Nối tiếp mạch suy tư của cuốn sách trước, Lea Ypi vừa hoàn thành một tác phẩm mới, mang tên
Indignity (tạm dịch: “
Mất phẩm giá”). Hình thành ở giao điểm giữa văn chương và triết học, hư cấu và sự thật, lịch sử thế giới và cảm thức cá nhân về hiện tại, tương lai, cuốn sách khuyến khích độc giả suy ngẫm về mối quan hệ ngầm ẩn giữa các hiện tượng tưởng chừng rất khác biệt này, để có thể chủ động điều chỉnh mối quan hệ đó trong hoạt động nghiên cứu và sáng tác của bản thân, nhằm góp phần xây dựng một thế giới đáng sống.
Trong buổi tọa đàm hôm 16/8 do Viện Goethe Hà Nội và tạp chí
Zzz Review đồng tổ chức, GS Ypi đã thảo luận với độc giả Việt Nam về các ý tưởng nêu trên để qua đó tiếp cận trọng tâm của cuộc thảo luận: nghệ thuật có thể góp phần thay đổi thế giới ra sao.
Những lịch sử song song“
Mất phẩm giá” kể lại 35 năm đầu đời của Leman Ypi – bà nội của GS Lea, và cũng là người đã nuôi dạy Lea trong suốt thời ấu thơ, khi người mẹ bận theo đuổi các hoạt động chính trị.
Là một quý tộc gốc Hy Lạp và con dâu của của cựu thủ tướng Albania, Leman từng được hưởng mọi đặc quyền trong một thế giới cũ. Khi chế độ thân phát-xít sụp đổ vào năm 1946, những đặc quyền này biến mất, chồng bà bị bỏ tù, vài người khác trong gia đình bị ám sát hoặc tự tử, còn bà thì phải lao động trong một trại cách ly. Nhưng trong những hoàn cảnh đó, Leman vẫn hành động theo những chuẩn mực đạo đức của riêng bà – vốn liên quan nhưng không nhất thiết phải trùng khớp với các chuẩn mực chung của xã hội. Trong mắt bà, tự do và phẩm giá của một người đồng nghĩa với khả năng hành động theo các chuẩn mực đạo đức cá nhân để xây dựng một cuộc đời khác biệt mà mình xem là đáng sống, thay vì bị biến thành nô lệ của hoàn cảnh vật chất đang bủa vây. Chính nhờ Leman bảo lưu các chuẩn mực cũ của mình bằng những hành động bị xã hội mới lên án, như việc bí mật gìn giữ kho sách tiếng Pháp của chồng, bất chấp lệnh cấm trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, mà Lea được tiếp cận với nguồn tri thức đa dạng từ nhỏ và trưởng thành như hiện tại. (Ở Albania từng có những đợt tịch thu sách ngoại văn, văn hóa phẩm tư sản không được phép lưu hành...)
Là một người nghiên cứu triết học chính trị, Lea nhanh chóng nhận thấy quan điểm về tự do của bà nội mình trùng khớp với khái niệm “tự do chủ động” (positive freedom) trong triết học Kant – một phương diện khác với thứ “tự do thụ động” (negative freedom) mà các chính thể phương Tây hiện tại đang đánh đồng với toàn bộ tự do, khi họ coi tự do và phẩm giá như những quyền tự nhiên mà mọi người sẵn có một cách ngang bằng thay vì phải hành xử có trách nhiệm để đạt đến.
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, khi các chính khách dân túy như Donald Trump không ngừng khích động các ham muốn vị kỷ của người dân để kiểm soát họ, Lea tin rằng phương diện “tự do chủ động” cần được hiểu rõ hơn, để diễn ngôn về tự do không bị chi phối bởi các trào lưu vô trách nhiệm như ủng hộ quyền không đeo khẩu trang trong đại dịch, quyền kỳ thị người có bản sắc khác mình, hay quyền sở hữu súng.
Để nghiên cứu sự vận hành của “tự do chủ động” trong thực tế, giáo sư Lea quyết định viết tiểu sử của bà nội mình – người đã đối mặt với các biến động lớn của Châu Âu trong thế kỷ 20 dưới tư cách một người phụ nữ vô danh, sống trong vùng khuất lấp của lịch sử.
Khi đến trung tâm lưu trữ quốc gia để tìm tư liệu về bà nội trong số giấy tờ hành chính của chế độ cũ, Lea kinh ngạc khi biết vào thời Chiến tranh Lạnh, bà nội mình từng bị nghi là gián điệp do Hy Lạp gửi sang. Tập hồ sơ đầy ắp những ngôn từ hành chính vô hồn và khô khốc của cơ quan mật vụ đã vẽ nên một Leman Ypi lạ lẫm – người rất gần với “kẻ thù của đất nước” trong các tranh tuyên truyền, nhưng lại hoàn toàn khác với con người mà Lea từng gặp trong tuổi thơ. Sự vô lý của hồ sơ lộ rõ khi nó ghi nhận Leman Ypi là một góa phụ, và đã qua đời vào năm 1953, trong khi ông bà nội Lea vẫn sống đến nhiều thập kỷ sau. Khi tra cứu thêm tài liệu, Lea biết rằng bộ máy hành chính của chế độ Soviet cũ đã ghi thông tin của hai người khác nhau vào cùng một hồ sơ, do cả hai đều tên Leman Ypi và đều là di dân gốc Hy Lạp.
Những phát hiện này đưa tác giả đến một bước ngoặt trong quá trình viết sách. Bà sớm đồng cảm với Leman Ypi thứ hai, do cả hai Leman đều vượt qua những đau đớn trong cuộc đời bằng cách biến đời mình thành một cuộc đấu tranh để duy trì những nguyên tắc đạo đức mà mình tự chọn. Vì hai Leman đủ giống nhau để làm bối rối các mật vụ, và vì một trong hai người đã chết trong cô đơn trước khi kịp để lại một hậu duệ giúp mình phục hồi phẩm giá, tác giả quyết định “nhận” Leman đó làm bà nội thứ hai, thay vì viết sách để bất tử hóa một người và quên lãng để “xử tử” người kia. Lựa chọn này đã định hình cấu trúc và lối viết của cuốn sách.
Chia sẻ với cử tọa, GS Lea cho biết cuốn sách bao hàm hai tuyến lời kể đan xen. Tuyến thứ nhất, ghi chép của các mật vụ về Leman Ypi, thể hiện chân dung “khách quan” của Leman trong mắt một guồng máy hành chính. Tuyến thứ hai, lời kể chủ quan của hai phụ nữ tên Leman Ypi về đời mình, được Lea viết bằng cách nhập vai từng bà sau khi suy ngẫm về các nguyên tắc đạo đức mà họ đã bảo vệ mỗi khi cần đối mặt với các quyết định khó khăn.
Bằng cách này, cuốn sách thể hiện rằng chỉ một phần rất nhỏ trong sự thật về Leman Ypi đến từ sự tái tạo các “dữ kiện lịch sử” liên quan đến bà, trong khi một phần lớn hơn đến từ sự tái tạo phẩm giá của bà – các giá trị mà bà bảo vệ để định hình bản thân – thông qua sự kết hợp giữa văn học và triết học.
Tương tự, cuốn sách có thể đưa độc giả đến câu hỏi: liệu cái nhìn về lịch sử, đạo đức và phẩm giá trong diễn ngôn chủ lưu của mọi thời đại sẽ cách xa thế nào với lịch sử cá nhân, đạo đức cá nhân và phẩm giá cá nhân của mỗi con người đương thời? Trong hoàn cảnh đó, liệu một quan niệm “chung” về đạo đức và phẩm giá có góp phần tước đoạt đạo đức và phẩm giá cá nhân – vốn là những giá trị riêng mà mỗi người tự nguyện chọn để bảo vệ? Như vậy, phải chăng phẩm giá xuất phát phần nào từ trí tưởng tượng cá nhân? Và phải chăng nghệ thuật – phương tiện giúp chúng ta tưởng tượng ra phẩm giá của mình, đồng thời tái hiện phẩm giá của người khác thông qua hành động nhập vai – sẽ bù đắp những khiếm khuyết của các diễn ngôn đề cao cái “chung”, như triết học và lịch sử, trong nỗ lực tiếp cận sự thật và đạo đức?
Cách nghệ thuật thúc đẩy tiến bộGS Lea tin rằng nghệ thuật có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải ở những vùng đất bị chia rẽ vì di sản quá khứ như Albania, một quốc gia đã thay đổi thể chế sau Chiến tranh Lạnh. Từ lâu, phương Tây đã tin rằng chỉ khi tìm hiểu sự thật về các bất công trong quá khứ để khôi phục phẩm giá cho các nạn nhân, thế hệ sau mới có thể hòa giải. Dù vậy, cái nhìn này vẫn còn khiếm khuyết, bởi khi hiện thực đang có những bất công khác với quá khứ, nó không thể cung cấp một nền móng vững chắc để ghi nhận các sự thật về bất công. Lea tin rằng để hòa giải, người ta cần tìm hiểu các vấn đề trong hiện tại, quy chiếu nó vào quá khứ, rồi nghĩ xem những vấn đề đó sẽ thế nào nếu không được giải quyết trong tương lai – và việc tưởng tượng về cả quá khứ lẫn tương lai, bên cạnh việc xem xét cả lịch sử vĩ mô lẫn vi mô, sẽ cần đến sự góp sức của nghệ thuật.
Với góc nhìn đó, GS Ypi tin rằng nghệ thuật có thể góp phần thúc đẩy tiến bộ trong xã hội. Sau khi thế giới chứng kiến sự suy giảm niềm tin vào các đại tự sự (như các tôn giáo, hoặc các chủ nghĩa trong lĩnh vực chính trị, xã hội hoặc nghệ thuật), một cái nhìn về tiến bộ sẽ chỉ đứng vững nếu ta xem lịch sử như một quá trình thử nghiệm, học hỏi và thất bại để liên tục tinh chỉnh các ý tưởng về công lý và tự do. Nghệ thuật, một không gian để hình thành và trao đổi các cái nhìn cá nhân về lịch sử và đạo đức, sẽ góp phần quan trọng cho quá trình này, bên cạnh việc khuyến khích mỗi người xây dựng phẩm giá cá nhân. Để thúc đẩy tiến bộ, xã hội cần khuyến khích sự đồng tồn, va chạm và bù khuyết giữa một bên là các giá trị đạo đức cá nhân mà nghệ thuật phát biểu, bên kia là các ý tưởng về đạo đức trong diễn ngôn chủ lưu, thay vì lầm tưởng rằng chỉ có một kiểu đạo đức và phẩm giá duy nhất.