Các nhà đầu tư đang nếm trải đợt suy thoái đầu tiên của thị trường Đông Nam Á khi cơn sốt kỳ lân hạ nhiệt.
Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ. Ảnh: Nikkei
Năm 2022 kỷ niệm 10 năm thành lập của Grab, một trong những startup kỳ lân biểu tượng cho sự đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á. Cách quận tài chính ở trung tâm Singapore chừng 10 phút lái xe, tòa trụ sở mới chín tầng với 3.000 nhân viên cho thấy startup này đã vươn lên mạnh mẽ kể từ những ngày đầu làm việc tại một văn phòng cho thuê xe nhỏ bé. Grab hiện có 5 triệu tài xế hoạt động tại tám thị trường Đông Nam Á với khối lượng vận tải hàng hóa và hành khách lên tới hàng chục nghìn lượt mỗi ngày.
Nhưng trên thị trường chứng khoán, không có sự phô trương tưng bừng bởi các nhà đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn với hiệu quả kinh doanh của công ty. Cổ phiếu của Grab đã giảm mạnh kể từ khi lên sàn vào tháng 12 năm ngoái với mức vốn hóa thị trường lao dốc 80%.
Grab là một trong số công ty công nghệ lớn của khu vực đang lo lắng tìm cách lật lại những năm tháng thua lỗ. Một công ty khác được thành lập cùng năm là Lazada vẫn đang dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ Alibaba ở Trung Quốc để hoạt động. Các công ty cùng ngành như Sea (công ty mẹ của Shopee) cũng đang giảm quy mô khi mức lỗ tăng lên.
Có thể nói, sự ra đời và lớn mạnh của những startup công nghệ đã làm thay đổi bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Nhiều ngõ ngách của xã hội cũng được chuyển đổi số nhờ các công ty này. Khi nhiều công ty khởi nghiệp xuất hiện, nhà đầu tư cũng tìm đến khu vực nhiều hơn. Trong vòng 10 năm, vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Đông Nam Á đã tăng 120 lần, đạt mốc gần 25 tỷ USD vào năm 2021, cùng với số lượng thương vụ tài trợ tăng gấp 16 lần, theo số liệu của Công ty Phân tích Preqin.
Nhưng tính chất của dòng vốn đầu tư đã dần thay đổi. Không còn mức định giá cao ngất một thời, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong việc rót tiền cho những công ty trong giai đoạn tăng trưởng để hạn chế việc đốt tiền đổi lấy tốc độ phát triển. Họ cũng bắt đầu để mắt tới những mô hình kinh doanh chứng minh được lợi nhuận hoặc tỏ ra bền vững hơn.
Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến dòng vốn. Trong chín tháng đầu năm nay, số lượng thương vụ đầu tư ở Đông Nam Á đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng giá trị lại hầu như không đổi ở mức 16 tỷ USD, cho thấy quy mô trung bình của các thương vụ đã giảm. Năm ngoái và năm nay, với bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng và suy thoái kinh tế, nhiều công ty khởi nghiệp phải bán tháo công nghệ hoặc tìm cách sống sót đến khi thị trường phục hồi.
Trong bối cảnh suy thoái thị trường lần đầu, việc các công ty khởi nghiệp thế hệ đầu như Grab và Sea có đạt được mục tiêu và xác thực được các mô hình kinh doanh hay không sẽ là bài kiểm tra quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á. Shane Chesson từ quỹ đầu tư Openspace Ventures, một trong những nhà đầu tư sớm vào Gojek của Indonesia nhận xét rằng, hệ sinh thái của khu vực vẫn đang “trên con đường tiến hóa khi nói đến lợi nhuận và tính bền vững”. Đông Nam Á đã làm được rất nhiều điều nhưng cũng còn rất nhiều điều để chứng minh, bởi các startup nổi bật nhất vẫn chưa có lãi và do vậy, chưa thể nói rằng có rất nhiều câu chuyện thành công để hấp dẫn những nhà đầu tư mới.
Grab bắt đầu hành trình ở Malaysia với tư cách là một nền tảng gọi xe máy và ô tô cá nhân, sau đó tiến đến những hoạt động đầy tham vọng nhưng tốn kém ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như giao đồ ăn, fintech và ngân hàng số. Nó đã trở thành một siêu ứng dụng xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhưng kèm với đó cũng là những chi phí khổng lồ. Mặc dù đã cải thiện lợi nhuận của mình, Grab vẫn công bố khoản lỗ ròng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Công ty cam kết đến cuối năm 2024 sẽ hòa vốn tổng và cuối năm 2023 sẽ hoàn vốn một số mảng kinh doanh.
Hiện tại là thời điểm thị trường khó khăn đối với những công ty tăng trưởng đang cố gắng có lãi như Grab. Mức lãi suất chiết khấu cao hơn đang ảnh hưởng đến việc định giá của họ. Nếu một startup không đưa ra được một cam kết lợi ích mạnh mẽ (và bởi vậy có thể có vị thế cạnh tranh yếu hơn) thì họ sẽ rất khó gọi được vốn.
Một thập kỷ vàng đầu tư
Không gian công nghệ của Đông Nam Á bắt đầu nở rộ vào những năm 2010, chậm hơn Trung Quốc khoảng 5-10 năm, và cùng thời điểm khi tốc độ xâm nhập của điện thoại di động bắt đầu tăng. Thời điểm đó, các chính phủ và nhà đầu tư cố gắng học hỏi những hệ sinh thái công nghệ hàng đầu thế giới như thung lũng Silicon để tạo ra một môi trường tương tự tại quê nhà.
