hơn tổng các bộ phận của nó; nó thay thế sự phức tạp, chiều sâu, mức độ phong phú trong sự tồn tại của một cá nhân cụ thể.

Trong công trình quan trọng bậc nhất của mình, Durkheim đề xuất các quy tắc cho việc quan sát các sự kiện xã hội; các quy tắc về sự phân biệt giữa cái chuẩn mực, “bình thường” với cái dị biệt, “không bình thường”; các quy tắc về sự phân loại các xã hội; các quy tắc về việc giải thích các sự kiện xã hội; các quy tắc chứng minh xã hội học.

Nhìn chung, phương pháp thực nghiệm mà ông nêu ra trong cuốn sách này là một cuộc cách mạng thật sự trong lĩnh vực xã hội học, nó đã xác lập xã hội học như một ngành khoa học độc lập, khách quan và chính xác. Thay vì chỉ chuyên chú vào xử lý các khái niệm theo lối phân tích ý hệ (analyse idéologique), xã hội học giờ đây đã trực tiếp đi vào xử lý các sự kiện xã hội như là các “sự vật” để có thể thu được kết quả cả về phương diện định tính và định lượng.