Thomas Edison và Nikola Tesla là hai tên tuổi lừng lẫy trong giới khoa học với những phát minh ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nhân loại. Có một điều thú vị là Tesla từng làm việc cho Edison, nhưng do bất đồng về quan điểm mà hai nhà sáng chế đại tài này không thể hợp tác với nhau.

Nikola Tesla là một nhà khoa học thiên tài và lập dị người Mỹ gốc Serbia. Ông là cha đẻ của hệ thống điện xoay chiều (AC) cũng như nhiều hệ thống thông tin liên lạc được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Ông chủ cũ của Tesla, Thomas Edison, là nhà phát minh vĩ đại của nước Mỹ với các sáng chế nổi tiếng như bóng đèn, máy hát đĩa và thiết bị có khả năng ghi lại hình ảnh chuyển động. Hai thiên tài này đã tạo ra “Cuộc chiến dòng điện” vào những năm 1880 để cạnh tranh xem hệ thống điện của ai sẽ giữ vai trò thống trị trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới – hệ thống điện xoay chiều của Tesla hay hệ thống điện một chiều (DC) của đối thủ Edison.

Thomas Edison (bên trái) và Nikola Tesla. Ảnh: Wikimedia.

Đối với những người đam mê khoa học, có không nhiều cuộc tranh luận sôi nổi hơn cuộc tranh luận so sánh Tesla và Edison. Vậy, ai là nhà phát minh tài giỏi và vĩ đại hơn?

“Họ là hai nhà phát minh khác nhau, do đó bạn không thể phân định rạch ròi ai vĩ đại hơn. Xã hội Mỹ đương thời cần đến các phát minh của Edisons cũng như của Tesla”, W. Bernard Carlson, tác giả cuốn sách “Tesla: Inventor of the Electrical Age” (Tesla: Nhà phát minh của kỷ nguyên điện) được phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Princeton vào năm 2013, cho biết.
Từ những khác biệt về mặt tính cách cho đến các di sản mà họ để lại, sau đây là một số so sánh giữa hai nhà phát minh này.

Sự thông minh

Tesla có khả năng nhớ lại các hình ảnh và đồ vật một cách chính xác dù chỉ nhìn một lần. Điều này cho phép ông hình dung chi tiết các vật thể 3D phức tạp trong đầu, cũng như chế tạo các nguyên mẫu hoạt động chỉ từ một vài bản vẽ sơ bộ.

“Tesla thực sự tạo ra các sáng chế mới từ trong trí tưởng tượng của ông”, Carlson nhận định.
Ngược lại, Edison là người thường xuyên vẽ các bản phác thảo một cách chi tiết và thích lắp ráp mọi thứ.

“Nếu bạn đến phòng thí nghiệm của Edison để xem ông ấy làm việc, bạn sẽ thấy có nhiều thứ trên bàn như dây điện, cuộn dây và vô số linh kiện khác nhau của các sáng chế mới”, Carlson nói.

Trong suốt sự nghiệp, Edison sở hữu tổng cộng 1.093 bằng sáng chế, theo số liệu của Công viên Lịch sử Quốc gia Thomas Edison. Trong khi đó, Tesla chỉ có ít hơn 300 bằng sáng chế trên toàn thế giới, theo một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị chuyên đề quốc tế lần thứ sáu về Nikola Tesla diễn ra vào năm 2006. Tất nhiên, Edison có nhiều trợ lý hơn để giúp ông nghĩ ra các phát minh mới. Ông cũng mua lại nhiều sáng chế từ người khác.

Edison được mệnh danh là “thầy phù thủy ở Menlo Park”, bởi vì hầu hết phát minh của ông ra đời tại phòng thí nghiệm ở Menlo Park, bang New Jersey. Ông cũng là người tiên phong trong việc thiết lập phòng nghiên cứu công nghiệp, ứng dụng nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào quy trình sáng tạo.

Ai có tầm nhìn xa hơn?

“Trong khi bóng đèn, máy hát đĩa và máy chiếu ảnh chuyển động được coi là những phát minh quan trọng nhất của Edison, một số nhà khoa học sống cùng thời với ông cũng đang nghiên cứu về các công nghệ tương tự”, Leonard DeGraaf, chuyên viên lưu trữ tại Công viên Lịch sử Quốc gia Thomas Edison ở New Jersey, cho biết. “Nếu Edison không sáng chế ra những thứ đó thì người khác cũng sẽ làm vậy”.

Edison đã bác bỏ ý tưởng của Tesla về hệ thống truyền tải điện xoay chiều, thay vào đó quảng bá hệ thống dòng điện một chiều đơn giản hơn nhưng kém hiệu quả hơn của ông.

Ngược lại, ý tưởng của Tesla thường là những công nghệ đột phá hơn và không có sẵn nhu cầu của thị trường. Nhà máy thủy điện và động cơ xoay chiều của ông lắp đặt ở Thác Niagara đã mở đầu cho công cuộc điện khí hóa trên toàn thế giới.

Tesla cũng đã dành nhiều năm phát triển các hệ thống truyền tải giọng nói và hình ảnh không dây, góp phần tạo ra nền tảng công nghệ cho radio, điện thoại và tivi. Một số ý tưởng của Tesla thậm chí đã vượt xa tầm hiểu biết, kiến thức và công nghệ của con người thời bấy giờ.

“Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc hiện đại của chúng ta ngày nay đều dựa trên hệ thống của Tesla”, Marc Seifer, tác giả cuốn sách “Wizard: The Life and Times of Nikola Tesla” được xuất bản vào năm 2001, cho biết.

Phong cách sống và thời trang

Ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, Tesla rất lôi cuốn, nhanh nhẹn và hóm hỉnh. Ông nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ông là bạn của đại văn hào Mark Twain, Rudyard Kipling và nhà tự nhiên học John Muir. “Tesla còn quen biết với nhiều nhân vật khác trong giới thượng lưu”, Seifer cho biết.

Tuy nhiên, Tesla cũng được biết đến là người khá kiêu ngạo, lập dị và mắc hội chứng “sạch sẽ thái quá”. Về già, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của Tesla trở nên nghiêm trọng hơn, khiến nỗi sợ hãi của ông về đôi bông tai của phụ nữ ngày càng lớn. Ông ghét chạm vào tóc con người, cho rằng mình đã liên lạc với người ngoài hành tinh và bày tỏ tình yêu với một con chim bồ câu. Ông qua đời trong hoàn cảnh nghèo khó và cô đơn tại một phòng khách sạn nhỏ ở thành phố New York vào năm 1943.

Trong khi đó, Edison mắc chứng khó nghe. Ông là người sống nội tâm và có ít bạn bè thân thiết.

“Xét về ngoại hình, Tesla có thân hình cao lớn, mảnh khảnh và oai phong với bộ ria mép bảnh bao cùng phong cách thời trang hoàn hảo”, Carlson cho biết. Chiếc mũ và cây gậy mà Tesla từng sử dụng hiện nay được trưng bày trong một bảo tàng ở Serbia.

“Ngược lại, Edison được biết đến là người ăn mặc hơi cẩu thả. Ông thậm chí còn đi những đôi giày có kích thước quá lớn để dễ dàng xỏ chân vào và tháo ra mà không cần phải cúi xuống để cởi dây giày”, Carlson nói.