Trong số 6 triệu tấn bom mà không quân Mỹ đã ném xuống Việt Nam từ năm 1965 đến 1975, có 30% là bom hỏng (UXO) và lượng UXO này có tác động cục bộ tới dòng FDI và sự phát triển kinh tế dài hạn của địa phương.

Trong thế kỷ 20, Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất từ chiến tranh. Hậu quả ngắn hạn của chiến tranh rất rõ ràng và khốc liệt như thương vong về người, cơ sở vật chất bị phá hủy, ô nhiễm môi trường, sự suy yếu của các thể chế chính trị… Tuy nhiên, bên cạnh những hậu quả tức thời, chiến tranh có tác động lâu dài thế nào đối với sự phát triển kinh tế vẫn là một vấn đề mà giới nghiên cứu chưa ngã ngũ.

Trong 10 năm, từ 1965 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu 6 triệu tấn bom (Clodfelter, 1995). Trọng lượng bom đã ném xuống trong giai đoạn này cao ít nhất gấp ba lần tổng trọng lượng bom ném ở cả Châu Âu và Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ II và gấp khoảng 15 lần trọng lượng bom trong chiến tranh Triều Tiên (Miguel và Roland năm 2015). Trong đó, theo số liệu do Trung tâm Dữ liệu Vệ tinh về Khoa học Môi trường của Anh đưa ra vào năm 2011, số bom hỏng chiếm 30%. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vật liệu chưa nổ (UXO) có tác động đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như phát triển kinh tế tại Việt Nam và họ đã tiến hành nghiên cứu để kiểm chứng giả thuyết trên.

Không quân Mỹ đã rải 6 triệu tấn vật liệu nổ từ 1965 đến 1975 và 30% trong số đó là bom hỏng. Nguồn: VietNam.Net

Nhóm tác giả sử dụng bốn bộ dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu.

Bộ dữ liệu đầu tiên liên quan đến mật độ bom trên mỗi kilomet vuông do Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ lập nên và đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Miguel và Roland (2011), Singhal (2019)...

Bộ dữ liệu thứ hai được lấy từ khảo sát UXO do Trung tâm Công nghệ rà phá bom mìn (BOMICEN), Bộ Quốc phòng Việt Nam điều phối với sự hợp tác của Tổng cục Thống kê và Bộ Tư lệnh quân khu, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan quân sự địa phương trên 63 tỉnh thành thực hiện.

Bộ dữ liệu thứ ba là Điều tra doanh nghiệp từ năm 2000 đến 2017 được Tổng cục Thống kê công bố hằng năm.

Cuối cùng, do dữ liệu về thu nhập bình quân đầu người hoặc GDP không có sẵn ở cấp huyện, nhóm nghiên cứu đã quyết định sử dụng dữ liệu về ánh sáng ban đêm - yếu tố đã được chứng minh trong các nghiên cứu của Chen và Nordhaus (2011), Gibson và cộng sự (2021)... là có thể đại diện cho GDP nhờ khả năng phản ánh các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ. Bộ Dữ liệu ánh sáng ban đêm được thu thập từ Chương trình Vệ tinh khí tượng quốc phòng DMSP (được quản lý bởi Lực lượng Không gian Hoa Kỳ) và bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại khả kiến (VIIRS) từ vệ tinh Suomi National Polar-orbiting Partnership (Hoa Kỳ) đã được công bố trong những nghiên cứu trước đó.

Kết quả cho thấy, UXO tác động đáng kể tới mật độ các công ty FDI, công ty liên doanh và doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, trong cùng một quận, huyện, tỷ lệ các khu vực bị ô nhiễm UXO tăng 1% thì mật độ các công ty FDI giảm 0,78%, mật độ các công ty liên doanh giảm 0,56% và các doanh nghiệp nhà nước giảm 0,54%. Đối với phát triển kinh tế, tỷ lệ ô nhiễm UXO tăng 1% sẽ làm giảm cường độ ánh sáng giảm 0,46 %, nghĩa là, giảm GDP của khu vực. Có thể thấy, chiến tranh có tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Lượng UXO sau chiến tranh đã làm suy yếu sự phát triển kinh tế tại địa phương (được đo bằng cường độ ánh sáng ban đêm) vì nó làm giảm mật độ FDI và các công ty quy mô lớn.

Nghiên cứu đã có thêm một số đóng góp mới so với các nghiên cứu trước đây. Thứ nhất, nghiên cứu cho thấy một cơ chế mới mà thông qua đó chiến tranh có thể tác động lâu dài đến nền kinh tế Việt Nam và các quốc gia khác có hoàn cảnh tương tự Việt Nam. Thứ hai, nghiên cứu đã chỉ ra chiến tranh là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến dòng FDI cục bộ của một quốc gia. Thứ ba, chiến tranh có tác động tiêu cực và lâu dài đối với mật độ doanh nghiệp do sự hiện diện của UXO. Các công ty không muốn sử dụng các khu vực bị ô nhiễm UXO, đặc biệt là đối với các dự án lớn đòi hỏi cơ sở hạ tầng tương xứng. Trong khi đó, việc tìm kiếm và loại bỏ các chất nổ còn sót lại của chiến tranh cực kỳ tốn kém. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra được bằng chứng về mối liên hệ của dòng FDI với sự phát triển kinh tế địa phương (được đo bằng cường độ ánh sáng ban đêm) trên khắp các quận, huyện Việt Nam.

Mặc dù làm giảm vốn FDI vào một số khu vực nhất định, nhưng UXO không ảnh hưởng đến tổng FDI vào Việt Nam. Vốn FDI chỉ đơn giản là di chuyển từ khu vực bị ô nhiễm UXO cao hơn đến khu vực ô nhiễm UXO thấp hơn hoặc không ô nhiễm. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các vực và đảm bảo sự phát triển kinh tế trong dài hạn, quá trình rà phá UXO cần được dành nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn nữa.

Nghiên cứu đã được công bố trên trang ScienceDirect vào giữa tháng Tư vừa qua.

Nguồn:

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0094119024000500
https://data.worldbank.org/indicator/BX.KLT.DINV.CD.W

Bài đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT