Một nghiên cứu với sự tham gia của gần 1.000 học sinh trung học ở Thừa Thiên Huế cho thấy, trung bình các em sử dụng điện thoại gần 6 giờ mỗi ngày và 7,8% trong số đó có thói quen cứ năm phút lại kiểm tra điện thoại một lần.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến không chỉ với người trưởng thành mà cả với các em học sinh trung học. Không thể phủ nhận những lợi ích mà điện thoại thông minh có thể mang lại, đặc biệt là trong công việc và học tập. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian cho điện thoại cũng gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người dùng. Năm 2008, YouGov, công ty quốc tế về phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet có trụ sở ở Anh, đã đề xuất thuật ngữ “nomophobia” để nói về hội chứng lo sợ hoặc thậm chí căng thẳng khi không sử dụng hoặc không nhìn thấy điện thoại của mình.

Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế và Đại học RMIT đã đặt vấn đề về thực trạng sử dụng điện thoại thông minh, hội chứng Nomophobia ở các em học sinh trung học và thực hiện nghiên cứu về mối tương quan giữa thực trạng này với kết quả học tập của các em.

Nghiên cứu thực hiện khảo sát 950 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại ba trường trung học cơ sở và ba trường trung học phổ thông ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Các câu hỏi nghiên cứu được xây dựng dựa trên bảng câu hỏi Nomophobia do hai nhà tâm lý học Yildirim và Correia phát triển vào năm 2015.

Các câu trả lời cho thấy, thời gian sử dụng điện thoại trung bình mỗi ngày của các em là 5,73 giờ. Trong đó, 36,5% học sinh có thói quen kiểm tra điện thoại sau khoảng 30-60 phút và 7,8% học sinh kiểm tra điện thoại sau mỗi năm phút. Chủ yếu các em dùng để liên lạc với gia đình và bạn bè, tiếp theo là các hoạt động giải trí (nghe nhạc, xem phim…), tìm kiếm thông tin chỉ xếp thứ ba trong phân bổ thời gian sử dụng điện thoại của các em.

Chỉ có một trong số 950 học sinh không mắc chứng Nomophobia. Nguồn: INT

Gần 90% số học sinh tham gia khảo sát cho biết, các em sử dụng điện thoại khi căng thẳng, buồn chán.

Một số ít hơn (khoảng 75%) cho biết các em sử dụng điện thoại thông minh khi cảm thấy cô đơn hoặc đang chờ đợi ai đó hay điều gì đó.

Đáng chú ý, chỉ có một học sinh trong số 950 em không mắc hội chứng Nomophobia, trong khi đa số các em còn lại đều ở mức trung bình của hội chứng này, và gần 24% cho thấy biểu hiện ở mức độ nặng của hội chứng. Tỷ lệ mắc chứng Nomophobia như trên được đánh giá là cao hơn các nước khác như Ấn Độ (90-92%), Trung Quốc (84,2%), Mỹ (99,5%)... Có điều, nghiên cứu tại các quốc gia có sự chênh lệch về số lượng mẫu và độ tuổi khảo sát.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, nữ sinh có xu hướng mắc hội chứng ở mức độ cao hơn nam sinh và học sinh trung học phổ thông có xu hướng mắc hội chứng ở mức độ cao hơn so với học sinh trung học cơ sở.

Với những biểu hiện trên, Nomophobia rất dễ được liên hệ với kết quả học tập của các em. Tuy nhiên, theo kết quả từ nghiên cứu, một số thành phần trong hội chứng Nomophobia như nỗi sợ “không được giao tiếp” hay “từ bỏ sự tiện lợi” có sự liên hệ đáng kể với số lần các em kiểm tra điện thoại và phần nào đó ảnh hưởng đến quá trình học tập và sự tập trung, nhưng không có mối liên hệ đáng kể nào giữa Nomophobia và thành tích học tập.

Nhóm giả định rằng những tác động của Nomophobia đến kết quả giáo dục có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác không được đề cập trong nghiên cứu này, vì vậy, cần có thêm những nghiên cứu khác để làm rõ vấn đề. Mặc dù vậy, với số lượng mẫu tương đối lớn (950 học sinh), kết quả từ nghiên cứu đã đảm bảo được tính khái quát và có thể trở thành nền tảng xây dựng cách tiếp cận điện thoại thông minh lành mạnh và có ý thức hơn ở các em học sinh.

Nguồn:

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2451958824000514