“Chúng tôi học được bài học từ đội ngũ [đầu tư] ở Trung Quốc”, Kee Lock, Giám đốc Vertex Holdings, nhánh đầu tư mạo hiểm của công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek và là nhà góp vốn ban đầu vào Grab, cho biết. Khi làn sóng gọi xe công nghệ Uber và Lyft của Mỹ tấn công thị trường Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp nội địa tương tự của Trung Quốc là Didi và Kuadi Dache cũng trỗi dậy. Vào thời điểm mà Vertex muốn đầu tư thì định giá của những công ty này đã tăng lên đáng kể. Kee Lock tự nhủ họ không được bỏ lỡ cơ hội tương tự ở Đông Nam Á. Sau khi tìm kiếm những công ty giống như vậy trên toàn khu vực Đông Nam Á, Vertex đã đầu tư vào Grab và giúp công ty này chuyển đến Singapore, nơi có triển vọng vốn cao hơn và chính phủ thúc đẩy tích cực hơn vào hoạt động khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á luôn bị chế giễu là “đạo nhái” thung lũng Silicon hoặc Trung Quốc. Một ví dụ đáng chú ý là vườn ươm khởi nghiệp Rocket Internet của Đức đặt ở Đông Nam Á đã trở nên nổi tiếng khi copy những mô hình kinh doanh thành công ở thị trường này sang thị trường khác. Điều này thoạt nghe thì đơn giản nhưng thực tế lại không như vậy. Các công ty ở Đông Nam Á phải tiến hành rất nhiều đổi mới tại cấp độ địa phương để xây dựng được mạng lưới hậu cần và đối tác trong một vùng lãnh thổ có sự pha trộn phức tạp giữa văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ và con người. Nhiều công ty khởi nghiệp và nhân tài mà Rocket nuôi dưỡng sau này đã trở thành những tên tuổi lớn của khu vực như FoodPanda và Lazada.
Dần dần, những startup địa phương đã tạo được sức hút. Năm 2016, Alibaba mua lại Lazada để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở nước ngoài, biến nó trở thành một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Việc Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á năm 2018 củng cố quan điểm rằng nội địa hóa là chìa khóa thành công trong khu vực. Hiện nay, không phải những công ty Mỹ như Amazon hay Uber thống trị Đông Nam Á mà chính là các startup bản địa.
Khi thị trường tăng trưởng, nỗi sợ bị bỏ lỡ của nhà đầu tư cũng tăng theo. Họ ném tiền vào nhiều công ty khởi nghiệp với hy vọng rằng một hoặc hai startup cuối cùng sẽ giúp thu được lợi nhuận kếch xù. Các nhà đầu tư phi truyền thống như Vision Fund của SoftBank Group hay Tiger Global Management đã đổ hàng triệu USD vào các kỳ lân tại Đông Nam Á. Ngay cả những công ty khởi nghiệp chưa được kiểm tra kỹ càng cũng được những quỹ lớn như Y Combinator ở thung lũng Silicon bơm tiền để tăng giá trị.
Lượng tiền mặt dồi dào cho phép các công ty khởi nghiệp tồn tại và tiếp tục gọi được nhiều tiền hơn bất chấp tình trạng thua lỗ nặng nề. Các startup non trẻ giàu tiền mặt này ra sức mở rộng thị phần bởi họ biết rằng lượng đầu tư khổng lồ đổ vào khu vực đồng nghĩa với việc các đối thủ cạnh tranh cũng có cơ hội lớn hơn để can thiệp và chiếm lĩnh thị trường. Rất nhiều startup và nhà đầu tư đã bắt đầu vòng quay “đốt tiền” như vậy.
Giờ nhìn lại, đáng ra các công ty khởi nghiệp nên tập trung hơn vào lợi nhuận. Nhưng hồi đó, việc giành được thị phần là một động thái hợp lý, gần như là “luật chơi” vì ai cũng làm như thế. Kee Lock ở Vertex nhận xét rằng, “Ngày xưa, bạn chỉ cần đạt được mục tiêu nhanh chóng. Vì vậy những gì bạn làm là ưu tiên tốc độ hơn hiệu quả sử dụng vốn. Nhưng giờ bạn không thể làm 50 việc, mà phải làm tốt năm việc, sau đó đạt được mục tiêu nhanh hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Đây là quá trình tiến hóa tự nhiên”.
Trong thời kỳ giãn cách do đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư vẫn thực hiện các thương vụ thông qua cuộc họp video mà không làm những bước khảo sát thực địa cơ bản. Nhiều người nói rằng nó hiệu quả, nhưng Kee Lock nghĩ rằng nó thiếu tính kỷ luật và đang tạo ra một bong bóng khổng lồ.
Tuy nhiên, với thị trường 680 triệu dân còn nhiều tiềm năng áp dụng kỹ thuật số, các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về triển vọng dài hạn của Đông Nam Á. Hoạt động gọi vốn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Một số nhà đầu tư đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng của việc chính quyền ‘siết chặt’ các công ty công nghệ và những biện pháp Zero-COVID kéo dài làm rung chuyển nền kinh tế.
Cuối tháng chín vừa qua, hội nghị về quỹ và đầu tư mạo hiểm lớn nhất châu Á SuperReturn Asia lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore thay vì Hồng Kông, thu hút con số kỷ lục hơn 1000 giám đốc điều hành tham gia.
Thậm chí trong năm 2022, Đông Nam Á đang thu hút được nhiều vốn hơn khi nhiều quỹ đầu tư tập trung vào khu vực này đã gọi được tiền đầu tư vượt mức đăng ký. DealStreetAsia cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, các công ty đầu tư mạo hiểm địa phương đã kết thúc gọi vốn cho 23 quỹ với số tiền thu được hơn 3 tỷ USD, tương đương với hiệu suất cả năm 2021. Dữ liệu mạnh mẽ cho thấy hiệu suất cả năm có khả năng vượt qua mức đỉnh trước đại dịch năm 2019.