USTH là trường duy nhất trong các dự án hợp tác giáo dục đại học giữa Pháp và một quốc gia khác nhận được chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES. Theo đánh giá của các cơ quan thuộc chính phủ Pháp, đây là dự án hợp tác giáo dục đại học thành công nhất của Pháp ở nước ngoài.

Đại diện HCERES Amélie Bensimon trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo cho Hiệu trưởng chính USTH Jean- Marc Lavest chiều 1/12/2023. Nguồn: USTH
Đại diện HCERES Amélie Bensimon trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo cho Hiệu trưởng chính USTH Jean- Marc Lavest chiều 1/12/2023. Nguồn: USTH

Ngày 1/12, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH đã được trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES, trở thành trường đại học thứ sáu ở Việt Nam đạt chứng nhận này. PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng USTH, trả lời phỏng vấn của Khoa học & Phát triển về quá trình đi đến mốc mới của nhà trường.

Cả nước hiện giờ mới có sáu trường đạt chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES, như vậy đạt được chứng nhận này không phải là việc dễ dàng phải không, thưa bà? Bà có thể cho biết những điểm khó khăn của việc này là gì?

HCERES – hay Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp – là một tổ chức kiểm định quốc tế uy tín, thành viên chính thức của Hiệp hội Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Châu Âu ENQA. Việc đạt được chứng nhận kiểm định của HCERES không dễ dàng ngay cả với những trường đại học của Pháp. Đặc biệt, để đạt chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo, cần phải xây dựng quy trình với nhiều tiêu chí tự đánh giá, sau đó gửi báo cáo tự đánh giá cho HCERES. Điểm khó khăn nhất của việc thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo là nhận định được trước những điểm yếu, điểm còn tồn tại và có kế hoạch chiến lược để giải quyết một cách triệt để những điểm yếu đó.


Trước USTH, đã có năm trường đại học Việt Nam khác đạt chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES, gồm: Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Trường Đại học Xây dựng vào năm 2017; và Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào năm 2018.



Được biết các chương trình đào tạo bậc đại học của USTH đã đạt chứng nhận kiểm định của HCERES cho giai đoạn 2017-2022. Vậy từ kiểm định chương trình đào tạo lên kiểm định ở quy mô cơ sở đào tạo, trường phải vượt qua những thách thức nào?

Chương trình đào tạo đại học của USTH được xây dựng theo chuẩn châu Âu với sự tham gia của các chuyên gia Pháp. Sau sáu khóa đào tạo, USTH đã quyết định kiểm định các chương trình bậc đại học nhằm khẳng định chất lượng đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn cho người học. Ngay từ năm 2017, khi nhận được chứng nhận kiểm định chương trình đào tạo, Ban giám hiệu USTH đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho việc kiểm định cơ sở. Thách thức lớn nhất mà nhà trường phải vượt qua đó là hoàn thiện hệ thống quản trị đại học.

USTH là trường trẻ nhất trong số các trường đại học ở Việt Nam đạt chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo HCERES, xin bà cho biết đây là kết quả của những nỗ lực nào?

Không chỉ là trường đại học trẻ nhất ở Việt Nam đạt chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES, sau 14 năm hình thành và phát triển, USTH còn là trường duy nhất trong các dự án hợp tác giáo dục đại học giữa Pháp và một quốc gia khác – mà phía Pháp gọi là mô hình Franco-X – đạt chứng nhận kiểm định của HCERES. Theo đánh giá của các cơ quan thuộc chính phủ Pháp như Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp, đây là dự án hợp tác giáo dục đại học thành công nhất của Pháp ở nước ngoài.

Kết quả này có được là nhờ vào sự nỗ lực, tận tâm và sáng tạo của Ban giám hiệu cùng toàn thể giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ USTH. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của cơ quan chủ quản là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) và Liên minh hơn 30 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp (USTH Consortium).

Bà có thể cho biết một số kết quả kiểm định cụ thể của USTH và những đánh giá của HCERES về USTH?

Sau khi kiểm định, căn cứ vào mức độ đáp ứng tiêu chuẩn của từng cơ sở đào tạo, HCERES sẽ đưa ra kết luận với bốn mức độ: không được cấp chứng nhận, cấp chứng nhận có thời hạn khác nhau 2 năm – 3 năm và cao nhất là 5 năm.

USTH hiện có 2.400 sinh viên và dự kiến sẽ đạt 5.000 sinh viên vào năm 2030. Nguồn: USTH
USTH hiện có 2.400 sinh viên và dự kiến sẽ đạt 5.000 sinh viên vào năm 2030. Trong ảnh: Sinh viên USTH trong phòng thí nghiệm của khoa Vũ trụ và Ứng dụng. Nguồn: USTH

Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá USTH gồm ba lĩnh vực – Quản trị và điều hành; Chính sách nghiên cứu Khoa học, Đổi mới sáng tạo; và Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập – với 17 tiêu chuẩn.

Trong cuộc đánh giá toàn diện theo các tiêu chuẩn quốc tế này, tất cả các tiêu chuẩn của USTH đều được Hội đồng kiểm định của HCERES đánh giá cao.

