James Naismith, một giáo viên dạy thể dục người Mỹ gốc Canada, đã nghĩ ra trò chơi bóng rổ để giúp học sinh của mình vận động trong suốt mùa đông lạnh giá. Trò chơi nhanh chóng trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới.
Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ nhưng chiếc lưới bóng rổ mà các vận động viên sử dụng để ném bóng vào và ghi điểm có nguồn gốc từ chiếc rổ dùng để đựng những quả đào. Đây là sáng kiến của một giáo viên trẻ tuổi nhằm thu hút các học sinh tham gia trò chơi mới do ông nghĩ ra vào một ngày lạnh giá năm 1891.
James Naismith, người sáng tạo ra trò chơi bóng rổ. Ảnh: Wikipedia.
James Naismith khi đó là giáo viên dạy thể dục tại Trường Đào tạo YMCA Quốc tế, ngày nay là Đại học Springfield, bang Massachusetts (Mỹ). Trong bối cảnh các sinh viên buộc phải ở trong nhà nhiều ngày do một cơn bão ở New England, Naismith ban đầu cho học trò tham gia các hoạt động thể thao mùa đông thông thường bao gồm: thể dục nhịp điệu, thể dục dụng cụ, tập bước đều,…Tuy nhiên, tất cả chúng đều không gay cấn như bóng đá hoặc bóng vợt (lacrosse) – các môn thể thao được chơi trong những mùa ấm hơn.
Naismith muốn tạo ra một trò chơi mới. Nó vừa đơn giản để ai cũng có thể hiểu, nhưng đủ phức tạp để trở nên thú vị. Nó phải chơi được trong nhà và có nhiều người chơi cùng lúc. Trò chơi mới có thể rèn luyện thể lực cho sinh viên nhưng không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh như bóng đá hoặc bóng bầu dục, bởi vì những môn này có thể gây ra chấn thương nếu chơi trong một không gian hạn chế.
Naismith đã đến gặp người gác cổng của trường, hy vọng anh ấy có thể tìm giúp hai chiếc hộp vuông để sử dụng cho trò chơi mới. Sau khi tìm kiếm một lúc lâu, người gác cổng trở về với hai chiếc rổ đựng đào trên tay. Naismith đóng đinh các rổ ở phía dưới lan can của ban công phòng tập thể dục, mỗi bên một cái. Độ cao của rổ khoảng 3m. Các sinh viên chơi theo đội, cố gắng đưa bóng vào rổ ở sân của đối phương. Ban công luôn có một người đứng chờ để lấy bóng từ rổ và đưa nó trở lại sân thi đấu.
Ban đầu, trò bóng rổ của Naismith chưa có luật chơi nên nó trông giống như một cuộc ẩu đả giữa các sinh viên.
“Các chàng trai bắt đầu tranh chấp, đá và đấm lẫn nhau. Họ lao vào nhau ở giữa sân tập thể dục trước khi tôi có thể kéo họ ra”, Naismith cho biết trong một chương trình phát thanh tại thành phố New York vào tháng 1/1939. “Một nam sinh viên đã bị đánh gục và một người bị trật khớp vai. Sau trận đấu đầu tiên đó, tôi sợ họ sẽ gặp nguy hiểm, nhưng họ cứ nài nỉ tôi để chơi lại nên tôi đã đưa ra thêm một số quy tắc”.
Naismith không nghĩ ra tất cả các quy tắc của trò chơi bóng rổ cùng lúc. Tuy nhiên, ông đã liên tục sửa đổi chúng để tạo thành 13 quy tắc ban đầu. Trong đó, người chơi có thể ném bóng theo bất kỳ hướng nào bằng một tay hoặc cả hai tay, không bao giờ được dùng nắm đấm. Cầu thủ không thể ôm bóng chạy trên sân mà phải ném nó đi từ vị trí mà anh ta bắt được nó. Người chơi không được phép xô đẩy, ngáng chân hoặc tấn công đối thủ của họ.
Cầu thủ vi phạm lần đầu tiên bị coi là phạm lỗi, vi phạm lần thứ hai sẽ bị trọng tài truất quyền thi đấu cho đến khi bàn thắng tiếp theo được thực hiện. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy một người chơi nào đó cố tình làm đối phương bị thương, họ sẽ bị truất quyền thi đấu cả trận. Trọng tài có nhiệm vụ điều khiển trận thi đấu, quản lý thời gian, tổng hợp các bàn thắng, quan sát xem bóng ở bên ngoài đường biên hay không.
Người chơi sẽ ghi bàn nếu họ ném hoặc đánh bóng từ mặt đất vào rổ và bóng ở lại trong đó (không bị rơi xuống). Nếu một đội phạm lỗi ba lần liên tiếp, một điểm sẽ thuộc về đội của đối phương. Một trận đấu bao gồm hai hiệp, mỗi hiệp kéo dài 15 phút, thời gian nghỉ giữa hai hiệp là 5 phút. Đội ghi nhiều bàn thắng nhất trong thời gian quy định là đội chiến thắng. Nếu thời gian kết thúc mà trận đấu có kết quả hòa, hai đội sẽ tiếp tục chơi cho đến khi một bàn thắng khác được công nhận.
Một số quy tắc chơi nói trên vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Các quy tắc ban đầu của trò bóng rổ do Naismith phát triển đã được bán đấu giá vào năm 2010 với số tiền lên tới 4,3 triệu USD.
Ngày 12/3/1892, tờ báo Springfield Republican đã đăng tin về trận đấu bóng rổ công khai đầu tiên trên thế giới, diễn ra trong phòng tập thể dục của Trường Đào tạo YMCA Quốc tế. Các giảng viên thi đấu với đội của sinh viên [mỗi đội gồm năm người chơi]. Ước tính có khoảng 200 khán giả đã tới tham dự sự kiện này để khám phá môn thể thao mới, thứ mà họ chưa từng được nghe nói đến hoặc nhìn thấy trước đây. Trong trận đấu đó, tác giả bài báo mô tả các giảng viên khá “nhanh nhẹn” nhưng vẫn bị thất thế trước đội của sinh viên. Kết quả chung cuộc, đội sinh viên giành chiến thắng với tỷ số áp đảo 5 - 1.
Trong vòng vài tuần, sự phổ biến của bóng rổ đã tăng lên nhanh chóng. Các nam sinh viên của nhiều trường trung học và đại học trên khắp nước Mỹ cũng bắt đầu chơi môn thể thao này. Trận đấu bóng rổ đầu tiên giữa hai đội tuyển nữ của Đại học Stanford và Đại học California tại Berkeley diễn ra vào năm 1896. Đến năm 1905, bóng rổ chính thức được công nhận là một môn thể thao mùa đông và nó dần xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.
Luật chơi bóng rổ ngày càng hoàn thiện và có nhiều điểm khác biệt so với thời điểm Naismith phát minh ra nó. Những chiếc rổ được thay thế bằng một vòng kim loại có gắn túi lưới thủng ở phần đáy để bóng lọt qua.
Khi ngày càng trở nên phổ biến, Ủy ban Olympic Quốc tế đã giới thiệu trò bóng rổ tại Thế vận hội Mùa hè năm 1904 ở St. Louis (Mỹ) như một sự kiện trình diễn. Mãi đến năm 1936, bóng rổ mới được công nhận là một môn thi đấu có huy chương.
Kể từ đó, các giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp bắt đầu hình thành trên khắp nước Mỹ. Giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia (NBL) được thành lập vào năm 1898. Đến năm 1937, giải đấu tăng lên 13 đội chơi do có sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Goodyear, Firestone và General Electric.
Giải bóng rổ của các trường đại học Mỹ (NCAA) diễn ra lần đầu tiên tại Đại học Northwestern vào năm 1939. Cho đến nay, giải đấu NCAA vẫn liên tục được tổ chức vào tháng ba hằng năm. Nó thường diễn ra tại các sân vận động có sức chứa hàng chục nghìn khán giả và phát sóng trực tiếp trên TV. Tổng cộng 68 đội giỏi nhất sẽ tham gia tranh tài. Họ được tuyển chọn từ hơn 1.000 đội thi đấu đến từ nhiều trường đại học khác khau.
Năm 1936, bóng rổ được công nhận là một môn thi đấu có huy chương. Kể từ đó, các giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp bắt đầu hình thành trên khắp nước Mỹ. Giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia (NBL) được thành lập vào năm 1898. |