Đây là tỉ lệ cao nhất tại Đông Nam Á, theo Khảo sát Viễn cảnh Khí hậu Đông Nam Á năm 2024 do Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore) vừa công bố.
Báo cáo kết quả Khảo sát Viễn cảnh Khí hậu Đông Nam Á năm 2024 (SEACO-24) [1] do Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak thực hiện trên 2.931 người từ 10 quốc gia ASEAN, trong đó có 352 người Việt. Mẫu được lựa chọn để mang tính đại diện với người tham gia có độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nơi ở, thu nhập và lĩnh vực công tác khác nhau. Người tham gia được hỏi về một số vấn đề như đánh giá phản ứng của chính phủ với biến đổi khí hậu, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cuộc sống của họ, hay tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo.
Quan ngại lớn về tác động của biến đổi khí hậu
Kết quả cho thấy gần 47% người Việt tham gia khảo sát cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách đối với đất nước (chỉ sau Philippines với 55,3%), trong khi 37,5% cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần được theo dõi.
Báo cáo chỉ ra mặc dù, mối quan ngại về biến đổi khí hậu của người dân Đông Nam Á vẫn ở mức cao, tỉ lệ những người coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách đã giảm đáng kể - từ 72,2% vào năm 2021 xuống còn 42,5% trong năm nay. Những người coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp có nhiều khả năng có bằng cử nhân hoặc cao hơn, cho thấy mối quan tâm về biến đổi khí hậu có thể tăng lên theo trình độ học vấn.
Lũ lụt, nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn là ba hiện tượng thời tiết cực đoan được người dân Đông Nam Á xem là nghiêm trọng nhất. Đây là kết quả không bất ngờ khi một nghiên cứu gần đây cho thấy các cơn bão trong khu vực Đông Nam Á hiện đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và ở trên đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu [2], mà siêu bão Yagi vừa qua là một minh chứng. Khu vực này cũng đã trải qua đợt “sóng nhiệt” lịch sử trong mùa hè năm nay. Báo cáo cho biết, những đáp viên sống ở thị trấn và vùng nông thôn quan tâm nhiều hơn đến hạn hán, trong khi mực nước biển dâng lại là mối quan tâm của những đáp viên đến từ các đô thị lớn.
Trung bình hơn 52,6% người tham gia lo ngại biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ. Xét riêng từng nước, Philippines có tỷ lệ cao nhất (71,5%); tiếp theo là Việt Nam (61,4%) và Thái Lan (55,8%). Khảo sát phát hiện những người lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe có nhiều khả năng sống ở các thành phố lớn hơn là các vùng nông thôn. Nhóm nghiên cứu lý giải các thành phố phải chịu đựng mức nhiệt độ khắc nghiệt hơn do hiệu ứng đô thị và có ít không gian xanh để giảm thiểu tác động của những đợt nắng nóng, ngoài ra còn có tình trạng ô nhiễm không khí và quá tải về hạ tầng và dân số.
Ai có trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu?
85% người Việt tham gia khảo sát tin rằng chính phủ có trách nhiệm lớn nhất trong ứng phó với biến đổi khí hậu (tương tự tỉ lệ của Philippines và cao hơn mức trung bình của khu vực là 79,7%); tiếp theo là doanh nghiệp (53,9%) và chính quyền địa phương (49,7%). Nhưng chỉ có 9,2% người Việt được hỏi cho rằng người dân đang tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu - tỉ lệ thấp nhất Đông Nam Á - trong khi niềm tin vào doanh nghiệp còn thấp hơn với con số 8,1%. Ba thay đổi trong lối sống phổ biến nhất mà người Việt trong khảo sát đã thực hiện nhằm hạn chế các tác động đến môi trường là giảm đồ nhựa dùng một lần (63,9%); giảm tiêu thụ điện (58,6%); và lựa chọn các phương tiện công cộng, đạp xe hoặc đi bộ (44,4%).
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - phương tiện công cộng mới của người dân Hà Nội. Nguồn: Tạp chí Kinh tế Môi trường
Người Singapore và người Việt trong khảo sát có tỉ lệ đồng tình với nhận định “Chính phủ nước tôi coi biến đổi khí hậu là ưu tiên cấp bách của quốc gia và phân bổ đủ nguồn lực để giải quyết mối đe dọa này” cao nhất, lần lượt là 50,1% và 36,7%. Tuy nhiên, vẫn có đến gần 40% người Việt được hỏi nhận xét Chính phủ nhận thức được các mối đe dọa nhưng không phân bổ đủ nguồn lực để giải quyết.
Những nguồn năng lượng tái tạo được đánh giá cao
Hơn 1/4 người Việt Nam được hỏi cho rằng những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ và chuyên môn là rào cản lớn nhất trong việc giảm phát thải khí carbon trong nước, sau đó đến nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính (21,9%).
Dù hơn một nửa người Việt trong khảo sát tin rằng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ làm tăng giá nhiên liệu và chi phí sinh hoạt, vẫn có đến 3/4 ủng hộ áp thuế carbon trong nước - tỉ lệ cao nhất Đông Nam Á. Thuế carbon được áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường. Đối tượng chịu thuế carbon phổ biến là các loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống như dầu thô, than đá, khí gas tự nhiên… Người có nghĩa vụ nộp thuế carbon thường là chủ thể nhập khẩu, khai thác và bán nhiên liệu hóa thạch vào thị trường để tiêu thụ [3]. Singapore là quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng thuế carbon danh nghĩa đối với các công ty vào năm 2019, còn Indonesia đã áp dụng thuế carbon đối với các nhà máy điện chạy bằng than vào tháng 4/2022.
Một thống kê đáng chú ý khác là Thái Lan và Việt Nam là hai nước có tỉ lệ người được khảo sát sẵn sàng chấp nhận chi phí năng lượng, thực phẩm và dịch vụ tăng do áp thuế carbon cao nhất trong khu vực, lần lượt là 49,6% và 48,9%.
Trong các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời được đánh giá có tiềm năng hơn hẳn bởi người tham gia khảo sát ở cả khu vực và tại Việt Nam. Năng lượng gió cũng nhận được sự kỳ vọng của 60,3% người Việt trong khảo sát, cao hơn nhiều so với nước xếp thứ hai là Philippines (38,8%). Trong khi đó, chỉ có 6,1% người Việt được hỏi cho rằng thủy năng là nguồn năng lượng của tương lai - tỉ lệ thấp nhất trong khu vực. Kết quả này khá bất ngờ khi thủy năng là nguồn năng lượng rất phổ biến tại Việt Nam. Năng lượng địa nhiệt cũng chỉ được đánh giá cao bởi 5,8% người tham gia, có thể do nguồn năng lượng này còn rất mới ở Việt Nam.
Điện mặt trời tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Công thương
Tỉ lệ người được hỏi ủng hộ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam cao thứ hai Đông Nam Á (sau Thái Lan) với 51,1%. Gần một nửa số người trả lời cũng cho rằng Việt Nam nên chuyển sang nguồn nhiên liệu khác và đóng cửa các nhà máy điện than hiện có, và 36,4% cho rằng điện than nên được chấm dứt vào năm 2030.
—