Theo đó, USTH có các lợi thế như nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp; và có thể thụ hưởng sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và môi trường nghiên cứu ngay trong cơ quan chủ quản là VAST.

Ngoài ra, HCERES nhìn nhận việc đào tạo bằng tiếng Anh, đối với sinh viên trong lĩnh vực KH&CN là một lợi thế vô cùng lớn để các em tăng cơ hội việc làm, cơ hội phát triển học thuật ở cả Việt Nam và quốc tế.

Các chương trình đào tạo của trường cũng được HCERES đánh giá đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, và trường đang tích cực có những điều chỉnh phù hợp để ngày càng đáp ứng tốt hơn cũng như đón đầu xu hướng của thị trường lao động.

Một số điểm mạnh khác của trường được HCERES ghi nhận còn có: tỷ lệ giảng viên chuyên ngành có trình độ tiến sĩ trên 80% là rất cao; tỷ lệ sinh viên đi thực tập ở nước ngoài cao (trên 60%); mạng lưới hợp tác quốc tế rất mạnh; nghiên cứu cơ bản phát triển tốt (USTH sở hữu tỷ lệ công bố quốc tế thuộc mức cao: 1,6 bài báo SCIE/ giảng viên/năm; năm 2022, đứng thứ ba trong các đơn vị trực thuộc VAST về số lượng công bố trên tạp chí quốc tế chất lượng cao SCI-E; đứng thứ hai trong các đơn vị trực thuộc VAST có tỷ lệ công bố chất lượng cao thuộc nhóm Q1 và Q2).

Với các kết quả nêu trên, USTH đã được HCERES chứng nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở đào tạo cho 5 năm.

Được biết, sau mỗi đợt đánh giá, HCERES đều cung cấp một báo cáo với những khuyến nghị cụ thể. Bà có thể nói rõ hơn về những khuyến nghị của HCERES đối với USTH?

Bên cạnh đánh giá những điểm mạnh của trường, báo cáo của HCERES còn cung cấp những thông tin quan trọng để USTH không ngừng cải thiện các hoạt động quản lý, đào tạo và nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế, đưa trường tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học xuất sắc về đào tạo KH&CN tại Việt Nam và trong khu vực.

Cụ thể, báo cáo khuyến nghị trường cần có kế hoạch chuyển lên campus mới ở Hòa Lạc trên diện tích 36ha và tổng diện tích xây dựng khoảng 240.000 m2; nâng cao tỷ lệ nghiên cứu ứng dụng thông qua mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu mạnh; nhanh chóng xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản trị đại học; có đại diện của sinh viên trong tất cả các Hội đồng của USTH (như Hội đồng nội trị, Hội đồng Khoa học đào tạo, Hội đồng trường); và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông nội bộ.

Bà có thể thông tin thêm về một vài kết quả đào tạo cụ thể của USTH, chẳng hạn, hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường chiếm bao nhiêu phần trăm và tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường như thế nào?

USTH hiện có 2.400 sinh viên và dự kiến sẽ đạt 5.000 sinh viên vào năm 2030. Nguồn: USTH
Sinh viên USTH trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp. Nguồn: USTH

Khi thành lập, USTH có sáu ngành đào tạo đại học, sáu ngành thạc sĩ và sáu ngành tiến sĩ, đến nay đã có 17 ngành đào tạo bậc đại học.

Tại USTH, ngoài những ngành đào tạo về khoa học liên ngành trình độ cao (Công nghệ Nano, Vũ trụ và Ứng dụng,…), còn có những ngành đào tạo công nghệ như Kỹ thuật hàng không, Công nghệ Cơ điện tử, Kỹ thuật ô tô, Công nghệ thực phẩm. Ở ngành Kỹ thuật hàng không, sinh viên ra trường được Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO tuyển dụng.

Trong 3 năm 2021-2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của USTH chiếm khoảng 30% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp. Theo thống kê hai năm gần nhất (2021, 2022), hơn 97% sinh viên USTH tốt nghiệp đã có việc làm hoặc học tiếp lên ở các trình độ cao hơn, trong đó có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.

Trân trọng cảm ơn bà.


“Chúng tôi đánh giá rất cao chỉ trong một thời gian ngắn, USTH đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vươn mình lên trở thành một trường đại học có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học Việt Nam đang phải thực hiện tự chủ đại học, USTH đã có những bước chuyển mình lớn, liên tục đổi mới để thích nghi với thay đổi trên. Với việc nhận được chứng chỉ kiểm định của HCERES, USTH đã đạt cột mốc mới trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Nhà trường.” Bà Amélie Bensimon, đại diện HCERES

“Việc USTH nhận được chứng nhận kiểm định này không chỉ là một vinh dự rất lớn đối với trường, mà còn là một cột mốc quan trọng, khẳng định cam kết của nhà trường trong việc phát triển chất lượng đào tạo và nghiên cứu tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như nỗ lực của chúng tôi để trở thành một trường đại học có uy tín trong hệ sinh thái các trường đang có sức cạnh tranh rất cao trong tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu.” GS. Jean- Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH