Thế kỷ 16 và 17 là một thời kỳ đáng chú ý trong lịch sử pháp luật nước Anh. Theo luật, các quyền liên quan đến của cải và nghĩa vụ được bảo vệ thông qua những giao dịch hợp pháp – và điều này cần phải có hồ sơ tài liệu chứng minh.
Chính vì vậy, các văn bản pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản rất quan trọng. Các luật sư đã chọn viết những văn bản này lên giấy làm từ da động vật, mặc dù giấy từ gỗ lúc này đã trở nên phổ biến. Đây là sự nối tiếp của một truyền thống đã kéo dài ít nhất là từ thế kỷ 13.
Việc xác định trực quan người xưa dùng da của loài động vật nào để làm giấy quả là một thách thức. Khi sản xuất giấy da, người thợ sẽ loại bỏ các sợi thớ và mẫu nang. Điều này khiến giấy tờ hợp pháp thường được gọi là “vellum” (thường có nghĩa là da bê), “parchment” (thường để chỉ da cừu hoặc da dê) hay thậm chí chỉ gọi chung chung là “màng động vật”.
Kỹ thuật dấu vân tay sinh khối sợi peptide (peptide mass fingerprinting) đã cung cấp một phương pháp mới để xác định loài, thông qua việc phân tích các protein từ da. Chúng tôi* đã sử dụng phương pháp này để xem xét 645 mẫu tài liệu có niên đại từ năm 1499 đến năm 1969, và nhận thấy 96,4% trong số đó là da cừu.
Vì sao lại là da cừu? Điều này có thể bắt nguồn từ việc người xưa muốn tận dụng cấu trúc độc đáo của da cừu để ngăn chặn những hành vi gian lận nhằm chỉnh sửa các giấy tờ thỏa thuận pháp lý sau khi chúng được ký kết.
Vậy da cừu có cấu trúc gì đặc biệt?
Giấy da được tạo ra từ lớp hạ bì, một lớp da được chia thành hai phần. Các sợi bì mịn nằm ở lớp hạ bì phía trên và các sợi lớn hơn nằm ở lớp hạ bì dạng lưới bên dưới. Với da cừu, mặt phân cách giữa hai lớp này yếu và có một lượng lớn chất béo hình thành ở phần tiếp giáp.
Trong quá trình sản xuất giấy, người thợ sẽ ngâm da trong dung dịch kiềm để hút chất béo này ra ngoài. Da cừu có nhiều chất béo hơn da bò và da dê, và quá trình hút chất béo có khả năng để lại khoảng trống giữa hai lớp hạ bì. Nếu bề mặt của giấy da bị cạo đi nhằm tẩy xóa, thay đổi văn bản, hai lớp này sẽ bị tách rời ra – hay còn gọi là “tách lớp” – để lại một vết dơ lớn trên bề mặt.
Nguy cơ tách lớp ở da cừu cao hơn nhiều so với những loài động vật thường bị lấy da để làm giấy khác. Mỡ da chiếm từ 30 đến 50% trọng lượng khô của da cừu, so với chỉ 2% đến 3% ở da bê và 3% đến 10% ở da dê.
Giấy da cừu bền, rẻ, nhiều và khó tẩy xóa. Đây là những ưu điểm giúp chúng được cho là vật liệu lý tưởng để sử dụng vào các văn bản pháp lý. Ảnh: Sean Doherty/ Dave Lee
Ngay từ thế kỷ 12, người xưa đã nhận ra xu hướng phân tách của da cừu có lợi cho các văn bản pháp luận. Trong một tài liệu có tên Dialogus de Scaccario, người đứng đầu phụ trách ngân khố thời đó - Richard FitzNeal - đã hướng dẫn những người ghi chép sử dụng da cừu “vì không dễ để tẩy xóa mà không để lại dấu vết rõ ràng”.
Sau đó, vào thế kỷ 17, Sir Edward Coke – chánh án của Tối cao Pháp viện nước Anh – một lần nữa lưu ý về tầm quan trọng của việc viết các chứng thư trên chất liệu bền như giấy da cừu, “vì chữ viết trên những thứ này ít bị chỉnh sửa hoặc thay đổi nhất.”
Vật liệu lý tưởng
Đặc thù chống gian lận này chắc chắn là một yếu tố khiến người xưa sử dụng da cừu để viết văn bản pháp lý. Nhưng sự tiếp nối truyền thống này vào cuối thế kỷ 19 có thể một phần vì số lượng da cừu nhiều hơn và giá thành thấp hơn so với da bê.
Vào thời Victoria, số lượng cừu ở nước Anh còn đông hơn số người. Bên cạnh đó, trong khi da của những con cừu ở mọi lứa tuổi đều phù hợp, thì ở bê, chỉ có da của những chú bê con dưới sáu tuần tuổi mới có thể dùng làm giấy, do độ dày da của chúng tăng lên theo thời gian.
Nguồn cung hạn chế về da bê khiến giấy da bê có giá đắt gấp đôi so với giấy da cừu, và chỉ được dùng cho các tài liệu đặc biệt quan trọng như làm bản sao cho những văn bản của quốc hội.
Ngoài ra, giấy da cừu còn có ưu điểm bền hơn giấy làm từ gỗ, phù hợp với yêu cầu về độ bền của các văn bản thỏa thuận. Đối với những tài liệu pháp lý thông thường, giấy da cừu cũng là vật liệu lý tưởng, bởi chúng rẻ, bền và có khả năng chống gian lận.
* Tác giả bài viết là Sean Doherty (Nghiên cứu viên danh dự về Khảo cổ học, Đại học York) và Jonathan Finch (Giáo sư Khảo cổ học, Đại học York) - hai thành viên của nhóm nghiên cứu